+Aa-
    Zalo

    NSND Phùng Há một đời đau khổ trong cuộc hôn nhân như "bẫy tình" với Bạch công tử

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mối lương duyên với người đàn ông ăn chơi nức tiếng Lục tỉnh Nam kỳ đã giúp bà chạm đến đỉnh cao sự nghiệp nhưng cũng chính nó đã đẩy bà Phùng Há đến vực thẳm...

    NSND Phùng Há là tượng đài của nghệ thuật cải lương. Trong 99 năm sống trên đời, người nghệ sĩ ấy đã có 86 năm gắn bó với sân khấu cải lương, thế nên việc nói về những di sản bà để lại cho đời là không cần thiết, bởi ai cũng đã biết. Trong bài này, người viết chỉ đề cập đến cuộc tình nhiều nước mắt của bà với Bạch công tử. Mối lương duyên với người đàn ông ăn chơi nức tiếng Lục tỉnh Nam kỳ đã giúp bà chạm đến đỉnh cao sự nghiệp nhưng cũng chính nó đã đẩy bà Phùng Há đến vực thẳm của sự khổ đau.

    Trai tài gái sắc kết đôi

    NSND Phùng Há được coi là cây đại thụ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam. Bà đến với cải lương từ rất sớm, năm 13 tuổi và ngay từ vai diễn đầu tiên đã nhận được tình cảm yêu mến của khán giả, được bầu săn đón. Dù không phải là con nhà nòi nhưng ngay từ lần đầu đứng trên sân khấu bà đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả vì diễn quá hay, hát quá ngọt. Sau đó, bà và Năm Châu trở thành cặp đào – kép rất được công chúng hoan nghênh và tán thưởng.

    Ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, bà là cô đào được nhiều đàn ông giàu có săn đón, trong số đó có thiếu gia ăn chơi nức tiếng Lục tỉnh Bạch công tử. Chuyện kể lại rằng, trong một đêm diễn năm 1929, sau khi vở tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài do bà thủ vai Mạnh Lệ Quân kết thúc, bà Phùng Há ra cửa sau để ra về thì bất ngờ gặp Bạch công tử đứng đợi tự bao giờ. Người đàn ông ấy bắt tay cô đào xinh đẹp và làm quen. Kể từ cái bắt tay ấy, Bạch công tử luôn xuất hiện ở hàng ghế đầu tiên trong các đêm diễn để được ngắm cô đào xinh đẹp, hát hay. Trước sự săn đón nhiệt tình của người đán ông ấy, cái gì đến cũng đã đến, họ bén duyên, yêu thương nồng cháy và nên duyên vợ chồng.

    Có một điều không nhiều người biết về Bạch công tử chính là ông không chỉ mê cải lương mà còn đã theo học ngành sân khấu. Vì vậy, sau khi kết hôn với bà Phùng Há, Bạch công tử thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và giao cho vợ làm bầu. Đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam kỳ. Bạch công tử cho xây dựng rạp hát lớn nhất trong vùng cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi biểu diễn thường xuyên.

    Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng hoa vương - Ảnh tư liệu gia đình.

    Tiền bạc của Bạch công tử và tài năng của bà Phùng Há đã giúp gánh hát Huỳnh Kỳ trở thành cái tên nức tiếng lúc đó. Theo các tài liệu ghi lại, trong khi các gánh hát khác di chuyển bằng ghe chèo thì Bạch công tử đã trang bị cho gánh hát Huỳnh Kỳ một lúc 3 chiếc ghe máy đồ sộ. Mỗi lần di chuyển, đoàn ghe của gánh hát Huỳnh Kỳ không khác một đoàn du thuyền trên sông. Chiếc đầu tiên có lầu, phía trước ghe có cột cờ, trên đó có lá cờ vàng biểu tượng cho 2 chữ Huỳnh Kỳ.

    Bạch công tử và Phùng Há có mặt trên ghe này. Ghe kế tiếp dành cho đào kép được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh. Chiếc thứ ba chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch Công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền địa phương. Mang tiếng ăn chơi nhưng ít ra trong giai đoạn này ở lĩnh vực nghệ thuật, Bạch công tử cũng đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của cải lương trong thời kỳ phôi thai.

    Tận cùng của nỗi đau

    Tài năng của bà Phùng Há và sự chịu chi của Bạch công tử đã giúp gánh hát Huỳnh Kỳ phát triển mạnh mẽ trong suốt một thời gian dài. Với thực lực hùng hậu không gánh hát nào bì kịp, Huỳnh Kỳ đi lưu diễn khắp nơi. Khán giả từ những nơi heo hút nhất hàng đêm đã chèo ghe đến xem. Ghe của khách neo chật cả bến.

    Nghệ sĩ Phùng Há vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình - Ảnh tư liệu gia đình.

    Tuy nhiên, 7 năm bên cạnh bà Phùng Hà giống như quãng thời gian tạm nghỉ của vị công tử ăn chơi. Sau một thời gian mặn nồng hạnh phúc với bà Phùng Há, Bạch công tử quay trở lại lối sống ăn chơi với thú vui cờ bạc, rượu chè, gái trai không quan tâm đến công việc kinh doanh gánh hát và người vợ xinh đẹp tài năng. Thiếu sự đầu tư, gánh Huỳnh Kỳ rơi vào tình trạng không người cai quản khiến công việc kinh doanh ngày càng giảm sút, mọi người theo đoàn cũng dần bỏ đi. Khi ấy bà Phùng Há vì đau buồn, một nách 2 con nên cũng chẳng còn tâm sức để lo cho Huỳnh Kỳ và buông xuôi.

    Lúc mọi người trong gánh hát đã bỏ đi hết, bà Phùng Há ôm con nằm chơ vơ trên những chiếc ghe mà gánh hát neo gần cầu Ông Lãnh. Khi tiền bạc không còn, bà ôm con tìm chồng nhưng đến lúc gặp được lại đau thấu tim vì chồng đang ôm ấp gái đẹp trong khách sạn. Nhìn thấy vợ con, người đàn ông ấy không những không hối lỗi mà còn quát mắng và đuổi đi. Con trai Paul Lộc bệnh nhưng không có thuốc men nên đã mất sau đó. Con mất, vợ quay quắt nhưng Bạch công tử vẫn cứ chìm đắm trong u mê. Trước hoàn cảnh trái ngang ấy, bà Phùng Há quyết định ly dị với người đàn ông mà bà đã nhất mực yêu thương. Sau đó ít lâu, cô con gái nhỏ Suzane cũng ra đi để lại cho bà nỗi đau không thể nguôi ngoai theo thời gian.

    Chồng hắt hủi, hai con đều ra đi đã đẩy bà Phùng Há đến tận cùng của sự đau khổ. Nhiều người tưởng rằng nỗi đau ấy sẽ khiến bà mãi chìm trong uất hận, nhưng không, sau một thời gian vùi mình trong nước mắt bà đã mạnh mẽ đứng lên gây dựng lại từ đầu và có được thành công khiến nhiều người ghen tỵ. Đến nay, hình ảnh và những di sản bà đã để lại vẫn luôn ngự trị trong lòng khán giả ái mộ cải lương.

    Với Bạch công tử, thói quen ăn chơi vô độ đã đẩy cuộc sống của ông đến ngõ cụt. Tài sản của ông lần lượt ra đi sau mỗi chuyến ăn chơi và rồi chìm trong đói nghèo, nghiện ngập. Những ngày cuối đời Bạch công tử thường lang thang ở vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn ngày nay). Một người trước đây đã từng chịu ơn ông đã đưa ông về nhà ở Chợ Gạo nuôi dưỡng và chăm sóc. Đầu năm 1950, Bạch công tử qua đời. Bạch công tử được an táng trên một khu đất mà trước đây ông từng là chủ sở hữu. Khi ấy người chôn cất ông chỉ mới kịp làm một nấm mồ đất, không bia. Năm 1999, bà Phùng Há nghĩ đến tình nghĩa cũ trở về tìm lại ngôi mộ của chồng và dựng cho ông tấm bia. Cuộc đời của Bạch công tử khiến nhiều người tiếc nuối, giá như biết dừng đúng lúc thì cái kết không thê thảm đến thế.

    Lê Anh

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật Tháng số 21

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nsnd-phung-ha-mot-doi-dau-kho-trong-cuoc-hon-nhan-nhu-bay-tinh-voi-bach-cong-tu-a230787.html
    Sự kiện: Giải trí 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan