Thấy chiếc xe tải mắc kẹt trên đường sắt khi sắp có đoàn tàu chạy qua, anh Dương Văn Kiên, nhân viên gác chắn ở cung đường sắt Chợ Sy, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng báo hiệu cho đoàn tàu biết để tránh vụ tai nạn. Điều đáng nói, nhân viên gác chắn này đã từng được nhiều lần tuyên dương vì có hành động dũng cảm trong việc cứu đường sắt và các đoàn tàu.
Chân dung người gác chắn dũng cảm Dương Văn Kiên. |
Giây phút cần “trái tim thép”
Đang trực tại đường ngang Chợ Sy, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thuộc Km 273+620, anh Dương Văn Kiên (SN 1976), nhân viên gác chắn thuộc công ty CP Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh nghe điện thoại của trực ban báo sắp có tàu chạy qua. Ngay lập tức, anh Kiên nhấn chuông báo hiệu đường bộ rồi ra đường căn tàu để đóng gác. Sau đó, anh yêu cầu các phương tiện tham gia giao thông đứng chờ, cho đến khi tàu chạy qua mới nâng cần barie phía trước cho xe đi.
Công việc tưởng chừng như đơn giản và tẻ nhạt lặp đi lặp lại của người gác chắn đã kéo dài hơn 27 năm qua. Thế nhưng cũng vì vậy mà vừa qua anh Kiên đã cứu được một mạng người khi xe tải chết máy ngay trên đường ray. Khi được hỏi về việc này, anh Kiên ngượng ngùng nói: “Đó là công việc của nhân viên gác chắn, nên tôi chỉ làm đúng trách nhiệm của mình thôi. Nếu vào ca trực của nhân viên khác thì họ cũng sẽ làm như vậy mà thôi”.
Sự việc xảy ra vào lúc 10h3 ngày 29/2. Thời điểm này, anh Kiên đang làm thực hiện nhiệm vụ gác chắn đường ngang tại Km273+620 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, thì nhận được điện báo của trực ban chạy tàu ga Yên Lý báo tàu AH1 xin đường, dự kiến qua ga Yên Lý lúc 10h13 cùng ngày. Khi nhận được lệnh, anh Kiên nhanh chóng nhấn chuông báo hiệu đường bộ rồi ra đường căn tàu để đóng gác. Đúng lúc này, chiếc xe đầu kéo mang BKS: 37C-157.47, kéo theo rơ móc 37R-009.90 do tài xế Tuân (SN 1989), trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An điều khiển đi trên đường liên xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Khi tới điểm giao với đường sắt Bắc - Nam, dù chuông và đèn báo hiệu sắp có tàu đi qua nhưng xe đầu kéo vẫn cố vượt. Vì vậy, khi xe đầu kéo chưa qua khỏi đường sắt thì barie đóng lại cả hai đầu trước và sau xe.
“Khi tôi ra căn tàu thì phát hiện có một chiếc xe tải cố vượt qua nhưng mắc kẹt trên đường sắt. Sự cố cấp bách, tôi vội đóng đường ngang rồi chạy 200m về hướng tàu, vừa chạy vừa thổi còi rồi phất cờ báo hiệu dừng tàu. May mắn lái tàu kịp thời phát hiện và hãm phanh khẩn cấp nên dừng lại cách vị trí chiếc ô tô khoảng 80m, tránh được tai nạn thảm khốc”, anh Kiên kể lại. Theo anh Kiên, do sự việc quá khẩn cấp nên lúc đó anh không kịp nghĩ ngợi gì, chỉ hành động theo phản xạ nghề nghiệp và kinh nghiệm nhiều năm làm gác chắn. Đó là chạy về hướng tàu để báo hiệu cho tàu dừng lại. “Lúc đó tôi cũng chưa rõ nguyên nhân vì sao chiếc xe tải kia lại dừng lại, có thể xe bị hư hỏng gì đó. Vì vậy cách duy nhất chỉ có thể dừng tàu mà thôi. May mà thời điểm này tàu chưa đến quá gần, nên tôi mới kịp chạy lên phía trước để căng cờ dừng lại. Làm nghề gác chắn đường ngang thì cần phải có một “trái tim thép” để xử lý các sự cố”, anh Kiên nói.
Anh Kiên cho biết thêm, ở cung đường ngang Chợ Sy có rất nhiều người dân qua lại, trong khi một ngày đêm có 13 tuyến tàu khách và 27 chuyến tàu hàng đi qua. Vì vậy, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao nếu chỉ một chiếc ô tô, xe máy chết máy giữa đường. Chính vì vậy, khi phát hiện chướng ngại vật, anh em gác chắn sẽ cố gắng báo hiệu dừng tàu, tránh va chạm có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
“Kiện tướng an toàn chạy tàu cấp ngành”
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trao Bằng khen và phần thưởng cho anh Dương Văn Kiên. |
Theo anh Dương Văn Kiên, công việc gác chắn vô cùng vất vả do phải liên tục trực 12 giờ không được rời vị trí. Theo đó, mỗi nhân viên sẽ được chia trực 10 ngày (từ 6h đến 18h) và 10 đêm (18h đến 6h). Trong thời gian trực, không ai được phép đi nơi khác để đảm bảo rằng tàu chạy qua luôn an toàn. Mỗi lần nghe điện thoại reo thông báo về tàu đến, thì các nhân viên gác chắn phải luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Anh Kiên cũng chia sẻ, thời gian đầu làm nhân viên gác chắn lương rất thấp, nhiều người cũng vì vậy mà bỏ việc. Trong khi đó, vợ anh là giáo viên dạy môn Ngữ văn một trường THCS trên địa bàn nên cũng chỉ có thu nhập vừa đủ sống. Vì vậy, để nuôi 2 người con ăn học thì ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ, anh Kiên còn tranh thủ đi sửa điện nước cho người dân. Phải sau gần 3 thập kỷ cống hiến, mấy năm gần đây anh Dương Văn Kiên mới được nâng lương lên 7 triệu đồng/tháng.
“Nhiều người cứ tưởng công việc gác chắn rất nhàn hạ, tuy nhiên điều đó không đúng. Nếu chỉ một chút sơ sẩy thì lập tức nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và có thể mất đi một tính mạng. Vì vậy, trong giờ làm nhiệm vụ thì chúng tôi phải tập trung cao độ, làm theo đúng quy trình để tàu chạy. Làm công việc này, sự an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Khi mình cứu được tính mạng ai đó thì mới thấy công việc gác chắn quan trọng như thế nào”, anh Kiên nói.
Anh Kiên nhớ về một kỷ niệm khoảng 10 năm trước, khi đang làm nhiệm vụ thì anh thấy có một ông cụ băng qua đường sắt dân sinh đoạn ngã 3 Yên Lý. Thời điểm này có đoàn tàu chuẩn bị tới, mọi gác chắn đã được thiết lập vì vậy anh lập tức lao về phía cụ rồi ôm lấy nhảy ra khỏi đường ray. Ông cụ khi đó chẳng hiểu điều gì xảy ra, nhưng khi thấy tàu đi qua thì ông mới hoàn hồn và không ngớt lời cảm ơn.
Nhớ về vụ cứu một tai nạn thảm khốc trước đó, anh Kiên kể: “Năm 2015, tại đoạn đường dân sinh cắt ngang đường sắt địa phận xã Diễn Yên, có một chiếc xe tải bị mắc kẹt ngay trên đường sắt. Trong khi đó, có đoàn tàu từ Bắc vào Nam đã xin tín hiệu bắt đầu qua đoạn đường này. Lúc đó tôi cũng phải chạy ngược về phía đoàn tàu khoảng 100m để xin tín hiệu dừng tàu khẩn cấp, tránh có tai nạn xảy ra. Thời điểm chiếc xe tải được cẩu đi khỏi đường sắt, đoàn tàu tiếp tục lăn bánh hướng về sân ga, thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm”. Nói về người gác chắn này, ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, đây là lần thứ 3 anh Dương Văn Kiên cứu đoàn tàu thoát khỏi nguy hiểm.
Vào năm 2003 và 2015, khi đang là nhân viên gác chắn cung đường sắt Yên Lý, anh cũng nhanh trí, cứu tàu khách SE8 để tránh không va chạm với chiếc xe tải chết máy dừng trên đường ray. Trước tinh thần dũng cảm, làm việc đầy trách nhiệm của anh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tặng bằng khen “Nhân viên gác chắn có thành tích xuất sắc trong đảm bảo an toàn chạy tàu”. Không những thế, anh Kiên còn được tổng công ty CP Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh khen ngợi “Kiện tướng an toàn chạy tàu cấp ngành”. “Nhờ sự nhanh trí của anh Dương Văn Kiên mà đoàn tàu AH1 đã hãm phanh khẩn cấp, giảm tốc độ kịp thời, tránh được tai nạn thảm khốc. Hành động của anh Kiên rất đáng biểu dương, khen ngợi. Đây là một tấm gương, một người lao động chăm chỉ, một nhân viên mẫn cán của công ty. Chúng tôi đang xem xét để biểu dương hành động này”, ông Hùng nói.