(ĐSPL) - Mùa mưa lũ gần đến, người dân xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) lại chuẩn bị đối diện với những nguy hiểm rình rập khi phải đu dây qua miệng "hà bá" để lên nương.
Lòng sông Krông Na chảy qua xã Hòa Lễ rộng, vào mùa mưa nước chảy xiết khiến cho ghe, thuyền đi qua thường xuyên bị lật. Để sang bên kia sông làm việc hoặc vận chuyển hàng hóa, người dân xã Hòa Lễ phải đu trên đoạn dây cáp bắc ngang sông như phim, bất chấp những nguy hiểm có thể dẫn đến chết người.
Người dân đu dây qua sông, bất chấp những nguy hiểm có thể dẫn đến chết người. Ảnh: K.H |
Để có thể vận chuyển thêm hàng hóa, người dân còn thiết kế thêm chiếc lồng sắt khá rộng, phía trên có 2 bánh để dễ dàng di chuyển trên dây cáp.
Ông Mai Văn Năm, một người dân trú thôn 3, xã Hòa Lễ cho biết, vào thời kỳ người dân thu hoạch nông sản, mỗi ngày phải có đến hàng trăm người, vài chục tấn hàng hóa qua lại. Trong khi đó hệ thống cọc gỗ bị mục, dây cáp gỉ sét nên rất dễ bị đứt. Những mối hàn ở phần tiếp giáp giữa bánh xe và dây cáp không được chắc chắn, rất dễ bị kẹp tay vào bánh xe khi di chuyển. Dù biết, việc đu dây qua sông luôn tiềm ẩn nguy hiểm, có thể gây tai nạn chết người, nhưng đây là con đường duy nhất của người dân mỗi khi lũ về.
Chiếc lồng sắt được thiết kế để vận chuyển hàng hóa cùng hệ thống cọc gỗ đã bị mục và dây cáp gỉ sét. Ảnh: K.H |
Cũng theo ông Năm, cách đây khoảng 2 năm, tại đây xảy ra vụ đứt cáp khiến ông Nguyễn Ngọc Phương (47 tuổi, trú thôn 2) bị thương ở lưng, phải đi cấp cứu và điều trị hơn 1 năm mới đi lại, làm việc được.
Tại thôn 6, việc qua sông cũng diễn ra tương tự như thôn 3. Tuy nhiên, tại đây người dân không có lồng sắt mà dùng bánh xe kết hợp với dây cu-roa rồi đu qua sông rất nguy hiểm.
Người dân thôn 6 cũng đu dây qua sông. Ảnh: K.H |
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch xã Hòa Lễ cho biết, trước đây người dân thường đi lại, vận chuyển hàng hóa qua sông bằng ghe, nhưng mùa nước lũ rất nguy hiểm, xảy ra nhiều vụ lật ghe gây chết người nên người dân nghĩ ra cách đu dây cáp qua sông. "Tuy nhiên, việc làm này chỉ có tính tạm thời và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị cấp trên để có hướng giải quyết nhưng vì kinh phí làm cầu quá lớn, đến nay người dân vẫn phải di chuyển qua sông bằng việc đu cáp", ông Sơn cho biết thêm.