+Aa-
    Zalo

    Người dẫn đường cho đoàn quân Tây Tiến kể về hai lần được gặp Bác Hồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe cũng đã yếu nhiều nhưng mỗi lần nhắc lại kỷ niệm về đoàn quân Tây Tiến, ông Lương Văn Pém như sống lại một thời hào hùng. Tây Tiến

    (ĐSPL) - Ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe cũng đã yếu nhiều nhưng mỗi lần nhắc lại kỷ niệm về đoàn quân Tây Tiến, ông Lương Văn Pém như sống lại một thời hào hùng. Tây Tiến với ông là những cuộc hành quân nối nhau, những lần thoát ổ phục kích, sự sống và cái chết đan xen lẫn tiếng cười, niềm vui cách mạng...

    Cái duyên tình cờ đến với cách mạng

    Khi chúng tôi đến bản Sim, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, Thanh Hoá cũng đã xế chiều. Vượt qua chặng đường gần 300km từ thành phố Thanh Hóa ngược lên vùng biên giới phía Tây này, mới qua cơn mưa rừng, đường sá trở nên lầy lội, đi từ sáng sớm mới lên tới nơi, đoàn chúng tôi cũng đã thấm mệt.

    Cái lạnh như thốc vào mặt, buổi chiều Quang Chiểu gợi cho chúng tôi chút dư âm còn lại của một Tây Tiến xưa, cách đây gần 70 năm. "Nhớ ôi Tây Tiến, cơm lên khói, Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".

    Tiếp chúng tôi bên bếp lửa dưới chân căn nhà sàn người Thái, bên dòng suối Sim đang cuộn nước về xuôi, ông Lương Văn Pém, 84 tuổi, người du kích dẫn đoàn quân Tây Tiến năm xưa không khỏi bùi ngùi. ở Mường Lát, ông Pém là một trong những lão thành cách mạng uy tín nhất.

    PV báo Đời sống và Pháp luật cùng vợ chồng ông Lương Văn Pém bên căn nhà sàn đơn sơ của dân tộc Thái.

    Ông Pém kể, ở Mường Lát dưới thời Pháp thuộc, người Thái, người Dao, người Mông, người Mường vẫn còn chịu sự áp chế của thổ ti, quan làng.

    Khi Pháp kéo về, đám quan làng lại cấu kết với chúng. Đi đến đâu, chúng cướp bóc trâu bò, giết người, hãm hiếp phụ nữ,... khiến người dân vô cùng khốn khổ. Rồi những người lính cách mạng đầu tiên tìm về bí mật xây dựng lực lượng trong quần chúng...

    Ông Pém lúc ấy mới mười lăm, mười sáu tuổi đã tham gia du kích xã. Gia đình làm nông, nghèo, mùa nào được thì đủ ăn, mùa nào khó thì thiếu đói nên thường phải đi rừng kiếm cái ăn.

    Địa bàn Mường Lát từ xã Tam Trung lên Pù Nhi, Tén Tằn, Quang Chiểu sang tới Lào, chỗ nào ông cũng thạo. "Thanh niên người Thái lúc ấy cứ băng rừng mà đi, ven theo sông Mã sang tới đất Lào rồi lại ngược về, đôi chân thì chắc lắm", ông Pém cười.

    Được gặp gỡ cách mạng cũng giống như cái duyên với ông. Ngày ấy, nhà ông ở bản Chỏm Sáng, có một số cán bộ nằm vùng từ Thái Bình, Hải Dương lên.

    Một hôm, đồng chí Đào, người Thái Bình mới gọi Pém lên hỏi thăm sức khỏe, gia đình rồi giao trọng trách: "Cháu có biết đường sang Lào không? Có dám dẫn đường cho bộ đội không?". Pém không ngần ngại nhận lời: "Sợ thì có sợ đấy, nhưng mà cách mạng bảo đi thì cứ đi thôi".

    Kể từ thời điểm đó, những đoàn quân Tây Tiến lên đến Mường Lát đều được ông Pém đón từ Tam Trung, theo suối Sim lên Pù Nhi, Pù Mùa, lên đến Mường Chanh rồi từ trạm Cang sang đến đất Lào. Từ Lào, ông Pém lại tiếp tục dẫn đoàn sang Nà Lứa, Chiềng Ken, Sục Toong rồi mới bàn giao nhiệm vụ dẫn đường cho người khác.

    Mỗi chuyến đi không có chuyến nào giống nhau, có chuyến kéo dài tới nửa tháng trời. Không có đường cố định, ông Pém cứ dẫn bộ đội men theo suối, theo sông Mã, băng rừng mà đi, lần lượt vượt qua các trạm kiểm soát của địch. Chuyến này một đường, chuyến sau đã theo lộ trình khác, vừa đi vừa xóa dấu vết. Thế nhưng, cũng có những lần dính phải ổ phục kích mà đến giờ ông vẫn không thể quên.

    Một lần, ông Pém cùng đồng chí Vượng, y tá kiêm đại đội phó dẫn đoàn từ Lào về đến Nà Lứa, Chiềng Ken thì bị đánh úp. Đồng chí Vượng không may trúng đạn hy sinh còn những người khác may mắn chạy thoát. Cách đây mấy năm, khi trung đoàn Tây Tiến tổ chức gặp mặt, về lại Mường Lát, những anh em xưa vẫn còn nhắc đến chuyến đi này trong sự nuối tiếc. Lễ truy điệu cho đồng chí Vượng cũng được tổ chức rất nghiêm cẩn.

    Lần khác, sau một thời gian dài theo dõi, Pháp biết được ở Quang Chiểu có tổ chức du kích nên tiến hành khủng bố, vây bắt. Lần ấy, ông Pém cùng anh em đi vào Kéo Hào thì bất ngờ gặp ổ phục kích của toán lính Pháp, lính Lào cùng lính Thái. Mìn nổ, súng bắn ran trên đầu, quân ta chạy tản mát khắp nơi.

    Ông Pém vấp ngã, lấy súng bắn trả, vừa bắn vừa định chạy ngược lên phía rẫy thì bị đồng đội cản. Đang tháng phát rẫy, người dân đi làm nương nhiều, cần tránh nguy hiểm cho người dân nên anh em cứ chạy mải miết cho tới khi về tới Pù Mùa. May trận đó không đồng chí nào hy sinh. Sau đó, Pháp tăng cường đi càn trong nhiều tháng trời. Khi Pháp rút, ông Pém mới dám trở về làng.

    Cuộc chiến không mệt mỏi với phỉ và phản động

    Suốt từ năm 1947 đến năm 1950, ngoài nhiệm vụ dẫn quân sang Lào, ông Pém và các đồng chí trong đội du kích xã thường xuyên nhận việc đi chở gạo, muối, lương thực, vũ khí cho bộ đội.

    Có lần, đồng chí Thông người Hải Dương về nằm vùng ở bản Poọng thông báo có muối ở dưới xuôi chuyển lên cho bộ đội và đồng bào, yêu cầu xã Quang Chiểu cử 10 thanh niên xuống làng Cân, xã Tam Trung để tải về. ông Pém dẫn anh em xuống đến nơi, hỏi người dân thì nhận được câu trả lời: "Không biết". Mãi tới khi lên rẫy, gặp cán bộ của ta, trình giấy tờ mới được người dẫn vào lán nhận muối. Muối được đổ vào các ống bương cao quá đầu người.

    Sức thanh niên mỗi người chỉ vác được ba ống đã thấy nặng. Đoàn người gùi muối đi trạm Pong theo đường suối trở về, qua cả Pù Mùa, đi tắt qua bản ún rồi bàn giao lại cho cán bộ tiếp nhận. Suốt mấy tháng trời thiếu thốn, thấy muối về, người dân mừng như có hội, đó cũng là một kỷ niệm giản dị nhưng ý nghĩa với ông Pém.

    Từ năm 1952, ông Pém chuyển sang làm Phó Công an xã Quang Chiểu, phụ trách tình hình an ninh địa phương, chống phỉ, chống phản động. Phỉ ở Mường Lát lúc ấy thực chất cũng chỉ là dân thường. Ban ngày, họ đi làm nương, làm rẫy, tối đến mới theo bọn phản động đi gây tội ác ở những nơi khác.

    Tình hình lúc bấy giờ rất phức tạp và nguy hiểm, có khi trong một nhà đã có người theo cách mạng, người theo phỉ. ông Pém nhớ, có một lần vào khoảng năm 1954, huyện đánh công văn về xã Quang Chiểu, yêu cầu cử 100 dân công đi vận chuyển gạo cho bộ đội.

    Khi cán bộ xã dẫn người đến bản thì ở các bản đều báo cáo: "Không có người đâu, họ đi theo phỉ hết rồi". Đích thân ông Pém lại phải đến từng nhà vận động bà con đi. Mãi về sau, khi bộ đội tổ chức các đợt tấn công vào bọn phản động bên Lào, người dân theo phỉ mới lần lượt trở về bản.

    Khi liên bang Thái được thành lập, tình hình phỉ nhức nhối suốt một thời gian dài, thậm chí có những lần phỉ còn tổ chức đánh úp vào cả đồn công an.

    Lực lượng công an xã thì mỏng, khi ấy chỉ có 3 người, lại phụ trách một vùng rộng lớn. Nghĩ đến những ngày tháng làm công an xã, ông không giấu nổi niềm vui: "Công an xã thời đó rất vất vả, lương không có nhưng bù lại được tình cảm của bà con dành cho. Đi đến đâu, bà con thương, bộ đội thương lại nuôi ăn, tặng cho cái này cái kia đi đường. Chỉ thương cho vợ ở nhà nuôi con một mình".

    Vừa nói, ông Pém vừa quay sang dành ánh mắt trìu mến cho người phụ nữ đã gắn bó với mình suốt cả cuộc đời.

    Với cách mạng, ông Pém coi như cũng đã trọn vẹn, nhưng với vợ con, có những điều ông vẫn còn thấy thiếu. ấy là những lần đi công tác biền biệt cả tháng trời, đến khi về thì mới tin con ốm không qua khỏi. Vợ ông, người phụ nữ Thái suốt đời tận tụy với chồng, với con, lo cho cái nhà được yên để chồng đi đánh giặc.

    Cho tới bây giờ bà vẫn không biết tiếng Kinh, giao tiếp bên ngoài, bà đều phải thông qua chồng, con và các cháu. ông Pém cảm thấy bà thiệt thòi nhiều, nhưng chưa bao giờ thấy bà than phiền. Người phụ nữ Thái, khi lấy chồng, có con thì luôn tâm niệm một điều: Cái nhà có vững thì người đàn ông ra khỏi nhà mới yên tâm...

    Hai lần được gặp Bác Hồ

    Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, hai lần được gặp Bác Hồ đối với ông Pém thực không thể quên. Lần thứ nhất là năm 1960, khi ông cùng một số đại diện dân tộc thiểu số Thanh Hóa ra Hà Nội tham quan thì bất ngờ được Bác đến động viên đoàn. Lần thứ hai là năm 1962, nhân dịp Đại hội bảo vệ trị an toàn miền Bắc diễn ra tại Hà Nội.

    Trong buổi họp thì Người đến. Bác tuyên dương những địa phương thực hiện tốt phong trào bảo vệ an ninh rồi dừng lại hỏi: "Ở đây có ai là đại biểu xã Quang Chiểu không?". Quá bất ngờ, ông Pém chỉ thốt lên được: "Dạ, có ạ!". Chỉ mấy lời động viên của Người cũng đủ tiếp thêm sức mạnh cho ông Pém và những người đồng đội nơi biên giới phía Tây của Tổ quốc....

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-duong-cho-doan-quan-tay-tien-ke-ve-hai-lan-duoc-gap-bac-ho-a75638.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Võ Nguyên Giáp: Nhân cách Việt Nam trong trái tim nhân loại

    Võ Nguyên Giáp: Nhân cách Việt Nam trong trái tim nhân loại

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người Anh Cả của Quân đội là niềm tự hào của lịch sử hiện đại Việt Nam. Con người và nhân cách cùng với những chiến công của ông đã được rất nhiều học giả, quan chức quân sự, kể cả những người đã từng là đối thủ vô cùng ngưỡng mộ.