Ngủ trưa ngay sau khi ăn no
Ngủ ngay sau khi vừa ăn trưa có thể gây khó tiêu, trào ngược dạ dày cũng như các bệnh khác về đường tiêu hóa. Đặc biệt, việc này có thể dẫn đến thiếu máu não và các bệnh huyết khối khác do lúc này dạ dày và ruột cần nhiều máu để thực hiện việc tiêu hóa thức ăn, gây chóng mặt và suy nhược sau khi thức dậy. Tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi khoảng 15-30 phút sau khi ăn trưa rồi mới đi ngủ.
Ngủ gục trên bàn
Đây là thói quen phổ biến của dân văn phòng, dù rất tiện lợi nhưng nếu xét về góc độ sức khỏe thì rất nguy hiểm. Ngủ trong tư thế úp mặt xuống bàn khiến lượng máu cung cấp lên đầu không đủ, sau khi ngủ dậy dễ gây chóng mặt, mệt mỏi.
Kiểu ngủ này tác động xấu đến xương, làm cong vẹo cột sống, gây khó khăn cho hô hấp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu não và các bệnh về huyết khối, tim mạch. Ngoài ra, nó cũng có thể gây áp lực lên nhãn cầu, làm tổn thương thị lực, dẫn đến cận thị cao, thậm chí tăng tỷ lệ mắc bệnh tăng nhãn áp.
Tư thế ngủ nói trên còn khiến dạ dày và hệ tiêu hóa bị nhiều áp lực, lâu ngày gây ra viêm dạ dày mãn tính. Đặc biệt, với nữ giới, ngủ gục trên bàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần tử cung, về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Ngủ trưa quá lâu
Tiến sĩ W. Chris Winter – một trong những chuyên gia về giấc ngủ hàng đầu thế giới – cho biết thời gian ngủ trưa tốt nhất là 30 phút hoặc ít hơn. Với thời gian ngủ như vậy, bạn sẽ không ngủ quá sâu, sau khi thức dậy không cảm thấy choáng váng, uể oải.
Ngủ trưa quá lâu sẽ làm giảm hiệu quả công việc và ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm. Năm 2020, Hiệp hội Tim mạch Châu Âu cho hay, ngủ trưa quá lâu làm tăng 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và tăng 34% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Hiệp hội Tăng huyết áp Hoa Kỳ cũng từng cảnh báo, ngủ trưa trên 40 phút mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp khoảng từ 13 - 19%. Chỉ những người không ngủ đủ 6 tiếng vào ban đêm, người cao tuổi, người đang điều trị bệnh, có hướng dẫn của bác sĩ mới cần ngủ lâu hơn. Dù vậy, thời gian ngủ vẫn dao động trong khoảng 30 – 60 phút.
Ngủ trưa quá muộn
Do tính chất công việc, nhiều người không thể ngủ trưa sớm nên đành chọn khoảng thời gian 15h – 16h để chợp mắt. Trên thực tế, việc này dễ làm rối loạn đồng hồ sinh học, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn vào ban đêm và dẫn đến tình trạng lười vận động.
Thời gian ngủ trưa tốt nhất để ngủ trưa là vào khoảng 12h - 13h. Những người đã ngủ hơn 6 tiếng và thức dậy muộn vào buổi sáng không nhất thiết phải ngủ trưa.
Nằm ngủ đối mặt với điều hòa, quạt, cửa sổ
Bạn không nên để mặt tiếp xúc trực tiếp với hành lang thông gió, cửa gió điều hòa, quạt khi ngủ trưa vì dễ bị cảm lạnh, nhức đầu, đau nhức xương khớp, trường hợp nặng còn có thể gây liệt mặt. Lý do là vì khi ngủ, các lỗ chân lông trên cơ thể con người sẽ ở trạng thái mở, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
Bên cạnh đó, bạn chú ý đến không gian ngủ vì nếu ngủ trong những không gian chật hẹp, quá sáng, hay quá nóng hoặc quá lạnh, thiếu oxy... thì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Cơ thể lúc này mất thân nhiệt rất nhanh, gây thiếu dưỡng khí, dễ bị cảm lạnh, khó chịu và dẫn đến tình trạng đau đầu sau khi thức dậy.
Lưu ý, người có sức khỏe kém, dễ mắc bệnh vặt nên đắp một chiếc chăn mỏng lên bụng khi ngủ trưa để chống cảm lạnh.
Đinh Kim(T/h)