+Aa-
    Zalo

    Ngôi sao Sài Gòn chấp nhận làm tỳ nữ dâng rượu trên đất Pháp để nuôi dưỡng đam mê

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Định mệnh an bài thì khó lòng tránh né và Kim Cương trở thành “kỳ nữ” nổi danh ở Sài Gòn như lẽ đương nhiên

    Trước sự bạc bẽo của nghề hát, má của NSND Kim Cương quyết không cho con gái theo nghiệp. Thế nhưng, định mệnh an bài thì khó lòng tránh né và Kim Cương trở thành “kỳ nữ” nổi danh ở Sài Gòn như lẽ đương nhiên. Nhưng mấy ai biết, “kỳ nữ” ấy yêu nghề đến độ chấp nhận diễn vai “cô gái dâng rượu” trong nhà hàng ở Pháp, chỉ để học thêm kiến thức phục vụ sân khấu.

    “Kỳ nữ” Kim Cương nổi danh Sài thành

    Quả thật, sau khi ba của nghệ sĩ Kim Cương mất, má con bà thực sự lao đao, liên tục gặp bất trắc. “Vừa mở cửa mả cho ba tôi xong, cả nhà phải chạy loạn. Gánh hát của ba tôi tan tác, nhiều người bỏ đoàn, chỉ còn khoảng 15 người theo má con tôi chạy loạn khắp nơi. Suốt 6 tháng trời di chuyển liên tục, tôi nhớ chuỗi ngày đó thật nặng nề, ảm đạm. Cảnh người chết, nhà cháy, mọi thứ xác xơ cứ hiện mãi trong tâm trí tôi”, NSND Kim Cương nhớ lại.

    Bà nhớ: “Má còn mặc áo tang, tay kéo 3 chị em tôi chạy loạn cùng các nghệ sĩ của đoàn Đại Phước Cương. Không có ba, một mình má điều khiển chiếc thuyền gia đình chòng chành trong cơn sóng dữ. Để duy trì cuộc sống, má bán hết thứ này đến thứ khác. Cân đai áo mão cũng được má đem bán đi để đổi lấy gạo. Những y trang sân khấu bằng nhung mà má cất giữ kỹ càng cũng đem ra đổi lấy khoai mì. Cuối cùng, khi không còn gì bán được, má đau đớn bán đi tấm màn nhung có chữ Phước Cương. Má khóc nghẹn, chị em tôi ôm má khóc theo”.

    Kỳ nữ Kim Cương năm 19 tuổi.

    Trong cơn bĩ cực, bà Bảy Nam nhận được tin chị gái (Năm Phỉ) đang tìm cách liên lạc để đưa mẹ con bà về Sài Gòn. Sau một năm trời khổ ải, cuối cùng gia đình nữ nghệ sĩ cũng thấy được ánh sáng cuối đường hầm. Cảm giác được trở về Sài Gòn, được ấm cúng bên những người thân yêu khiến ai cũng hồ hởi. Từ đây, nghệ sĩ Kim Cương bắt đầu cuộc sống mới trong căn biệt thự xa hoa, nhưng không có má bên cạnh.

    “Má và mọi người lập gánh hát mới. Việc lưu diễn nhiều nơi khiến má phải chọn để tôi ở lại nhà má Năm Phỉ. Cuộc sống sung túc, nhiều người thương yêu, nhưng tôi chẳng thấy vui vẻ. Để ngăn không cho tôi theo nghề hát, năm 1948, má cho tôi vào học ở trường dòng Thiên Phước. Thời gian học ở trường dòng, tôi như con thú hoang bị cầm tù, lúc nào cũng chực chờ để sổ lồng vùng vẫy”, nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ.

    Và cái ngày “sổ lồng” cũng tới, mùa hè năm 19 tuổi, bà thi rớt Tú tài 2. Bà buồn bã nên khăn gói đi thăm má và đoàn hát ở Châu Đốc. Sau một tuần lưu lại đoàn hát ở, bỗng một ngày, bà thấy không khí đoàn hát thật căng thẳng.

    Nghệ sĩ Kim Cương hồi tưởng: “Đêm đó, trong lúc đoàn đang diễn thì bỗng nhiên có súng nổ ở phía xa xa. Đoàn hát được lệnh phải đóng cửa rạp để giữ khán giả không ra ngoài, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Để mọi người không hoảng loạn, đêm diễn vẫn tiếp tục. Tiếng súng nổ mỗi lúc một gần, mỗi lúc một lớn. Đoàn hát phải cố hát to hơn, hay hơn để khán giả không chú ý đến tình hình chiến sự bên ngoài. Cuối cùng, vở hát đã đến hồi kết nhưng tiếng súng vẫn chưa dứt. Khán giả không thể ngồi mãi trong rạp. Má tôi suy nghĩ một lúc rồi quyết định cho diễn viên lần lượt ra sân khấu... chờ tiếng súng kết thúc.

    Các cô chú trong đoàn lần lượt ra sân khấu cho đến khi không còn ai có thể hát thêm được nữa. Trong khi đó, tình hình vẫn chưa ổn định. Má nhìn tôi lo lắng. Má hỏi tôi có biết hát bài nào không. Tôi nói biết hát bài Nụ cười sơn cước. Má ngập ngừng vài giây rồi nói: “Kim Cương con ra đi”. Vậy là hơn 10 năm xa sân khấu với nỗi nhớ dai dẳng, tôi đã trở lại sân khấu. Tiếng hát lúc này mang phận sự giữ chân người và tôi hát say sưa. Những hào hứng của ngày thơ ấu trong tôi sống lại”.

    Về Sài Gòn, nghệ sĩ Bảy Nam bàn với soạn giả Duy Lân viết riêng cho Kim Cương một vở. Không lâu sau, soạn giả Duy Lân cho ra đời vở Giai nhân và Ác quỷ dành riêng cho nữ nghệ sĩ 19 tuổi. Ngay lập tức, vai diễn của Kim Cương nổi đình nổi đám trong giới Cải lương. Báo chí thời đó khen ngợi Kim Cương hết lời, xem bà như một hiện tượng. 19 tuổi, bà có bản lĩnh diễn xuất hơn người. Lúc đó, trên tờ báo Tiếng dội, ký giả Nguyễn Ang Ca ưu ái đặt cho nghệ sĩ Kim Cương biệt danh “kỳ nữ”.

    Chọn làm tỳ nữ, quyết không múa thoát y

    Năm 1963, khi đang nổi đình nổi đám ở Sài thành, nghệ sĩ Kim Cương và NSND Phùng Há được ông Phạm Văn Mười mời sang Pháp biểu diễn ở nhà hàng của ông. “Lúc đó, tôi đang có nhiều chuyện muộn phiền nên lời mời như cái phao cứu sinh có thể giúp tôi vơi bớt phần nào. Thứ nữa, tôi cũng muốn sang Pháp để học thêm về sự phát triển của sân khấu xứ người. Bỏ lại hào quang, tôi tập làm một sinh viên trên nước Pháp và đêm đêm biểu diễn ở nhà hàng để kiếm tiền trang trải”, nữ nghệ sĩ nhớ lại.

    Ban đầu, bà và nghệ sĩ Phùng Hà rất được ông chủ nhà hàng ưu ái bởi những trích đoạn như: Phụng Nghi Đình, Đắc Kỷ Trụ Vương... được nhiều thực khách thích thú. Ngoài giờ biểu diễn, bà tập trung nhiều cho việc học và có mặt ở hầu hết các rạp hát của Paris. Sau đó vài tháng, bà quyết định đưa em gái sang Pháp học ngành quang tuyến. Để có tiền cho em ăn học, bà quyết định rời khỏi căn phòng sang trọng của nhà hàng để đổi lấy một số tiền. Hai chị em cố gắng sống trong căn gác ở tầng 5 của một chung cư cũ, ăn uống tằn tiện.

    Kỳ nữ Kim Cương trong vở "Đôi mắt huyền"

    Một năm trôi qua, công việc của bà có nhiều trở ngại. Nghệ sĩ Phùng Há về nước, còn lại một mình bà tự xoay xở. Tuy nhiên, dù bà cố gắng đổi mới thế nào, những trích đoạn diễn mãi suốt 2 năm cũng nhàm chán với khán giả ở nhà hàng. Ông chủ có ý không hợp tác với nữ nghệ sĩ nữa. Bà nhớ lại: “Một hôm, ông chủ nhà hàng mời tôi đến. Ông nghiêm túc nói với tôi, những tiết mục tôi diễn đã thưa khách. Nhằm giảm bớt chi phí cho nhà hàng, ông yêu cầu tôi sau khi biểu diễn ở sân khấu, nên ở lại đến hết giờ để hóa thân thành tỳ nữ rót rượu cho khách. Đây là một tiết mục nhỏ được xây dựng để tạo ấn tượng cho nhà hàng. Tôi cảm thấy tự ái khi nghe lời đề nghị ấy, nhưng tôi cố nén cảm xúc và nói đến cuối tháng tôi sẽ trả lời”.

    Sau ngày hôm đó, bà quyết tâm tìm việc làm mới để không phải làm tỳ nữ rót rượu. Thế nhưng, nhiều nơi bà tìm đến đều yêu cầu nữ nghệ sĩ phải múa thoát y hoặc uống rượu cùng khách. Chán nản, bà muốn ngay lập tức về Việt Nam. Tuy nhiên, bà không muốn từ bỏ khát khao học tập những tinh hoa nghệ thuật của nước bạn. “Tôi không thể múa khêu gợi, lại càng không thể cợt nhả với khách để uống từng ly rượu. Nhiều khi, tôi muốn nhờ đến sự giúp đỡ của những người theo đuổi mình nhưng tôi đã không làm như thế. Bởi, tôi biết không ai cho không ai điều gì. Thế là, tôi chấp nhận hóa thân thành tỳ nữ dâng rượu để tiếp tục duy trì cuộc sống trên đất Pháp”, nữ nghệ sĩ xót xa kể lại.

    Đêm đầu tiên bà xuất hiện trong màn hóa thân ấy, mọi chuyện thật khó khăn. Nhiều thực khách là người Việt tỏ vẻ không chấp nhận được khi nhìn bà – một ngôi sao ở Sài Gòn – lại phải hóa thân làm tỳ nữ bên xứ người. Nhân viên nhà hàng nhìn bà với ánh mắt thương hại, có người đã khóc và nghĩ bà đã tuột dốc trên con đường nghệ thuật.

    “Riêng tôi, tôi thấy mình đang trên đỉnh vinh quang. Tôi đã chiến thắng bản thân và cảm thấy cái nhục ấy chỉ là tạm bợ. Tôi chấp nhận hóa thân thành tỳ nữ dâng rượu để không phải múa thoát y. Tôi quen dần với tiết mục cô gái dâng rượu. Và, tiết mục tôi lại trở thành màn biểu diễn được trông đợi nhất mỗi đêm. Một nô tỳ lại được săn đón nồng nhiệt”, nghệ sĩ Kim Cương tự hào.

    Nhờ những ngày tháng ấy, Kim Cương đã học và tiếp thu rất nhiều kiến thức hữu ích. Và đó là nền tảng để bà phát triển đoàn Kim Cương thành đoàn hát đầu tiên diễn kịch nói ở miền Nam.

    NSND Kim Cương luôn quan tâm tới các anh em nghệ sĩ khó khăn.


    Tác giả của nhiều vở kịch nổi tiếng

    Ban đầu, NSND Kim Cương dùng bút danh Hoàng Dũng để sáng tác kịch nói. Những kịch bản như Lá sầu riêng, Trà Hoa nữ, Dưới hai màu áo, Cánh hoa tàn... nhanh chóng được dàn dựng và khán giả cực kỳ yêu thích. Về sau, khi được khán giả đón nhận nồng nhiệt, nữ nghệ sĩ tự tin ký tên Kim Cương dưới mỗi kịch bản. Với sức viết và vốn sống dồi dào, nữ nghệ sĩ cho ra đời rất nhiều kịch bản. Cho nên, Kỷ lục Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam thuộc về bà rất thuyết phục.

    N.L
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 61
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngoi-sao-sai-gon-chap-nhan-lam-ty-nu-dang-ruou-tren-dat-phap-de-nuoi-duong-dam-me-a272896.html
    Sự kiện: Giải trí 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan