Đứa con ngây thơ lay người mẹ hỏi: Mẹ ơi, bao giờ mẹ chết? Tiếng hỏi làm xé lòng người mẹ muốn sống thêm từng ngày để được nhìn con trưởng thành.
Xót lòng nghe tiếng con thơ hỏi: ‘Mẹ ơi, bao giờ mẹ chết?’
Sau khoảng 1 tuần phẫu thuật, chị Phùng Thị Phượng (41 tuổi, đội 10, thôn 2, xã Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội) vẫn còn thấy đau nhức bên ngực phải.
Bởi lẽ, bầu ngực ấy đã được khoét bỏ cùng với khối u. Trước đó, nó đục khoét khiến cơ thể chị đau nhức mất ăn mất ngủ. Sau phẫu thuật, chị Phượng vẫn phải cong cong người để đi lại, lúc thì nấu bát mỳ tôm ăn buổi sáng, khi thì phải tự mua cơm ăn. Hiện chị đang nằm ở khoa nội 1, bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Chị Phượng nhớ bọn trẻ, nhớ cả những câu nói ngây thơ của con như cứa vào lòng chị: “Mẹ ơi, bao giờ mẹ chết?”. |
Từ một tin nhắn của người cùng cảnh ngộ bị ung thư, chúng tôi đã tìm đến gặp chị. Người bạn cùng phòng chia sẻ: “Chúng tôi ở đây cùng cảnh ung thư, nhưng tinh thần chúng tôi thoải mái hơn, điều kiện chúng tôi tốt hơn chị ấy.
Chị ấy sáng nào cũng ăn mỳ tôm, vậy làm sao có thể có sức khỏe để chống lại bệnh tật? Làm sao đủ sức để truyền hóa chất chứ? Chị ấy khổ trăm bề, tiền không có để chữa trị. Chồng thì mất, con lớn bị bệnh tim. Chúng tôi thương chị ấy nhưng cũng chỉ hỗ trợ được phần nào. Chị em cùng phòng lúc mua giúp phần cơm, lúc lấy cho suất cơm từ thiện. … Cô có cách nào giúp chị ấy không?”
Nghe kể là vậy, nhưng chỉ đến khi gặp chị rồi, cái cảm giác đau khổ, xót xa mới ập về.
Dáng chị gầy nhỏ, run run, yếu ớt nhưng nỗi đau bệnh tật chỉ là một nỗi lo canh cánh bên cạnh nỗi lo cho đứa con bị bệnh tim hành hạ.
Người đàn bà ấy kể: Năm 26 tuổi, chị đi làm vườn trên tận Hà Giang, rồi quen một người đàn ông. Hai người nên duyên vợ chồng. Năm 2000, chị sinh con đầu là cháu Phùng Thị Hà, học đến lớp 8, sức khỏe Hà kém. Cháu bị tim bẩm sinh nên không có sức khỏe để theo học.
Cháu bị tim nên môi thâm xám lại. Bạn bè không chơi với cháu, thậm chí có bạn vô tâm nói cháu là “Con tim thối”. Cháu chán học vì mệt, vì những câu nói đó khiến cháu buồn. Thế là cháu bỏ học.
Khi mới sinh được 1 tháng tuổi, Hà bị môi tím tái. Lớn hơn, cháu không tự đi được phải cõng. Sau 2 lần phẫu thuật, sức khỏe Hà có tốt hơn nhưng cháu vẫn cần phải phẫu thuật.
Nhưng tiền không có, cháu đành phải đợi chờ.
Năm 2010, chị Phượng sinh cháu trai tên Phùng Minh Sơn Hưng. Giờ thằng cu đã 5 tuổi và biết nhiều chuyện lắm.
Kể đến con, mắt chị Phượng lại rong rong 2 hàng lệ. Chị nhớ bọn trẻ, nhớ cả những câu nói ngây thơ của con như cứa vào lòng chị: “Mẹ ơi, bao giờ mẹ chết?”
Chị không biết trả lời sao? Chỉ khóc. Chị muốn sống, sống để nhìn thấy các con lắm. Lấy tay lau dòng lệ, chị kể tiếp: Chồng chị mất đã 4 năm nay. Chị đưa 2 con về nhà ngoại ở. Bà ngoại chia cho ít đất, tự chị dựng nhà sống cùng 2 con. Mẹ con tần tảo nuôi nhau cùng sự đùm bọc của họ hàng, láng giềng.
Chị làm ruộng, rồi đến 1 ngày chân phải sưng tấy. Chị phải vào bệnh viện Việt Đức, rồi Bạch Mai. Bác sỹ bảo chị bị viêm xương và phù nề tủy xương.
Từ đó, chị đi lại khó khăn như người bị què. Thôi thì làm được gì thì làm, khi mùa đến, rơm người ta bỏ ngoài đồng, chị đi đốt lấy tro bán lấy 10 ngàn đồng mỗi bao tải để có tiền mua thức ăn cho con.
Chân bị què không làm gì được, mùa đông, chị đi quạt ngô nướng kiếm sống.
Cũng năm 2012, chị thấy có u nhỏ như đầu ngón tay ở ngực, chưa đau nhưng không có tiền nên chị để nó đấy. Nhưng khối u không dừng lại, nó bắt đầu to dần.
Năm 2014, chị đi chọc khối u để kiểm tra, vẫn tưởng là khối u lành. Chị chữa phần nào rồi về uống thuốc Nam.
Nhưng đến 1 ngày, chị đi cấy về, thấy ngực đau đớn, xương đòn đau nhức lắm. Đi khám, bác sỹ báo tin chị đã bị ung thư rồi, lại có u ở tuyến giáp, hạch 2 bên nách nổi to.
Chị nhập viện, được phẫu thuật cắt một bên ngực rồi nạo hạch. Đến nay, chị vẫn đau nhức, thỉnh thoảng dịch trắng lại chảy ra từ ngực bên trái. Chị đang được chỉ định truyền hóa chất. Nhưng vì sức kiệt, bạch cầu giảm, chị phải cần có thêm thời gian bồi bổ cho sức khỏe.
Tiền đâu để cứu chị?
Từ hôm chị nhập viện, sau khi được nhà nước hỗ trợ vì chị có bảo hiểm cho người nghèo, chị vẫn phải chi trả tiền phẫu thuật, ăn uống tốn đến gần 5 triệu đồng. Đó là số tiền lớn với chị.
Chị cố gắng ăn suất cơm từ thiện để có sức chống lại bệnh tật. |
Tiền cho mình chữa bệnh, tiền ăn ở nhà cho con ở đâu ra? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh chị day dứt. Chị Phượng bảo: “Tôi định không đi chữa, nhưng anh trai tôi nói chữa đi để còn sống với con được bữa nào hay bữa đó cho nó đỡ khổ”.
Chị thuộc hộ nghèo nên từng được một cán bộ cấp cao tặng cho con bò. Nhưng khi bị bệnh, chị đã bán đi để có tiền trang trải chữa trị.
Chị có 6 anh, chị em nhưng họ cũng nghèo. Khi chị đi viện, chị gái đã nuôi hộ đứa bé. Còn đứa lớn, cháu ở nhà một mình. Từ ngày chị đi, cháu chỉ ăn mỳ tôm thôi.
Đến thân chị, đi mổ cũng toàn mỳ tôm ăn qua ngày. Sáng sáng, gói mỳ tôm là xong. Bữa trưa, nếu có cơm, cháo từ thiện thì chị ăn, không thì cũng mua suất cơm 15 ngàn đồng.
Tôi vừa ngồi với chị, vừa nhìn chị ăn cơm. Đôi bàn tay run run bê suất cơm mà lòng nghèn nghẹn. Chút cơm trắng với rau, chút thịt. Chẳng muốn ăn nhưng chị vẫn phải cố nuốt để sống qua ngày.
Chị bảo: “Tôi xuống đây đã 4 tuần rồi. Giờ đau lắm, đau xiên nách, đêm không ngủ được vì đau. Nếu phải truyền hóa chất thì lấy tiền đâu ra.
Bạch cầu thấp nên phải kích lên mới truyền được hóa chất. Mỗi lần kích như vậy mất hơn 1 triệu đồng/lần. Chả biết tính sao, nhưng mổ rồi mà không truyền hóa chất thì cũng chết. Chỉ mong kéo dài sự sống để sống với cháu thêm thôi.
Khi tôi biết tin mình bị ung thư, tôi bàng hoàng lắm, khóc mãi. Tôi cũng không biết nữa, chữa được thì có thể kéo dài được cuộc sống. Tôi chết thì nghĩ 2 đứa trẻ khổ quá, cứ cố chữa bệnh thôi”.
Theo VTC News
Xem thêm video:
[mecloud]rnc6dDBqPA[/mecloud]