+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông bán thịt ở Hà Nội nhiễm liên cầu khuẩn lợn: Phòng ngừa bệnh thế nào?

    (ĐS&PL) - Người đàn ông đến Bệnh viện Quân y 103 thăm khám sau 1 ngày bị sốt cao, mệt mỏi và yếu nửa người phải.

    Ngày 27/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết TP vừa ghi nhận một nam bệnh nhân 59 tuổi làm nghề bán thịt lợn ở phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, theo báo Kinh Tế Đô Thị.

    Một ngày sau khi sốt cao (39 – 40 độ C), mệt mỏi, yếu nửa người phải, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Quân y 103 thăm khám. Tại đây, người bệnh tỉnh táo nhưng tiếp xúc chậm, cứng gáy, yếu nửa người phải.

    Kết quả chụp cắt lớp vi tính não của bệnh nhân phát hiện có hình ảnh nhồi máu não vùng nhân bèo phải. Kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).

    Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2021.

    Liên quan đến vấn đề nói trên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, năm nay, bệnh viện ghi nhận rải rác các ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn, chủ yếu là thể viêm màng não. Bệnh nhân ở các lứa tuổi khác nhau, đến từ các tỉnh miền Bắc. Người bệnh đến viện với biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, buồn nôn, nặng hơn nữa thì lơ mơ, hôn mê.

    nguoi dan ong ban thit o ha noi nhiem lien cau khuan lon
    Một trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: Kinh Tế Đô Thị

    Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch. Trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan tổng kết cuối năm, ăn Tết, có nơi còn có tập tục ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái, sống để gặp may mắn.

    Mọi người vẫn nghĩ lợn do gia đình tự nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch, an toàn và có thể ăn tiết canh. Trên thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh. Vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, ít gây bệnh cho con vật. Bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu.

    Bệnh liên cầu khuẩn lợn diễn biến rất nhanh, có thể gây 2 thể gồm thể viêm màng não mủ và thể nhiễm khuẩn huyết, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, nuôi hay tham gia giết mổ, việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết mà không có phương tiện phòng hộ phù hợp cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da.

    VietNamNet thông tin, để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín…, không sử sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

    Bên cạnh đó, không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết. Cần tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định. Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn như: sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-ban-thit-o-ha-noi-nhiem-lien-cau-khuan-lon-phong-ngua-benh-the-nao-a561768.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan