Nghe Phúc nói có thể đưa người đi du học, lao động tại nước ngoài, nhiều người đã tin tưởng nộp tiền. Thế nhưng, trong thời gian dài vị “giám đốc” này chẳng hề có động thái nào, mọi người đến đòi tiền đều tá hỏa khi biết đối tượng đã “bóng chim tăm cá”.
Ngôi nhà bố mẹ Phúc "cửa đóng then cài". Anh: Công an TP. Đà Nẵng |
Cắm bìa đất “chạy” cho con
Đã hơn 3 tháng trôi qua, nhiều người dân vẫn đang túc trực tại nhà của Lê Như Phúc (SN 1992), trú phường Nghi Hải, TX.Cửa Lò (Nghệ An) với hy vọng người đàn ông này trở về, để trả lại số tiền đã nhận trước đó. Thế nhưng, điều mong chờ đó càng lúc càng xa vời.
Bà Mạnh Thị Hoa (SN 1970), trú phường Nghi Hương, TX.Cửa Lò thở dài cho hay: “Cuối tháng 5/2019, nghe tin anh Phúc bỏ đi đâu không rõ, ôm toàn bộ số tiền thì có hàng chục người đến nhà, đứng chật lối để đòi lại, chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để liên hệ nhưng vẫn không tìm được tung tích của Phúc...”.
Con gái của bà Hoa học chung trường THPT với Phúc. Khi nghe tin Lê Như Phúc là Giám đốc của công ty CP Kết nối nhân lực quốc tế Happy (trụ sở tại TP.Vinh), chuyên đưa người đi làm việc, học tập tại các nước châu Âu và châu Á, bà Hoa liền nhờ “chạy” cho con trai út đi du học tại Canada. Cuối 2018, vị “giám đốc” đến nhà trao đổi và yêu cầu bà đưa trước 117 triệu đồng để làm thủ tục. Đến ngày 2/1/2019, Phúc yêu cầu gia đình đưa tiếp số tiền 264 triệu đồng để làm chi phí xuất cảnh và hứa ngày 10/4 con trai bà “sẽ nhập học”.
“Phúc tự xưng là giám đốc công ty CP kết nối nhân lực quốc tế Happy, nhưng không ghi địa chỉ công ty, không có con dấu. Do quen biết từ trước nên tôi mới tin tưởng giao tiền. Thế nhưng số tiền Phúc đòi mỗi lúc một nhiều, gia đình mới bàn nhau cắm bìa đất. Lúc này, Phúc rất nhiệt tình, còn hướng dẫn, trực tiếp chở tôi đi làm thủ tục đi cắm bìa để vay. Nhưng không ngờ...”, bà Hoa ngậm ngùi.
Sau khi nhận 381 triệu đồng từ bà Hoa, vị “giám đốc” cắt liên lạc và biến mất. Đến nhà thì cửa khóa kín, địa chỉ công ty thì bà Hoa không biết, người thân cũng không biết Phúc đi đâu. Lúc này, thấy hàng chục người cũng rơi vào cảnh tương tự, bà Hoa mới biết mình bị lừa.
Hiện nay, đã có 11 nạn nhân gửi đơn tố cáo Phúc lên cơ quan chức năng, người bị lừa nhiều nhất 430 triệu đồng (anh Võ Xuân Hoàng, SN 1984, trú phường Bến Thủy, TP.Vinh, Nghệ An). Theo đơn trình bày của anh Hoàng, qua 5 lần chồng tiền từ tháng 6 đến tháng 9/2018, gia đình đã đưa cho Phúc 18.800 USD và 12 triệu đồng (tổng hơn 430 triệu) để đi làm việc tại Hàn Quốc.
Mỗi lần gặp, Phúc đều viết giấy nhận, cho anh Hoàng ký vào một số giấy tờ như chi phí làm visa, hợp đồng với công ty và cam kết nếu không đi được sẽ hoàn trả. “Quá thời gian cam kết đã lâu nhưng tôi vẫn không xuất ngoại được nên đã liên lạc với Phúc đòi lại số tiền đã đặt cọc. Ban đầu, Phúc hứa đến ngày 23/5 sẽ trả. Nhưng đến ngày hẹn vẫn không thấy Phúc đâu, tôi gọi điện và tìm đến địa chỉ công ty thì thấy các biển hiệu đã được tháo dỡ, cửa khóa kín, còn giám đốc thì đã chạy trốn”, anh Hoàng phẫn nộ.
“Giám đốc” đã đi đâu không rõ!
Liên quan đến vụ việc, Đại úy Nguyễn Hữu Cường, Phó trưởng Công an phường Nghi Hải, TX.Cửa Lò xác nhận, đơn vị có nhận được những lá đơn tố cáo về việc Lê Như Phúc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do sự việc vượt quá thẩm quyền, nên đơn vị đã hướng dẫn các nạn nhân gửi đơn lên Công an TX.Cửa Lò, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An để điều tra.
“Lê Như Phúc là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Từ trước đến nay, Phúc chưa từng có tiền án, tiền sự. Đối tượng có lập công ty hay không thì chúng tôi không rõ, nhưng đúng là có biển tại nhà riêng, hiện nay thì đã bị tháo bỏ. Mấy tháng nay, Phúc đã rời khỏi địa phương, hiện đi đâu thì không rõ”, Đại úy Cường nói.
Từ khoảng tháng 5/2019 đến nay, do Phúc vắng mặt ở địa phương nên có một số người đến nhà bố mẹ Phúc đòi nợ. Trước việc này, cơ quan chức năng cũng đã có mặt, giải thích và vận động để mọi người không làm mất trật tự an ninh, đặc biệt là hành vi phá hoại tài sản để trừ nợ. Vị Phó trưởng Công an phường Nghi Hải cũng cho biết thêm, hiện vụ việc thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh Nghệ An, phía cơ quan CSĐT cũng đã nhiều lần về địa phương để xác minh vụ việc. Qua tìm hiểu, hầu hết những nạn nhân của Phúc đều được giới thiệu qua các mối quan hệ quen biết, trong đó có cả các mối quan hệ thông qua vợ, mẹ của Phúc. Lúc nhận tiền của các nạn nhân Phúc đều viết giấy ghi tay như Giấy cọc tiền và cam kết, Phiếu thu, Giấy cam kết trả nợ, Giấy nhận tiền...
Theo nội dung của các loại giấy tờ trên thì Phúc nhận tiền để làm các thủ tục chi phí xuất cảnh, cấp visa, thủ tục chống trốn... và cam kết sau một khoảng thời gian nhất định sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận nếu như những yêu cầu trên không được thực hiện. Tất cả đều do Phúc viết bằng tay, tự soạn thảo hoặc mua sẵn rồi điền vào...
Sau khi biết Phúc đã rời khỏi địa phương, các nạn nhân đã tìm gặp vợ, nhà bố mẹ của Phúc tại thị xã Cửa Lò để đòi trả lại tiền mà “giám đốc” này đã chiếm đoạt. Thời gian đầu, bố mẹ Phúc viết giấy cam kết sẽ thay con trai hoàn trả tiền. Tuy nhiên, càng về sau thêm nhiều người tìm đến, biết không có khả năng trả nợ thay nên bố mẹ Phúc khóa cửa im lìm. Nạn nhân đành treo biển với nội dung “Yêu cầu anh Lê Như Phúc trả lại tiền cho chúng tôi”.
Thông tin từ cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, đơn vị đã tiếp nhận, thụ lý đơn của các nạn nhân và đang tích cực điều tra, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Tuy nhiên, Lê Như Phúc không có mặt tại địa phương nên công tác điều tra đang gặp khó khăn. Trong khi đó, theo nguồn tin từ cục Quản lý xuất nhập cảnh, Lê Như Phúc đã làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài khiến nạn nhân như ngồi trên đống lửa. |
Anh Ngọc
Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật số 144