Người đàn ông tên Elvis Francois (47 tuổi, mang quốc tịch Dominica) vừa được hải quân Colombia cứu sống sau 24 ngày lênh đênh trên biển một mình. CNN thông tin, Elvis được tìm thấy cách thành phố Puerto Bolívar (Colombia) hơn 200 km về phía tây bắc, sau khi một chiếc máy bay nhìn thấy từ “help” (cầu cứu) được khắc trên thân thuyền buồm của anh.
Trước đó, vào tháng 12/2022, khi Elvis đang sửa chiếc thuyền buồm gần đảo St. Maarten thuộc vùng Caribe, thời tiết xấu bất ngờ ập đến, khiến anh bị cuốn ra biển. Vì không có bất cứ kiến thức nào về hàng hải, người đàn ông mất phương hướng và bị lạc trên biển.
Mọi nỗ lực điều khiển con tàu và các thiết bị hỗ trợ đều vô ích. Anh cũng thử dùng điện thoại gọi cầu cứu nhưng di động mất sóng. Elvis đã viết từ “help” lên thân thuyền, với hy vọng có tàu nào đó xung quanh nhìn thấy và hỗ trợ.
Lúc chiếc thuyền trôi dạt đến vùng biển thuộc La Guajira, anh cố vẫy tay khi thấy những chiếc thuyền khác đi ngang qua, thậm chí còn đốt lửa trên thuyền nhưng không ai phát hiện ra. Trong nhiều ngày lênh đênh trên biển, Elvis thường xuyên phải tát nước khỏi thuyền để không bị chìm.
“Tôi không có thức ăn. Chỉ có một chai sốt cà chua trên thuyền, bột tỏi và những viên nước dùng. Vì vậy, tôi đã trộn chúng với chút nước làm đồ ăn để cầm cự”, Elvis nói trong một video do hải quân Colombia công bố ngày 19/1.
Người đàn ông chia sẻ thêm: “24 ngày, tôi không nhìn thấy đất liền, không có ai để nói chuyện. Tôi không biết phải làm gì, không biết mình đang ở đâu. Thật khó khăn. Có lúc tôi đã mất hy vọng. Khi ấy tôi nghĩ về gia đình mình”.
Ngày 15/1, khi tưởng không còn hy vọng, người đàn ông đột nhiên thấy một chiếc máy bay đi qua và anh đã phát tín hiệu bằng cách xoay gương phản chiếu ánh mặt trời. Phát hiện ra Elvis, đội phi công trên máy bay đã gọi điện cấp cứu báo lại tình hình với hải quân Colombia. Họ giải cứu người đàn ông với sự hỗ trợ của một chiếc tàu buôn.
Theo các quan chức Colombia, sau khi được giải cứu, Elvis được đưa đến thành phố cảng Cartagena, nơi anh được chăm sóc y tế, sau đó được bàn giao cho cơ quan di trú để trở về nhà.
Đinh Kim (T/h)