Thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống, Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.N (57 tuổi, Hòa Bình) trong tình trạng mệt mỏi kéo dài hơn 1 tháng, vàng da vàng mắt tăng lên kèm theo đau tức vùng thượng vị.
Khi thăm khám tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán tắc mật và chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được can thiệp đặt dẫn lưu đường mật qua da ra ngoài. Sau khi dẫn lưu, xuất hiện một số sinh vật nghi là sán lá gan.
Phòng xét nghiệm vi sinh chẩn đoán là sán lá gan nhỏ. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật do nhiễm sán lá gan nhỏ.
Sau đó được chỉ định điều trị theo phác đồ dẫn lưu đường mật qua da và kết hợp dùng thuốc tẩy sán.
Hiện tại bệnh nhân đã đỡ vàng da, hết ngứa, không sốt, không đau bụng.
Cảnh báo sán lá gan gây nhiễm trùng đường mật
Qua khai thác, bệnh nhân cho biết có thói quen thường xuyên ăn gỏi cá trong nhiều năm.
ThS.BS Nguyễn Quang Huy – Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai điều trị trực tiếp cho bệnh nhân thông tin: Bệnh sán lá gan nhỏ gây nhiễm trùng đường mật thường gây nhầm lẫn với tắc mật, viêm đường mật do triệu chứng ban đầu giống như vàng da, tắc mật. Bởi triệu chứng vàng da thường do tắc nghẽn lưu thông đường mật, có thể xuất hiện các khối u đường mật.
Sán lá gan thường xâm nhập vào cơ thể thông qua đường ăn uống. Đối với sán lá gan nhỏ, bệnh nhân bắt buộc ăn cá sống bởi vòng đời sán lá gan nhỏ sẽ ký sinh ở cơ của cá.
Nếu được chẩn đoán mắc sán lá gan nhỏ, chắc chắn xuất phát từ nguyên nhân bệnh nhân ăn cá sống.
Còn nếu mắc sán lá gan lớn, nguyên nhân thường do bệnh nhân ăn rau sống và rau thủy sinh. Bởi trong vòng đời của sán lá gan lớn có bám vào rau thủy sinh. Vật chủ chính của sán lá gan lớn là người, trâu, bò…
Trước đó, thông tin từ báo Tuổi trẻ, cô gái tên M. (26 tuổi, Quảng Bình) nhiều năm nay thường xuyên ngứa ngoài da. M. bất ngờ khi bác sĩ thông báo có 7 loại giun sán trong người.
M. cho hay ban đầu nghĩ mình mắc bệnh ngoài da nên bôi nhiều loại thuốc không đỡ. Người quen mách có thể mắc bệnh về gan nhưng uống thuốc cũng không khỏi.
Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện ở gần nhà không thấy thuyên giảm, M. đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khám.
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa nhiễm khuẩn tổng hợp bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với 7 loại giun sán phổ biến: sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo.
Mặc dù không có thói quen ăn gỏi thịt sống nhưng thường xuyên ăn rau sống trong các bữa ăn. Đây chính là nguyên nhân khiến cô gái mặc 7 loại sán trong cơ thể.
"Bệnh nhân chia sẻ không có thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi. Tuy nhiên thường ăn rau sống. Rau sống không được vệ sinh kỹ có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân này nhiễm trứng giun sán.
Do M. nhiễm nhiều loại giun sán cùng một lúc nên sẽ được điều trị bằng 3-4 loại thuốc giun sán trong thời gian 21 ngày. Sau khi khỏi một loại giun sán sẽ giãn cách 1-2 ngày rồi tiếp tục điều trị loại khác. May mắn bệnh nhân mới có tổn thương ở da, chưa phát hiện tổn thương tại cơ, não hay các bộ phận khác", bác sĩ Thiệu cho hay.
Nguyễn Linh(T/h)