Trở thành Hoa hậu là ước mơ của nhiều cô gái, bởi vương miện được coi là tấm vé hoàn hảo để các cô “đổi đời”, nhưng với Hoa hậu Thu Trang lại không phải như vậy. Chiếc vương miện mang lại cho bà nhiều điều, danh vọng, tiền bạc nhưng cũng là thứ đã gieo họa khiến cuộc đời rẽ lối với nhiều nỗi đắng cay, tủi hờn.
“Hoa hậu Lambretta”
Hoa hậu Thu Trang tên là Bùi Công Nghĩa, sinh năm 1932, quê gốc ở Hà Nội. Sau khi học xong tiểu học, bà theo gia đình vào Sài Gòn. Bà không chỉ là người đẹp được nhớ tên vì đạt danh hiệu tại một cuộc thi nhan sắc mà còn là một nhà báo, một Tiến sĩ Sử học nổi tiếng. Người ta thường nhắc đến bà với cái tên Thu Trang là bởi, đây là bút danh dành cho tất cả các trang viết, nghiên cứu lịch sử của bà.
Năm 20 tuổi, bà tham gia tổ chức Việt Minh, với nhiệm vụ là hoạt động điệp báo trong nội thành Sài Gòn. Sau một thời gian hoạt động bà bị mật thám phát hiện và trong một ngày tháng 7 năm 1952, bà bị bắt, rồi bị giam tại bót Catinat nay là sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch TP.HCM. Sau đó, bà được chuyển sang Khám Lớn - Sài Gòn nay là thư viện Tổng hợp TP.HCM - đường Lý Tự Trọng, quận 1. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính là người đã giải thoát cho Thu Trang, Nguyễn Thị Châu Sa (Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) và Nguyễn Duy Liên (từng làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) trong phiên toà 6/1953.
Thoát khỏi “địa ngục trần gian”, Thu Trang học nghề báo và làm ký giả tại Sài Gòn. Bà phụ trách mảng tin tức mà ngày nay gọi là văn hóa – giải trí. Trong một lần tác nghiệp tại một cuộc thi Hoa hậu, một người trong ban tổ chức đã “xúi”, "Cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi này". Nghe rủ rê, bà đăng ký tham gia với mục đích ban đầu là... để vui.
Nhan sắc xinh đẹp của Thu Trang ngày đầu đăng quang ngôi vị Hoa hậu. |
Ngày 20/5/1955, nhân lễ Kỷ niệm Hai Bà Trưng, tại rạp hát Lido ở khu Chợ Lớn, cuộc thi Hoa hậu chính thức được diễn ra. Cuộc thi Hoa hậu năm đó thu hút sự tham gia của rất nhiều cô gái xinh đẹp của Sài Gòn và các tỉnh khác ở miền Nam. Do quan niệm Á Đông vẫn còn khá nặng nề nên cuộc thi năm đó không có phần thi áo tắm.
Ngay từ ngày đầu tham gia, cái tên Bùi Công Nghĩa đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi bà sở hữu gương mặt xinh đẹp và vóc dáng dù nhỏ nhắn nhưng cân đối. Tại cuộc thi năm ấy, bà đăng quang ngôi vị Hoa hậu; Á hậu 1 thuộc về cô Nguyễn Thị Ninh, người Hà Nội di cư vào Nam và Á hậu 2 là cô Ngô Yên Thu, người Cần Thơ. So với tiêu chuẩn ngày nay, Hoa hậu Thu Trang có vóc dáng khá nhỏ bé, bà chỉ cao 1m61, số đo 3 vòng là 86-62-88.
Phần thưởng cho Hoa hậu là một chiếc môtô hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác. Nhà báo Hà Đình Nguyên kể, Lambretta thời điểm đó có giá rất đắt. Đó là dòng xe hai bánh cao cấp bậc nhất. Vì chiếc xe này mà bà Thu Trang còn được nhiều người gọi đùa là "Hoa hậu Lambretta". Sau này, khi nhớ lại giờ phút đăng quang, bà tự đặt câu hỏi việc mình trở thành Hoa hậu là hạnh phúc hay là họa?
Chưa chồng mà có con
Thời ấy, Hoa hậu cũng được săn đón như ngày nay nên với danh xưng Hoa hậu, bà Thu Trang tham gia nhiều sự kiện, tiệc thết đãi và đương nhiên là cũng bước chân vào làng giải trí. Bà tham gia nhiều bộ phim như Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn), Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp)... và đều được công chúng đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao.
Đầu năm 1957, bà cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp mang bộ phim Lục Vân Tiên sang Nhật để làm hậu kỳ đồng thời cũng tham gia đại hội Điện ảnh châu Á đang được tổ chức tại đây. Gần một tháng ở Nhật cùng với đạo diễn Tống Ngọc Hạp, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” giữa bà và đạo diễn nảy sinh tình cảm. Chuyện gì đến cũng đến, bà có thai.
Trong cuốn hồi ký của mình, bà đã kể khá chi tiết về mối tình không lối thoát này, bà viết: "Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu?... Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo... Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy".
Vụ việc Hoa hậu Thu Trang có con với đạo diễn đã có vợ con tạo nên một scan- dal chấn động báo giới thời ấy. Khi đó bà Thu Trang phải chịu sự chỉ trích gay gắt từ dư luận. Thế nhưng, dù phải chịu đựng búa rìu dư luận nhưng bà vẫn kiên quyết giữ lại đứa bé. Sau này, bà vẫn để con theo họ của cha. Cậu bé ấy có tên là Tống Ngọc Vân Tiên, cái tên này như lưu dấu kỷ niệm về tình cảm mà bà dành cho đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Chắc chắn, đó phải là tình yêu chân thành và đầy vị tha.
Thu Trang cùng người con Tống Ngọc Vân Tiên (Con của đạo diễn Tống Ngọc Hạp). |
Rất nhiều năm sau, bà vẫn không một lời oán trách vị đạo diễn ấy. Mặc dù phải đối mặt với nghịch cảnh “không chồng mà có con” nhưng Thu Trang vẫn là cô gái đánh cắp trái tim của nhiều chàng trai. Một trong những người đàn ông rất nổi tiếng mê đắm bà đến quên ăn quên ngủ chính là... thi sĩ Bùi Giáng.
Nhiều người nói rằng câu thơ lạ lùng "Còn hai con mắt, khóc người một con" chính là viết cho riêng bà. "Khóc người một con" tức là thương cảm cho người phụ nữ có một con chứ không liên quan gì đến chuyện... nhãn cầu. Tất nhiên, với chữ nghĩa của một thi sĩ như Bùi Giáng thì ai suy nghĩ sao... cũng được.
Hoa hậu Thu Trang còn là nàng thơ của Bùi Giáng trong nhiều bài thơ nằm ở tập Mưa nguồn, xuất bản năm 1962. Bùi Giáng còn có bài thơ mang tên Thu Trang chưa công bố bao giờ, bài này do hoạ sĩ Bửu Ý chép lại cho Thu Trang: “Trang của tờ giấy cũ/Của vầng tóc ban đầu/Trang của hồi vàng tụ/Về mệt mỏi mai sau/Anh nhớ em vô cùng/Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/Trang ồ Trang rất tệ”.
Kể về thi sĩ Bùi Giáng, bà Thu Trang cũng chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người ngưỡng mộ tình yêu mà ông dành cho bà. Năm 1961, khi biết Thu Trang chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng đến nhà thăm bà trong một ngày mưa. Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ quặc” của ông hôm đó: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”.
Khép lại quá khứ
Với đạo luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu quá trình xét lại tội danh với tất cả những người từng tham gia cách mạng. Nhiều đồng chí từng hoạt động chung với bà, khuyên nên rời khỏi Sài Gòn càng sớm càng tốt để tránh sự trả thù.
Năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, bà đã rời Sài Gòn và tìm cách định cư lâu dài tại đất nước này. Sang Pháp, bà không tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật cũng như điện ảnh nào. Bà không hề nhắc đến chuyện mình là Hoa hậu của Sài Gòn xưa, thế nên không ai biết cô gái kia từng là Hoa hậu sở hữu nhan sắc vạn người mê.
Năm 1978, bà bảo vệ thành công đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh và trở thành Tiến sĩ Sử học tại trường đại học Paris VII. Ngoài ra, bà còn viết nhiều sách nghiên cứu về quá trình hoạt động của nhiều nhà cách mạng. Nghiên cứu của bà được in thành sách và được dịch ra tiếng Việt. Sau này, bà thường về Việt Nam để tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học trong nước.
Lê Anh
Báo giấy Đời sống & Pháp luật số 65