(ĐSPL) – Khi mua thịt lợn tại các chợ, siêu thị, người dân TP HCM sẽ có thể dùng phần mềm để truy xuất nguồn gốc.
Trong khuôn khổ dự án mô hình chợ thí điểm, đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 tại TP.HCM sáng 26/10, Sở Công thương TP đã công bố đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn, báo VietQ cho biết.
Mục đích của dự án này là tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trên cơ sở quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hiện đề án đã thu hút được 15 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, với khoảng 1.000 trang trại trên địa bàn, trong đó có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín.
Người tiêu dùng sẽ có thể truy xuất nguồn gốc, quản lý thịt heo mình mua bằng điện thoại. |
Ngoài ra, 11 cơ sở giết mổ trên địa bàn cũng đã đăng ký tham gia đề án này. Đặc biệt, chợ Bình Điền và Hóc Môn là nơi cung cấp đến 80% sản lượng thịt heo cho thị trường TP.HCM cũng đã đăng ký tham gia đề án này.
Đối với hệ thống phân phối hiện đại hiện đã có 5 hệ thống siêu thị với 59 siêu thị đăng ký tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, gồm: Co.opmart, Satramart, Big C, Aeon, AeonCitimart... Bên cạnh đó, có 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng tham gia đề án này là Co.opFood, SatraFood, SagriFood, Vissan..., TTXVN cho biết.
Ông Hòa cho biết, 2 tháng qua, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thú ý TP Hồ Chí Minh đã cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… phối hợp chuẩn bị.
Việc đưa dự án vào thực tiễn nhằm đảm bảo an toàn đối với thịt lợn bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thịt lợn ứng dụng công nghệ hiện đại sử dụng công nghệ QR code, vòng seal, tem điện tử…
Đề án này sử dụng ứng dụng công nghệ để người mua có thể nắm được nguồn gốc thịt từ trang trại chăn nuôi đến cơ sở giueets mộ. Trước khi mổ, lợn sẽ đeo vòng nhận diện, kiểm dịch viên sẽ đóng dấu điện tử lên vòng nhận diện để xác định nơi giết mổ, thời gian giết mổ, chứng nhận an toàn thực phẩm…
Khi phân phối ra thị trường, Ban quản lý chợ/siêu thị sẽ kiểm tra có vòng nhận diện mới được nhập vào. Khi bán ra, tiểu thương dùng tem có in mã QR code đã mua từ Ban quản lý chợ và dùng điện thoại kích hoạt tem này để dán vào túi đựng thịt lợn.
Khi dùng ứng dụng TE-APP trên điện thoại, người tiêu dùng nhập mã QR code sẽ truy xuất được trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ… của sản phẩm mình mua.
NGỌC BÉ (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]mJg4N8Ufka[/mecloud]