(ĐSPL) - Gần đến mùa thu hoạch trái điều, nhiều người dân đã đi gom các lá điều khô để đem bán cho các thương lái thu mua 1.200 đồng/kg.
Theo tin tức trên VnExpress, ngày 5/1, tại điểm mua lá điều khô của bà Nguyễn Thị Thu, ấp 5, xã Gia Canh tấp nập người mua bán. Trẻ em đèo xe đạp, người lớn chở xe máy, một số người dùng luôn xe ba gác chở nhiều bao lá điều đến bán cho thương lái.
Bà Thu cho hay, điểm thu mua của bà hoạt động hơn tháng nay, mỗi ngày gom được khoảng một tấn lá, đến nay có chừng 40 tấn lá đang chờ chủ hàng đến chở. "Tôi được một công ty ở TP HCM thuê thu mua để về ủ làm phân bón với tiền công 150.000 đồng mỗi ngày chứ cũng không biết quy trình sản xuất của họ thế nào".
Điểm mua lá điều khô của bà Nguyễn Thị Thu, ấp 5, xã Gia Canh tấp nập người mua bán. (Ảnh Hoàng Trường) |
Còn theo chị Trần Thị Hạnh (ấp 3, xã Gia Canh) chia sẻ, nhiều người nông nhàn thì coi việc nhặt lá đem bán là một công việc có thu nhập khá hiện nay. Gần đến mùa thu hoạch trái điều, thay bằng chủ vườn thuê người dọn đốt cho sạch thì chúng tôi xin gom lại đem bán, một ngày cũng kiếm gần 200.000 đồng tiền lá.
Phó chủ tịch UBND xã Gia Canh, huyện Định Quán - Ông Vũ Mạnh Dương cho hay, lá điều được người dân gom tại rẫy ở nhà hoặc được chủ vườn cho thu gom rồi đem bán với giá 1.200 đồng mỗi kg. Toàn xã có 4 điểm thu mua hoạt động được hơn một tháng nay.
Trước đó, vào cuối năm 2012 cũng tại huyện Định Quán (Đồng Nai) - địa phương đầu tiên xuất hiện các thương lái đến mua lá điều khô. Người dân nơi đây đã đổ xô thu gom lá điều khô đem bán hàng trăm tấn mà không biết thương lái mua để làm gì.
Một cán bộ xã Gia Canh cho biết, UBND xã đã vận động đến từng hộ dân về việc không nên bán lá điều khô nhằm tránh tình trạng mất dinh dưỡng, độ ẩm cho đất, gây sinh trưởng kém cho cây trồng. Tuy nhiên, việc mua bán này là hoạt động bình thường, pháp luật không cấm nên UBND xã chỉ biết vận động người dân không bán.
Bà Nguyễn Thị Dòn, trưởng trạm khuyến nông huyện Định Quán (Đồng Nai) cho rằng, việc thu gom lá điều khô sẽ ảnh hưởng đến độ ẩm và sự xói mòn của đất, bởi lá rụng xuống đất tạo thành một lớp bảo vệ sự bốc hơi nước từ đất, giữ ẩm nuôi dưỡng cây điều, giúp cây mạnh mẽ hơn để ra lớp lá mới cũng như đơm hoa kết trái. Lớp lá điều sẽ giúp rễ tơ của cây dễ hấp thụ dinh dưỡng.
Ngoài ra, trong lá điều có chất vi lượng do rễ đưa từ đất lên nuôi lá, khi lá rụng xuống thì tự nó trả lại vi chất cho đất, nếu lá rụng xuống mà bị thu gom thì càng ngày đất sẽ thất thoát lượng vi chất nhất định từ lá. Điều đặc biệt, cây điều hay bị bọ xít muỗi trong thời kỳ ra hoa kết trái gây hại, người dân địa phương thường dùng lá điều khô đốt xông khói để xua đuổi bọ xít muỗi. Tóm lại, trong thời gian tức thời thì chúng ta không thể nhìn thấy, nhưng nếu sự việc tái diễn trong thời gian tới thì đất càng ngày càng xấu.