Người đàn ông được cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính ở Zimbabwe - Emmerson Mnangagwa – cựu Phó Tổng thống của quốc gia này từng là một "ông trùm gián điệp".
Ông Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi là một nhân vật quyền lực nổi tiếng ở Zimbabwe, một “ông trùm gián điệp” thực thụ. Ông Mnangagwa đã từng dẫn dắt cuộc thanh trừng đối thủ Gukurahundi vào những năm 1980. Vụ việc đã khiến ít nhất 20.000 người thiệt mạng, theo Daily Mail.
Emmerson Mnangagwa được cho là người đứng sau cuộc đảo chính ở Zimbabwe. Ảnh: AP |
Ông Mnangagwa có thân thủ nhanh nhẹn, kỹ năng chiến đấu thiện chiến và tính cách khá ngang tàng. Ông là một trong số ít nhà lãnh đạo của Zimbabwe có thể lái xe trên khắp đất nước mà không cần vệ sĩ và luôn được biết đến với đôi mắt có phần “nguy hiểm” vì không ai có thể nhìn vào đó mà đoán biết được ông đang toan tính điều gì.
Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe có một sự nghiệp chính trị lâu dài và đa dạng. Ông Mnangagwa từng lãnh đạo các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Tài chính và Nội vụ. Ông cũng là phát ngôn viên của Hạ viện Zimbabwe.
Ông Mnangagwa có biệt danh là "Cá sấu". Ảnh: Getty |
Sinh ra ở phía Tây Nam quận Zvishavana vào ngày 15/9/1942, ông Mnangagwa đã hoàn thành chương trình giáo dục sớm ở Zimbabwe trước khi gia đình ông chuyển đến nước láng giềng Zambia. Ông nội của ông là một nhà lãnh đạo truyền thống còn cha ông là một người hoạt động chính trị đấu tranh vì quyền lợi của người da đen.
Năm 1966, Mnangagwa tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập chống lại sự thống trị của nước Anh lúc bấy giờ. Ông trở thành một trong những chiến binh trẻ tuổi giúp chỉ đạo cuộc chiến sau khi trải qua đào tạo ở Trung Quốc và Ai Cập. Mnangwa đã gần gũi với ông Mugabe kể từ khi 2 bên cùng nhau đấu tranh chống lại quy luật thiểu số trắng trợn về chủng tộc ở Rhodesia.
Không lâu sau khi ZANU-PF, Đảng cầm quyền hiện đại của Zimbabwe được thành lập vào năm 1963, ông Mnangagwa đã được gửi đi huấn luyện quân sự tại Trung Quốc. Khi trở về Zimbabwe, ông có biệt danh là “Cá sấu” và dẫn đầu một nhóm chiến binh cũng được gọi là nhóm "Cá sấu" trong cuộc nội chiến.
Nhóm này đã đánh bom nhiều đoàn tàu trong nỗ lực chống lại chính phủ Rhodes, và kết quả là ông Mnangagwa bị bắt vào năm 1965. Ông đã thú nhận mình hoạt động cách mạng và bị tra tấn tàn bạo, nhưng thoát án tử hình sau khi lập luận thành công, vì lúc đó ông dưới 21 tuổi nên không nên bị hành quyết. Thay vào đó, ông bị kết án 10 năm tù giam, bị giam tại nhà tù Salisbury, Grey, Khami và nhà tù Harare.
Ông đã từng luôn luôn trung thành với Tổng thống Mugabe. Ảnh: Reuters |
Trong khi bị giam tại Salisbury (sau này đổi tên thành Harare), ông trở nên thân thiết hơn với ông Mugabe và các nhà lãnh đạo quốc gia khác.
Tiếp sau đó, ông Mnangagwa bị trục xuất sang Zambia. Tại đây ông đã quyết định đi học luật và cuối những năm 1970 rồi trở thành thành viên cao cấp của Đảng cầm quyền ZANU-PF.
Khi Zimbabwe giành được độc lập vào năm 1980, Mnangagwa được bổ nhiệm làm thủ lĩnh an ninh quốc gia của Thủ tướng Mugabe.
7 năm sau, khi ông Mugabe lên làm Tổng thống, ông Mnangagwa đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp. Đến năm 2000, ông Mnangagwa tiếp tục được bổ nhiệm vào vị trí người phát ngôn của Hạ viện Zimbabwe. Những năm sau đó, ông Mnangagwa dần trở thành Bộ trưởng Quốc phòng rồi Phó Tổng thống vào năm 2013.
Sau khi ông Mnangagwa bị sa thải, quân đội Zimbabwe đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống 93 tuổi Mugabe. Ảnh: AP |
Takavafira Zhou, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Masvingo State, trước đây mô tả Mnangagwa là “một người quyết đoán nhưng cố chấp”. Ngoài ra, ông Mnangagwa cũng nổi tiếng là có quan hệ mật thiết với các tổ chức quân đội cùng những tướng lĩnh, quan chức tầm cỡ quốc gia.
Trước đây, ông Mnangagwa được cho là sẽ kế nhiệm Tổng thống đương nhiệm Mugabe. Tuy nhiên cuối tuần trước, ông này bị sa thải và buộc phải bay tới Nam Phi lánh nạn. Tổng thống Mugabe cáo buộc Mnangagwa tìm cách tranh giành quyền lực. Vợ của Tổng thống Mugabe gọi Mnangagwa là “con rắn” và cần phải “đập vào đầu” sau khi hai người có mâu thuẫn.
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính khiến Tổng thống 93 tuổi Mugabe rớt đài, ông Mnangagwa đã nói với các đồng minh rằng mình sẽ trở lại nhanh chóng và mọi thứ sẽ sớm được sắp xếp.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Daily Mail)