+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông mất mạng vì mâu thuẫn nợ nần

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo chuyên gia tâm lý, việc giải quyết mâu thuẫn nợ nần bằng sự nóng giận sẽ không bao giờ có kết quả tốt đẹp. Vụ án mạng vừa xảy ra tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội là một điển hình.

    Mất mạng vì chửi con nợ

    Theo thông tin từ Công an quận Long Biên, TP. Hà Nội, đơn vị đang thụ lý điều tra vụ xô xát dẫn tới án mạng chết người vừa xảy ra trên địa bàn.

    Cụ thể, chiều 28/11, Công an phường Đức Giang, quận Long Biên nhận tin báo tại phố Đức Giang xảy ra vụ xô xát nghiêm trọng khiến 1 người tử vong trên đường đi cấp cứu. Nạn nhân là anh N.Q.H. (SN 1982, trú tại phố Đức Giang, phường Đức Giang). Đối tượng gây án là Trần Đức Kiên (SN 1992, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên). 

    Đối tượng gây án là Trần Đức Kiên tại bệnh viện (Ảnh do công an cung cấp).

    Tại cơ quan công an, Trần Đức Kiên đã thừa nhận hành vi dùng dao đâm gây thương tích cho anh H. Lời khai của Kiên thể hiện, chiều 28/11, do mâu thuẫn nợ nần tiền bạc, anh H. đến cửa nhà lớn tiếng chửi bới bố mẹ Kiên. Lúc này, Kiên không có ở nhà.

    Sau khi biết sự việc trên, Kiên đã gọi điện thoại cho anh H. cãi cọ và thách thức đánh nhau. Tiếp đó, Kiên mang theo 2 con dao nhọn đến trước cửa nhà anh H. Anh H. từ trong nhà đi ra, một tay cầm dao, một tay cầm gậy bóng chày. Cả hai chửi bới và lao vào hỗn chiến ngay trong con ngách nhỏ trên phố Đức Giang. Hậu quả, Kiên bị đứt ngón tay giữa, anh H. bị thương tích nặng và tử vong.

    Gây án xong, Kiên đến bệnh viện để xử lý vết thương rồi đến Công an quận Long Biên đầu thú. Sau khi tiếp nhận đối tượng, Công an quận Long Biên đã đưa Kiên đi điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đồng thời điều tra, làm rõ vụ việc.

    Ứng xử văn minh trong vấn đề vay nợ

    Chửi tên bố mẹ con nợ rồi người mất mạng, kẻ đối diện án tù, vụ việc này là hồi chuông cảnh tỉnh, cũng là bài học về ứng xử văn minh trong vấn đề vay nợ và đòi nợ.

    Nêu quan điểm cá nhân về khía cạnh này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: Chắc chắn người gây ra án mạng sẽ phải chịu hình phạt xứng đáng của pháp luật. “Tôi thấy những người này đã nhận thức về pháp luật rất kém, họ đã không lường trước đến hậu quả. Thay vì chửi bới thì có thể dùng biện pháp khác, kể cả kiện cáo, báo cơ quan chức năng về món nợ và người vay nợ khó đòi. Bản thân người bị chửi cũng là người kém hiểu biết pháp luật.

    Cần phải biết rằng, hành vi giết người có thể đối diện án rất nặng, thậm chí là chung thân hoặc ít nhất cũng 20 năm tù. Món nợ kia là bao nhiêu tiền, có đáng để đánh đổi cả mạng sống của mình như vậy hay không?”, TS. Trịnh Trung Hòa băn khoăn.

    Vị chuyên gia cho rằng, việc giải quyết mâu thuẫn nợ nần bằng sự nóng giận sẽ không bao giờ có kết quả tốt đẹp. Đặc biệt là những vụ việc vay nợ theo kiểu tín dụng đen rất dễ dẫn đến mâu thuẫn, xô xát, thậm chí án mạng chết người cũng không loại trừ. Bởi thế, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để dẹp bỏ hình thức vay nợ không hề được pháp luật cho phép này. 

    TS – Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa.

    “Tôi đã xem nhiều giấy ghi nợ tín dụng đen. Trong giấy thường ghi Nguyễn Văn A. vay của Nguyễn Văn B. số lượng X tiền nhưng lại không nói rõ thời hạn trả và lãi suất bao nhiêu. Họ cố tình dùng mánh khóe là để né tội cho vay lãi nặng khi bị tố cáo hoặc cơ quan chức năng sờ đến. Họ chỉ thỏa thuận miệng với nhau về lãi suất, thời hạn vay.

    Đối với tín dụng đen, tôi cho rằng bản thân người cho vay cũng thể hiện lòng tham, vì nếu không tham lam, họ đã gửi vào ngân hàng hoặc các đơn vị uy tín được Nhà nước cho phép, bảo hộ để hưởng những ưu đãi trọn đời. Có người tôi biết đã vay 10 triệu mà trả thành 20 triệu đồng, còn có người vay 50 triệu mà trả lãi gấp nhiều lần con số ấy, gốc vẫn nguyên”, ông Hòa kể. 

    Nhìn nhận về giải pháp cho vấn đề đặt ra là vay nợ tiêu dùng một cách văn minh và thông minh, TS. Trịnh Trung Hòa phân tích: “Vì sao không đi vay ở ngân hàng mà nhiều người cứ tìm đến các nguồn cho vay với lãi suất cao cắt cổ? Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân là vì các thủ tục cần nhiều thời gian hoàn thiện hơn là vay tín dụng đen. Khi họ cần quá gấp, tâm lý dễ sinh làm liều. Bởi vậy, các đơn vị cho vay nợ được pháp luật công nhận cũng phải tạo điều kiện cho người dân vay tiền, không nên nguyên tắc quá, khiến họ nảy sinh tâm lý vay nhanh cho tiện.

    Mặt khác, Nhà nước đã có hành lang pháp lý xử lý người cho vay nặng lãi, các cơ quan chức năng cũng đã quyết liệt triệt phá tệ nạn tín dụng đen. Thế nhưng người dân cũng phải đồng hành, tìm đến vay các tổ chức chính thống, được Nhà nước cho phép. 

    Tôi nghĩ rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng hãy nghĩ rằng tính mạng con người là quan trọng nhất, đừng vì túng quẫn mà làm liều, nhất là liều vay tín dụng đen thì hậu quả khôn lường, thậm chí là mất mạng”.

    Nhật Hạ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-mat-mang-vi-mau-thuan-no-nan-a521272.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.