Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ là con trai thứ năm của Hoàng đế Càn Long, sinh vào năm Càn Long thứ 6, thường được gọi là Ngũ a ca.
Hoàng ngũ tử Vĩnh Kỳ là người được kỳ vọng nhất trong số các hoàng tử của Càn Long Đế lúc bấy giờ. Vĩnh Kỳ văn võ song toàn, tinh thông tiếng Mãn lẫn tiếng Hán, lại giỏi cưỡi ngựa bắn cung.
Cán Long Đề vô cùng yêu quý người con trai thứ 5 này, thậm chí đã có ý định chọn ông làm người kế vị. Đáng tiếc, Vĩnh Kỳ đoản mệnh, lâm bệnh qua đời năm Càn Long thứ 31.
Trong lịch sử, Vĩnh Kỳ có 3 người vợ, gồm: Đích Phúc tấn Tây Lâm Giác La thị, Trắc Phúc tấn Tác Xước La thị và Thị thiếp Hồ thị.
Mặc dù 3 người vợ của Vĩnh Kỳ sinh cho ông được 6 người con trai nhưng tất cả đều chết yểu, chỉ duy nhất người con trai thứ 5 là Miên Ức sống sót và trưởng thành.
Mẹ ruột của Miên Ức là Tác Xước La thị - con gái của Tả đô Ngự sử Quan Bảo. Miên Ức được thừa hưởng trọn vẹn tài năng của cha mình, thông minh và nhanh nhẹn, tinh thông kinh sử, thông thạo thư pháp.
Sau khi Vĩnh Kỳ qua đời, Càn Long Đế vô cùng thương tiếc người con tài năng. Hơn nữa, trong 6 người con của Vĩnh Kỳ chỉ duy nhất Miên Ức không đoản mệnh, lại tài giỏi như cha nên rất được Càn Long Đế yêu mến. Ông hạ chỉ truyền Miên Ức vào trong cung để đích thân chăm sóc bồi dưỡng, thậm chí còn cho phép Miên Ức vào Thượng thư phòng để đọc sách.
Năm Càn Long thứ 49, Miên Ức được tập tước Vinh Thân vương của cha mình và được phong Bối lặc. Đến năm Gia Khánh thứ 4 được Gia Khánh Đế tấn phong Vinh Quận vương.
Năm Gia Khánh thứ 6, Miên Ức nhậm chức Đô thống Mông Cổ Chính Hồng kỳ. 1 năm sau đó, tháng 2, ông được ban thưởng được hành tẩu trong nội đình. Cùng tháng, ông được giao quản lý sự vụ Thượng tứ viện. Đến tháng 5 cùng năm, Miên Ức lại được ban thưởng hành tẩu tại Càn Thanh môn. Cũng trong tháng 7 năm đó, ông thụ Quản thọ Đại thần, được Gia Khánh Đế vô cùng xem trọng.
Mọi chuyện vẫn tốt đẹp cho đến năm Gia Khánh thứ 11, khi Miên Ức đặt tên cho hai con trai của mình, ông đã bị Gia Khánh Đế khiển trách.
Nguyên nhân là do Miên Ức đã đặt tên con trai cả là Dịch Minh (奕铭) và con trai thứ là Dịch Liêm (奕镰), trong tên đều có bộ Kim (钅).
Từ thời Khang Hy Đế, ông theo thông lệ của người Hán để đặt tên cho con cháu mình. Theo đó, trong thị tộc nhánh gần, tên thường dùng bộ Mịch (纟) để làm gốc, tuy nhiên Miên Ức lại dùng bộ Kim, còn có nghĩa là vàng, một màu sắc tượng trưng cho thiên tử.
Điều này khiến Gia Khánh Đế vô cùng tức giận và khiển trách: "Tự muốn xa lánh nhau, có phải mưu đồ gì?".
Để trừng phạt, Gia Khánh Đế không cho phép Miên Ức tiếp tục hành tẩu tại Càn Thanh môn, đồng thời cách toàn bộ các chức vụ đô thống và quản lý của ông.
Miên Ức sau đó buộc phải đổi tên 2 người con của mình. Con cả đổi thành Dịch Hội, con thứ đổi thanh Dịch Diễn.
Vào năm Gia Khánh thứ 18, Lâm Thanh phát động sự biến Thiên Lý Giáo tấn công Tử Cấm Thành. Lúc đó, Gia Khánh Đế không có ở trong cung, trong lòng cùng các đại thần do dự không biết có nên vội vàng trở về kinh thành hay không.
Lúc này, Miên Ức ra sức thúc giục Gia Khánh Đế trở về kinh đô, vì vậy Gia Khánh Đế đã nghe theo lời khuyên của ông và trở lại cung điện kịp thời.
Sau sự việc này, Gia Khánh Đế lại rất coi trọng Miên Ức, đồng thời khôi phục lại tất cả chức vụ và tước vị cho ông.
Năm Gia Khánh thứ 20, Miên Ức qua đời vì bạo bệnh, hưởng thọ 51 tuổi. Trong suốt cuộc đời của Miên Ức, người con trai duy nhất có thể trưởng thành của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ, tuy ông không trường thọ nhưng cũng đã cống hiến rất nhiều cho Gia Khánh Đế, cuối cùng được truy thụy là Vinh Khác Quận vương.
Hoa Vũ (Theo Sina)