Du khách người Canada đi bộ qua 64 nước, thay 54 đôi giày và đi tổng cộng hơn 75.500 km.
Người đàn ông có tên Jean Béliveau rời Montreal, Canada để chu du 64 nước trên đôi chân của chính mình với mục đích tôn vinh hòa bình và không bạo lực đối với trẻ em. Đây được coi là hành trình đi bộ dài nhất thế giới, Daily Mail đưa tin.
Trên chuyến đi, Jean từng ở trong các đền thờ, công viên, thậm chí cả nhà tù. Ông đã trải qua sự cô đơn cùng cực và cái nóng như thiêu ở vùng hẻo lánh Australia.
. |
“Tôi bị khủng khoảng tuổi trung niên nên đã từ bỏ cuộc sống quen thuộc để tìm điều gì đó khác biệt. Tôi thà bị sư tử ăn thịt còn hơn bị xã hội ăn thịt”, Jean chia sẻ về nguyên nhân của chuyến đi. Khi đó, ở tuổi 45, Jean đang sở hữu một nhà máy sản xuất biển hiệu đèn neon.
Sau 9 tháng chuẩn bị, Jean lên đường với chỉ một chiếc xe đẩy chứa các đồ cắm trại cần thiết, và số tiền 3.000 USD vợ đưa. Jean khởi hành từ Montreal đến Brazil, Nam Phi, Ai Cập, Morocco, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Borneo, Indonesia, Australia và vượt qua 6 sa mạc.
“Vùng cực bắc của Australia là thách thức nhất với nhiệt đôi 45 độ C vào tháng 10, 11 và 12. Trời rất nóng và đi trên đường cô đơn kinh khủng. Nhưng đó là một trải nghiệm đẹp, người ta cho tôi nước uống”, Jean tâm sự.
Hành trình của Jean thực hiện được nhờ vào lòng tốt của những người lạ ông gặp trên đường. Ông ở với 1.600 gia đình, ngủ trong nhà thờ, đền thờ, trường học, công viên, rừng rú, thậm chí cả nhà tù. “Ở Mỹ, tôi ở trong một phòng giam như tù nhân. Ở nhà tù Nam Phi, có lần họ quên mất tôi. Họ thay ca và tiến đến chỗ tôi, tôi nói ‘Tôi chỉ là khách ở đây thôi’, nhưng họ không thể tìm thấy gì trong hồ sơ”.
Jean dùng tổng cộng 54 đôi giày trong chuyến đi, hầu hết được những người ông gặp dọc đường cho. Tuy nhiên, từ Trung Quốc đi Iran rồi đến Ấn Độ, ông không thể tìm được giày vừa cỡ mình và rất đau chân.
Một trong những trải nghiệm không dễ chịu của Jean là phải chứng kiến nạn nghèo đói ở Ấn Độ và châu Phi, nơi phải may lắm mới có một mái nhà. Còn ở Ethiopia, ông gặp sự cố với một nhóm trẻ: “Lũ trẻ đi lòng vòng quanh tôi, nhảy nhót và cố nói chuyện với tôi. Chúng không nói tiếng Anh, chỉ bắt chước và nhại lại mọi thứ tôi nói. Sau vài ngày như thế, tôi thấy mệt lử và không thể giao tiếp nổi nữa”.
Một điều Jean học được là không nên nháy mắt với người khác, vì hành động này có thể bị coi là gợi ý để lên giường.
Jean nói rằng, chuyến đi của ông là một đặc ân. Làm sứ giả hòa bình giúp ông có thể đến mọi ngóc ngách và gặp mọi công dân trên thế giới. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là ông được gặp cựu tổng thống Nelson Mandela ở Durban, Nam Phi.
Tuy nhiên, đổi lại, Jean phải xa con gái Elisa Jane 18 tuổi và con trai Thomas-Eric 20 tuổi từ cuộc hôn nhân trước, và ông chuẩn bị lên chức ông. Vợ đến thăm 11 lần trong hành trình. Bà hỗ trợ ông duy trì website và động viên ông rất nhiều, nhưng khi ông trở lại, cuộc hôn nhân tan vỡ.
“Khi ở Australia, tôi ở cùng một số bác sĩ. Họ nói rằng, khi tôi về nhà, vợ sẽ không còn như trước nữa. Ngày tôi trở về, chúng tôi đã rất khác. Chúng tôi cũng đã cố gắng, bà ấy là một người phụ nữ dũng cảm và đáng yêu. Chúng tôi chia tay và giờ là bạn bè. Bà ấy không hối tiếc điều gì”, Jean tâm sự.
Jean xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Pháp về hành trình của mình. Mặc dù đã trở về nhà và xây được một “ngôi nhà mơ ước”, ông nói rằng chuyến đi của ông vẫn chưa kết thúc.
Theo Tri thức trực tuyến
Xem thêm video:
[mecloud]gw2PdPtVyw[/mecloud]