Vừa qua, Bệnh viện E (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng chảy máu mũi ồ ạt sau 3 ngày mắc sốt xuất huyết, theo Sức khỏe & Đời sống.
Bệnh nhân H.A.L (40 tuổi, quê Hà Giang) hiên đang sống tại Hà Nội. Trước khi nhập viện, người đàn ông sốt cao 3 ngày, đã uống thuốc và đỡ sốt. Tuy nhiên khi cắt được sốt, đầu đau dữ dội không thể nào chịu được nên bệnh nhân phải vào viện thăm khám.
Tại bệnh viện, anh L. nhận kết quả dương tính với sốt xuất huyết. Người bệnh khá bất ngờ bởi 3 người bạn cùng phòng không ai mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân không rõ nguồn lây từ đâu.
BS Nguyễn Thị Thanh - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết khi vào viện dù bệnh nhân đã cắt cơn sốt nhưng lại bất ngờ chảy máu ồ ạt ở mũi và không thể cầm máu bằng phương pháp thông thường. Bệnh nhân phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ khoa Tai Mũi Họng để tiến hành nhét meche mũi (giống như miếng gạc nhét mũi) thì mới thoát khỏi cửa tử.
Bên cạnh đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tụt tiểu cầu, tiểu cầu tụt nhanh chóng chỉ còn 13. Dù đã được truyền 01 đơn vị tiểu cầu nhưng số tiểu cầu trong máu không tăng lên mà tiếp tục giảm, bệnh nhân phải truyền thêm 6 đơn vị tiểu cầu thì chỉ số máu mới ổn định.
Hiện, bệnh nhân vẫn chảy máu nhưng lượng máu giảm hơn, có thể rút meche trong một hai ngày nữa. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, có thể xuất viện trong ít ngày tới.
Trao đổi với Vietnamnet, Th.BS Vũ Mạnh Cường - Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết đây là trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch (năm 2022) đến nay. Rất may khi chảy máu ồ ạt, bệnh nhân đã có mặt ở viện nên việc xử lý được đảm bảo, nếu không nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tính mạng hoàn toàn có thể xảy ra.
Các bác sĩ thông tin thêm, nhiều người dân quan niệm hết sốt là khỏi bệnh. Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam…
Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.
Khi thấy cơ thể mệt mỏi, đau đầu, sốt thì người bệnh cần đến viện kiểm tra để loại trừ sốt xuất huyết và không nên tự ý sử dụng thuốc.
Linh Chi(T/h)