(ĐSPL)- Anh Ngô Ngọc Sơn, người trong clip bị CSCĐ túm cổ áo ngày 7/6 vừa qua đã quyết định lên tiếng phủ nhận lời tường trình của CSCĐ rằng mình đi xe lạng lách, đánh võng nên mới bị túm cổ.
Anh Sơn buộc CSCĐ đính chính lại thông tin
Theo báo Pháp luật đưa tin, chiều 18/6, lãnh đạo Trung đoàn CSCĐ đã thông qua phóng viên liên lạc với anh Sơn và mời anh Sơn đến Trung đoàn vào ngày 19/6 nhằm gặp gỡ, trao đổi nhằm làm rõ vụ việc, nếu xác định hai CSCĐ có sai thì Trung đoàn sẽ tổ chức xin lỗi anh Sơn theo như yêu cầu của lãnh đạo công an TP.HCM.
Anh Sơn bị CSCĐ túm cổ áo. Ảnh: Người đưa tin |
Sau khi Pháp luật TP.HCM phản ánh thông tin liên quan đến clip quay cảnh hai CSCĐ tranh cãi, nhiều lần túm cổ áo một người đàn ông xảy ra vào rạng sáng 7-6 tại giao lộ Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo, quận 1, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ hai phía của Công an TP.HCM và của chính người đàn ông trong clip.
Trước thông tin hai CSCĐ giải trình cho là người thanh niên chạy xe nhanh, lạng lách có biểu hiện nghi vấn, nên đã đuổi theo một đoạn mới dừng xe lại được để kiểm tra, anh Ngô Ngọc Sơn (30 tuổi, hiện tạm trú tại huyện Bình Chánh), người thanh niên xuất hiện trong clip, đã liên lạc với Pháp luật TP.HCM để cung cấp lại thông tin, trao đổi về toàn bộ vụ việc.
Anh Sơn cho biết, rạng sáng 7/6 anh chở vợ sắp cưới đến ăn đậu hũ nóng ở của người phụ nữ quen tại Công viên 23-9 và anh không hề chạy nhanh, lạng lách như hai CSCĐ giải trình. "Tôi đi chậm, dừng chờ đèn đỏ đúng quy định tại ngã tư Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo. Lúc này từ phía sau có hai CSCĐ đến yêu cầu tôi tấp xe vào lề, kiểm tra giấy tờ", anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, khi tấp xe, anh đặt một số câu hỏi với hai CSCĐ là kiểm tra giấy tờ gì, có thẻ tuần tra hay không. Từ đó hai CSCĐ nổi nóng, trợn mắt, đấm ba cái vào bụng anh, túm cổ áo gạt chân khiến anh ngã đập đầu.
Vẫn theo lời anh Sơn, khi anh hô hoán để người dân làm chứng, hai CSCĐ tiếp tục tranh cãi, nhiều lần túm cổ áo anh giật mạnh, kéo đi trong sự chứng kiến của nhiều người dân và như trong clip đã thể hiện.
Anh Sơn đưa các giấy tờ gồm CMND, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy bảo hiểm cho phóng viên xem và trình bày bình thường anh đem đầy đủ các giấy tờ nêu trên, tuy nhiên hôm đó do sơ ý nên anh bỏ quên ở nhà. “Lúc đó dù bức xúc vì bị hai CSCĐ xúc phạm, đánh, nhưng tôi vẫn bình tĩnh, tha thiết trình bày để vợ về nhà lấy giấy tờ đem ra”.
Những người có mặt tại hiện trường thấy bất bình nên lên tiếng bảo vệ cho người đàn ông bị túm cổ áo. “Anh là cảnh sát của dân, anh nói chuyện với dân thì phải xưng hô tôi - đồng chí chứ không thể nói chuyện mày - tao như vậy được”, một người dân bức xúc cách nói chuyện của CSCĐ, lên tiếng. Một vài người khác cũng góp lời chỉ trích, nhưng vị CSCĐ này vẫn không nhượng bộ.
Theo báo Người đưa tin đã đưa, thời điểm xảy ra vụ việc, ngoài đường khá vắng vẻ. Tuy nhiên do đôi bên giằng co lớn tiếng, nên một số người đi đường và công nhân ở một công trường gần đó kéo đến xem, lên tiếng phản ánh và dùng điện thoại quay phim lại diễn biến vụ việc. Người dân tập trung ngày một đông và gây sức ép nên hai CSCĐ buộc phải lên xe, bỏ đi nơi khác.
Sau đó anh Sơn đã có đơn tường trình, tố cáo hành vi đánh người vô tội của hai CSCĐ, nhưng do gia đình khuyên can, và không muốn gặp rắc rối nên anh đã cất đơn đi không gởi đến cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, sau đó công an thành phố trả lời trên báo chí, thông tin về việc hai CSCĐ giải trình là do anh Sơn chạy xe lạng lách, có biểu hiện nghi vấn nên mới đuổi theo để kiểm tra, đã khiến anh Sơn bị người thân, bạn bè, khách hàng trong công việc đánh giá không hay, gây mất danh dự của anh. Do đó anh Sơn rất bức xúc trình bày với Báo Pháp luật TP.HCM, mong muốn hai CSCĐ nhận lỗi, sửa sai, đính chính lại thông tin.
Hành xử của CSCĐ thiếu bình tĩnh
Như đã thông tin, ngày 7/6 trên facebook của một người có tên HMP đăng tải một đoạn clip dài hơn 6 phút thể hiện cảnh tranh cãi giữa hai CSCĐ và một người đàn ông. Sau khi clip đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút rất đông người dân, bày tỏ ý kiến bức xúc về thái độ hành xử của hai CSCĐ.
Ngày 13/6, trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, trung tá Nguyễn Quang Thắng – phó Phòng tham mưu công an TP.HCM, cho biết Ban giám đốc công an thành phố đã yêu cầu Trung đoàn CSCĐ nơi hai CSCĐ xuất hiện trong clip có báo cáo giải trình.
“Khi xảy ra tình huống và gặp phản ứng của người dân, đồng chí CSCĐ đã thể hiện sự thiếu bình tĩnh, không giải thích rõ cho người dân hiểu nhiệm vụ, hỗ trợ trong thi hành nhiệm vụ, và xử lý không kiên quyết, vi phạm tác phong điều lệnh Công an nhân dân, nắm cổ áo người dân trong khi thi hành nhiệm vụ” – phòng tham mưu công an thành phố cho biết.
Do đó Ban giám đốc công an TP đã chỉ đạo Trung đoàn CSCĐ tổ chức kiểm điểm hai CSCĐ trong đoạn clip, và tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng, yêu cầu cán bộ chiến sỹ trau dồi kinh nghiệm, nhất là trong công tác tiếp xúc với nhân dân, không để những sự việc như trên xảy ra.
Công an thành phố đã đề nghị người thanh niên bị kiểm tra hành chính trong đoạn clip đến gặp lãnh đạo Trung đoàn CSCĐ để cung cấp, làm rõ thêm nội dung thông tin clip phản ánh, xác định đúng sai của hai CSCĐ, trong đó xác định có hay không việc đánh người đàn ông. Đồng thời công an thành phố chỉ đạo Trung đoàn CSCĐ tổ chức xin lỗi đến cá nhân người thanh niên.
Theo báo Người đưa tin, Ông Nhu, một người chạy xe ôm trên đường Trần Hưng Đạo, cho biết: “Tôi nhớ không lầm là sự việc xảy ra vào khoảng 2h sáng. Đang trên đường về nhà thì thấy 7-8 người dừng xe ở góc đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo. Nghĩ có chuyện gì không ổn, nên tôi chạy nhanh đến xem.
Đến gần, thì thấy có hai cảnh sát cơ động đang tranh cãi với một người đàn ông mặc áo sơ mi đen. Một trong hai CSCĐ dùng tay nắm lấy cổ áo, và gằn giọng với người đàn ông này. Lúc đó tôi cứ nghĩ là CSCĐ đang trấn áp tội phạm, nên chỉ ngó một chút rồi đi tiếp. Về nhà hôm sau coi đoạn clip trên mạng mới biết được sự thật ngỡ ngàng như vậy”.
Dù sự việc đã xảy ra được vài ngày, nhưng dư luận trong và ngoài mạng xã hội vẫn chưa hết bàn tán. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích, phê phán thì cũng có những ý kiến thể hiện sự thấu hiểu cho CSCĐ.
Chị Nguyễn Thị Tú (ngụ quận 1, TP.HCM) chia sẻ: “Việc CSCĐ yêu cầu kiểm tra giấy tờ với người nghi vi phạm là hợp pháp thôi. Nếu không có các anh ấy đi tuần tra mỗi đêm, thì người dân đâu có được yên ổn nghỉ ngơi, làm việc. Điều đáng trách ở đây là cách cư xử và thái độ giao tiếp với người dân. Giá như anh CSCĐ này bình tĩnh giải thích rõ sai phạm cho người dân, thì đâu có xảy ra chuyện đáng tiếc này”.
Đức An (Tổng hợp)