+Aa-
    Zalo

    Người đàn bà mù bán cá mưu sinh qua ngày ở Hà Nội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Người dân ở khu chợ Hàm Tử Quan (Hà Nội) suốt 7 năm nay vẫn chứng kiến một người phụ nữ mù lòa tuổi ngoài 50 mưu sinh cuộc sống bằng những gánh cá.

    (ĐSPL) - Người dân ở khu chợ Hàm Tử Quan (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) suốt 7 năm nay vẫn chứng kiến một người phụ nữ mù lòa tuổi ngoài 50 mưu sinh cuộc sống bằng những gánh cá mỗi ngày. Cuộc sống của cô là một chuỗi dài những bi kịch. 

    Cuộc sống chưa bao giờ hết khó khăn

    Người đàn bà đau khổ ấy là cô Đoàn Thị Tuệ (53 tuổi) quê ở  xã Thọ Vinh, Huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, rời quê lên Hà nội kiếm sống đã gần được chục năm nay. Thuở đầu rời quê lên Hà Nội kiếm việc, cô Tuệ còn là người khỏe mạnh. Lúc ấy, chợ ngược, chợ xuôi, chẳng khi nào hết việc. Được đâu một hai năm, trăm thứ bệnh ập vào người nên mắt cô cứ mờ dần rồi đến lúc mù hắn.

    Một ngày của cô của bắt đầu từ 3h sáng, cô men theo con đường quen thuộc đi ra chợ Long Biên lấy từng gánh cá rồi về bán ở chợ Hàm Tử Quan. Cô bùi ngùi kể lại: “Có hôm trời mưa cô đi lạc ra bãi giữa sông Hồng, may có vợ chồng nhà kia họ tốt bụng vớt cô lên rồi đưa cô ra chợ không thì lần đó cũng chết”.

    Đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa cô đều còm cõi gánh hai gánh cá bán từ sáng đến tận trưa lúc nào hết cô mới về nhà. Gánh hàng của cô chỉ vỏn vẹn một thau đựng tôm, một thau đựng cá và một thau đựng ngao. Lúc nào bán hết lượt cô lại cẩn thận xếp lượt mới ra bán tiếp. Vì mắt không nhìn thấy nên cô phải dùng đến chiếc cân thủ công thô sơ rồi mò theo từ khấc trên thanh cân để cân hàng chokhách.

    Cô Đoàn Thị Tuệ (53 tuổi) quê ở  xã Thọ Vinh, Huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nào cũng bán cá ở chợ Hàm Tử Quan.

    Nếu bán không hết đến chiều cô lại bán tiếp. Vất vả cực khổ cả buổi sáng nhưng cũng chỉ được cái bánh mỳ hoặc nắm xôi vào bụng. Cũng có hôm ế ẩm cô còn không dám mua nắm xôi ăn vì tiếc tiền. Cô khoe chúng tôi hôm nay được chị người quen cho mấy quả chuối ăn qua bữa rồi nên đỡ được mấy nghìn tiền ăn sáng.

    Bán đến giữa buổi sáng thì an ninh phường đi dẹp không cho ngồi bán ở vỉa hè nữa. Cô lật đật dọn hàng xuống chỗ vắng ở đoạn dưới chợ ngồi bán. Đến lúc an ninh đi chúng tôi có ý bảo cô lên ngồi lại chố ban nãy cho dễ bán nhưng cô nói: “Ai lại làm thế hả cháu, các chú cho cô ngồi đây là may mắn rồi. Mình sống cũng không nên ích kỷ quá, chốc nữa mấy sếp đi kiểm tra mà thấy cô ngồi trên đó là các chú ấy lại bị phạt đấy. Mà nghe đâu cái chợ này cũng sắp không cho họp nữa rồi”.

    Mọi người ở chợ nhiều người biết tới hoàn cảnh của cô nên cũng giúp đỡ động viên cô nhiều. Bán được bao nhiêu cô lại nhờ người đếm tiền rồi phân ra để cô dễ dàng nhận biết hơn. Xã hội có đầy người tốt nhưng kẻ xấu cũng nhan nhản khắp nơi: “Những ngày tháng sáu vừa rồi, có thằng thanh niên bán cua nó biết cô bị mù nên nó lân la nói chuyện với cô. Lúc cô đi về, nó chặn đường lấy mất túi tiền của cô. Mấy lần như vậy đến lúc cô nhận ra tiếng rồi nhờ mọi người phân xử giúp nó mới nhận”, cô Tuệ kể lại. Mọi người quen biết đều tìm đến chỗ cô để mua hàng, phần vì cá tôm của cô vừa ngon vừa rẻ, phần nhiều cũng là giúp đỡ cô. Mọi người tự đưa tiền rồi lấy lại tiền thừa của mình chứ không hề lừa gạt cô một đồng nào.

    Cô lại nhớ về vụ người đàn bà chạc 40 đi xe ga, mua cá của của cô mấy lần đều đưa tờ 20 nghìn nhưng lại bảo tờ 200 rồi thản nhiên lấy lại tiền thừa. Nhiều lần như vậy cô đều không biết. Đến khi cô lấy tiền đó đi mua hàng bảo là tờ 200 chờ lấy tiền thừa người ta bảo cho mới biết bị lừa. Lần sau người đàn bà ấy lại đến mua. Cô nghe quen giọng nên bảo là đưa nhầm tiền cho cô rồi thì người ta chối đẩy, cô phải nhờ bác bán quần áo đối diện xem lại thì cô ta mới nhận nhưng cũng phóng xe bỏ đi mà không hồi tiền mấy lần trước cho cô. Rồi từ đấy mất tích không vào mua lần nào nữa.

    Cô Tuệ chỉ thấy tủi thân. Mình mù lòa, tật nguyền, lại ở quê lên, người ta lừa cũng phải chịu chứ làm gì được?

    Nhân lúc rảnh chợ cô ngồi tâm sự với chúng tôi nhiều về gia đình của cô. Bố mẹ cô được 5 người con. Từ đời bà ngoại của cô, gia đình họ hàng nếu không bám được ruộng đồng thì phải rời làng để mưu sinh. Đến lúc ruộng đồng thành khu công nghiệp thì nhà nào cũng phải đi lên phố. Bây giờ ở quê cô chỉ còn mẹ, bà ngoại và bố đều mất vì bệnh tật. Khi được hỏi sao không về quê để sống tốt hơn cô bảo: “Về quê cũng không làm được gì, anh em mẹ già đều khó khăn hết, ai người ta nuôi thân mù này hả cháu. Cô ở ngoài này quen việc rồi còn kiếm được đôi đồng để sống qua ngày”.

    Sống được chục năm ở Thủ đô nhưng cốt cách của những người dân nông thôn Bắc bộ vẫn ngấm sâu không thay đổi. Gặp người lạ dù già trẻ cô cũng đều gọi họ là chị, là cô bác còn xưng mình là cháu. Nhìn gương mặt hiền lành khắc khổ và cách nói chuyện của cô, ai gặp cũng thấy thương mến và động lòng muốn giúp đỡ.

    Cẩn thận xếp từng con cá từ thùng ra chợ, cô cũng kể về chuyện tình cảm của mình. Nhiều người ở chợ tưởng cô có chồng là liệt sĩ những không phải thế: “Đã như vậy rồi nên nhiều khi cô bị mặc cảm lắm, cũng không nghĩ gì về chuyện chồng con. Chỉ muốn lo tốt cho thân mình đã”, cô bày tỏ.

    Trên khuôn mặt người đàn bà ngoài 50 đôi khi không giấu nổi nét buồn. Cô thường nhìn vào khoảng không vô định rồi thở dài đăm chiêu. Cô bảo rằng không biết tuổi già mình sẽ thế nào, chỉ mong có ai đó để dựa dẫm, chị em chăm sóc nhau thì tốt. 

    Những mảnh đời kém may mắn

    Đến hơn 12h trưa, khi chợ đã vãn dần, mặt trời đã lên cao, cô mang đồ đạc ra lau rửa sạch sẽ. xong xuôi cô lại xếp những con ngao còn lại vào gánh rồi gánh về nhà. Cô (A) bán quần áo bên cạnh nói “cá (cách gọi cô Tuệ của mọi người ở đây) nó mù nhưng sạch sẽ lắm. Bán xong là thu dọn rác với lau chùi sạch sẽ rồi mới về. Đấy, nó đang phơi ghế cho khô đấy”.

    Tôi theo cô đến số nhà 75 ngõ 277 Phúc Tân. Những con ngõ ngoằn ngoèo và chật chội khiến gánh hàng của cô cứ vướng chỗ này mắc ở chỗ kia. Việc đi lại của cô cũng rất khó nhọc. Điền khiến chúng tôi ngạc nhiên là cô không đi đường thẳng như  mọi người mà cô lại đi đường ngoằn nghèo từ ngõ này qua ngó kia. Cô bảo là cô quen đi theo lỗi như vậy cho dễ nhớ đường không lại đi xa quá chẳng biết đường mà quay lại.

    Cô sống với 4 người nữa trong một phòng trọ nhỏ ở xóm lao động Phúc Tân. Xóm của những lao động nông thôn từ mọi nơi lên Thủ đô kiếm việc. Xóm của những con người phải đổ mồ hôi từ thời khắc người ta ngủ ngon nhất thì mới có tiền để trang trải cho cuộc sống. Những người trong phòng trọ mỗi người mỗi cảnh đều rất khó khăn. Có người làm ve chai, có người làm giúp việc, người cũng đi chợ bán hàng như cô…

    Khi chúng tôi đến thì chỉ có một chị phòng bên sang chơi và  một em bé đang ăn cơm. Em nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô hồn không sức sống. Cô bảo nó không biết gì đâu, mắt lại kém cũng không nhìn thấy gì cả rất tội nghiệp. Đó là con của một chị cũng ở đây làm nghề giúp việc. Mọi người trong phòng đều đi làm quá trưa hoặc tối mớ về.

    Bươn chải cuộc sống với đủ cái khổ nhưng mọi người trong xóm vẫn luôn yêu thương giúp đỡ nhau rất nhiều từ những việc nhỏ nhặn nhất. Khi ốm khi đau có người động viên nhau cuộc sống cũng bớt khổ hơn.

    Không biết rồi đây khi khu chợ Hàm Tử Quan bị cấm họp thì cuộc sống của những con người đang mưu sinh bằng cái nghề này sẽ ra sao. Cuộc sống của cô Tuệ sẽ trôi nổi về đâu. Cuộc sống những tưởng tươi đẹp lắm nhưng đâu đó ở những góc khuất của xã hội này vẫn có những mảnh đời vô cùng khó khăn bất hạnh cần được quan tâm.



    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ba-mu-ban-ca-muu-sinh-qua-ngay-o-ha-noi-a75073.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.