Với đôi bàn tay không biết mệt mỏi, thương binh 4/4 Quách Thanh Sử, SN 1951, ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã bỏ ra nhiều công sức đào mương giữ ngọt trên chính mảnh đất quê hương "nước mặn, đồng chua". Nhờ vậy, ông Sử đã được bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Đất không phụ lòng người
Nhắc đến vùng đất U Minh Hạ, là nói đến vùng trũng nghèo. Ấy vậy mà, lão nông dân Quách Thanh Sử (Mười Sử) đã có thu nhập gần 700 triệu đồng/năm từ mảnh đất vốn nhiều khó khăn này.
Được "mục sở thị" vườn cây ăn trái rộng 2,4 héc ta nằm cạnh căn nhà khang trang được xây dựng nhờ tiền bán "quả ngọt" của ông Mười Sử, ít ai nghĩ rằng, vườn cây ăn trái sum suê, xanh tốt ấy lại được trồng trên đất nhiễm mặn, phèn chua...
Vườn nhãn trăm gốc cho hiệu quả cao của lão nông Mười Sử. |
PV báo Người Đưa Tin có dịp quay trở lại thăm khu vườn cây ăn trái của lão nông dân đậm chất miền Tây – Quách Thanh Sử và thật sự ngỡ ngàng, bởi ông không để trống một mảnh đất nào.
Thế nhưng, điều khiến PV bất ngờ là ở hiện tại, ông lại đốn bỏ hàng trăm gốc nhãn, hàng chục gốc vú sữa và những dây thiên lý của mình.
Lý giải vấn đề này, ông Sử nói với giọng điệu của người "sành nghề" rằng: "Không phải tôi thấy giá cả trái cây bấp bênh rồi đi theo quy luật trồng - chặt của nhiều người.
Tôi nhìn ra được khả năng tiêu thụ của các loại trái cây của mình đang có. Tôi quyết định chặt bớt, chỉ để lượng sản phẩm đủ tiêu thụ trong địa phương, do khu vực này rất khó chở đi bán xa, chi phí vận chuyển lại cao, không sinh lời".
Minh chứng cho lý giải của ông Sử, hiện ông có tổng thu nhập ổn định mỗi năm gần 700 triệu đồng từ việc đa cây, đa con trên cùng diện tích.
Hiện với tổng diện tích đất của gia đình, ông chia thành 2 khu mặn - ngọt. Ở khu mặn ông Sử nuôi tôm, cua quảng canh. Ở khu ngọt, trên vườn ông trồng nhãn, vú sữa, dây thiên lý; dưới ao trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng.
Chỉ tay về phía gần 400 gốc mai vàng, ông Sử nói vui: "Nó là cuốn sổ tiết kiệm của gia đình đó.
Hiện, đã có một số cây lớn được người ta đến hỏi mua nhưng tôi chưa bán. Loại cây này cần có thời gianđầu tưlâu dài, nếu kiên trì thì thu nhập mang lại phải tính bằng tiền tỷ", ông Sử ấp ủ.
Chiến tích chống "giặc mặn"
Khi PV có ý hiếu kỳ về thành tích giữ ngọt của ông, ông Sử phấn khởi kể lại: "Sau khi rời quân ngũ, tôi trở về quê lập nghiệp.
Trước đây, vùng đất này nhiều phèn, ít phù sa, bà con quanh năm chỉ trồng tràm, sau đó phát triển làm lúa, nhưng mỗi năm cũng chỉ được một vụ. Nhìn cảnh ngày đó, tôi không khỏi băn khoăn trong việc tìm cách tồn tại và nuôi con cái ăn học".
Từ đó, ông Sử thao thức, quyết tâm tìm ra giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi với vùng đất phèn mặn để làm giàu cho gia đình.
Có lần, lão nông Mười Sử thổ lộ suy nghĩ của mình với những bạn trà chí cốt rằng: "Muốn chuyển đổi qua làm vườn, trồng cây ăn trái". Sau khi nghe ông thổ lộ, nhiều bạn bè đã can ngăn, bởi thời đó, ở xứ rừng U Minh chưa ai dám bỏ ruộng chuyển lên vườn.
Với bản tính kiên định, không ngại khó khăn, ông Sử như con thiêu thân lao vào khổ cực, bắt tay thực hiện chuyển đổi trên diện tích đất hơn 2 ha của gia đình.
"Hồi đó máy móc không có, muốn lên liếp trồng cây ăn trái thì chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ra sức làm thủ công.
Vùng đất này lại trũng nên phèn mặn dữ lắm. Do vậy, muốn đào kênh mương phải xuống 4 – 5 lớp đất mới có bờ liếp. Cứ thế tháng tháng, ngày ngày rồi cũng đến lúc các kênh mương, ao đìa thành hình", ông Sử nhớ lại.
Sau đó, ông bắt tay vào đầu tư trồng 600 gốc nhãn, dưới ao nuôi cá bóng tượng, cá chình, trên bờ thì trồng thêm bồ ngót, rau má,... lấy ngắn nuôi dài.
Những giọt mồ hôi đổ xuống ao đìa, thấm vào đất, như hiểu được cái khổ, cái quyết tâm của người nông dân giàu nghị lực. Hết bờ nọ cây xanh lá, đến liếp kia cho hoa lợi.
Tới khoảng năm 2003, vườn cây được thu hoạch rộ, sức cây nhãn tơ cho trái, ngoài cả sức tưởng tượng của ông Sử. Nhãn trồng vùng đất phèn U Minh không to, bóng, đẹp mã như vùng khác.
Nhưng được cái chất lượng tuyệt hảo, quả nhỏ hơn, nhưng cùi dầy hơn, trái ngọt hơn. Thương lái mê như điếu đổ. Kinh tế gia đình ông Sử phất lên cũng nhờ đó. Bà con trong vùng cũng thi nhau học hỏi làm theo.
Trong khi vườn cây ăn trái của gia đình ông Sử đang thời thịnh, đến năm 2006, bà con trong vùng tự phát dẫn nước mặn vào để chuyển sang mô hình tôm – lúa, dẫn đến vườn cây ăn trái của gia đình ông Sử bị ảnh hưởng.
Những người bạn làm vườn với ông cũng đành ngậm ngùi chuyển đổi, do vùng nước ngọt bị mặn xâm nhập, cây ăn trái không thể phát triển, sinh lợi như xưa. Thành quả khổ cực ngày nào đang thu lợi của ông Sử, bỗng chốc đứng trước nguy cơ tan biến.
Ông Sử có tổng thu nhập ổn định mỗi năm gần 700 triệu đồng/năm từ việc đa cây, đa con. |
Không đi theo số đông, "người lính chiến" trên mặt trận sản xuất không chịu thua, nhất quyết tìm cách giữ vườn cây ngọt.
Ông Sử dồn tâm sức tìm cách chống "giặc mặn" đang tấn công vườn cây ăn trái của mình. Cuối cùng, ông đã nghĩ ra cách xây dựng hệ thống mương ngăn mặn bao quanh khu vườn.
Theo ông Sử, điểm bất lợi chính là khu vườn của gia đình ông nằm trọn trong khu vực nuôi tôm của hàng chục hộ dân xung quanh.
Do đó, ông Sử thuê người đào hệ thống kênh mương xung quanh vườn nhà mình, kê liếp lớn. Hệ thống ao đó được ông gọi là "ao cách mặn". K
hi hệ thống mương này được xây dựng, nó có tác dụng ngăn nước mặn bên ngoài ngấm vào khu vực vườn bên trong, nếu nước mặn có thấm qua mương thì cũng có đường thoát ra ngoài nên không phải lo lắng hay bị động.
"Phương pháp của tôi có thể gọi nôm na là giữ ngọt cục bộ. Ở mùa hạn tôi bơm nước vào các ao trong vườn cao cho hơn mực nước bên ngoài, nhằm không để nước ngọt thoát ra. Nhờ đó, vườn cây ăn trái mới phạt triển tốt quanh năm", ông Sử chia sẻ.
Bí quyết kiếm gần 700 triệu/năm
Đến năm 2010, từ lợi thế giữ được ngọt, ông Sử trồng thêm vú sữa, bồn bồn và dây thiên lý. Dưới các giàn thiên lý, ông tận dụng luôn để trồng rau má mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình trong nhiều năm liền.
Ở đất vườn tạp, ông Sử trồng nhiều loại rau màu và đu đủ theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thuốc hóa học. Số sản phẩm này được con gái ông rao bán trên mạng.
"Nhìn các loại rau như vậy chứ cho thu nhập rất khá. Chi phí sinh hoạt trong nhà không phải lo nhờ các loại cây ngắn ngày đó. Chỉ tính riêng hơn 200 dây thiên lý trong vườn thì mỗi năm tôi thu về ít nhất cũng 100 triệu đồng.
Giá hoa thiên lý bán ra thị trường dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg ở mùa thuận, từ 50.000-120.000 đồng/kg, tùy thời điểm ở mùa nghịch.
Đặc biệt, khoảng tháng Chín hàng năm, tôi có mở thêm du lịch sinh thái để du khách có thể tham quan vườn nhãn, tận hưởng không gian vườn cây ao cá...", ông Sử chia sẻ.
Nói về bí quyết của mình, ông Sử cho biết: "Nhiều người cho rằng làm vườn thu nhập thấp, nhưng theo tôi cái chính là mình làm vườn như thế nào.
Làm nông rất vất vả, nếu muốn làm giàu bằng nghề nông thì bắt buộc phải cần cù, chịu khó. Ngày nay, muốn làm giàu bền vững thì còn cần năng động, phải biết đâu là thế mạnh của mình và đâu là điều thị trường mong muốn".
Việt Tâm
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 30