Võ Tắc Thiên (624-705) là nữ Hoàng đế duy nhất suốt hàng ngàn năm lịch sử phong kiến Trung Quốc. Bà vốn là phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau đó lại trở thành Hoàng hậu của Cao Tông Lý Trị và sau đó tự bước lên ngôi vị Hoàng đế, lập ra nhà Võ Chu.
Trước khi chết, theo di nguyện, người phụ nữ quyền lực nhất Trung Hoa mong muốn được an táng chung với Đường Cao Tông trong Càn Lăng, tọa lạc trên núi Lương Sơn huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Nó là một trong những lăng mộ hoành tráng nhất từng được tìm thấy tại Trung Quốc và ẩn chứa vô vàn bí ẩn mà hiện nay chưa thể khám phá.
Quy mô lớn
Càn Lăng được đánh giá có quy mô lớn khi được xây dựng từ năm 684, tuy nhiên, ròng rã trong suốt 23 năm mới hoàn thành. Khuôn viên của lăng vô cùng rộng lớn khi bao gồm đầy đủ các khu vực hoàng thành, cung thành và ngoại quách mô phỏng thành Trường An.
Đường trục chính của lăng dài tới 4,9km, chu vi cung thành là 19km, chu vi ngoại thành khoảng 130km và sân trong của lăng gồm 308 phòng. Quãng đường từ cổng lăng đi vào cửa hầm mộ dài 631m được lát đá lớn. Tổng diện tích lăng mộ khoảng 2,3 triệu mét vuông.
Lăng mộ chứa hơn 500 tấn vàng
Càn Lăng là nơi hợp táng của 2 vị Hoàng đế, được xây dựng trong thời kỳ đất nước thịnh trị, sung túc nên chắc chắn nó không chỉ có quy mô hoành tráng mà còn chôn vô cùng nhiều vàng bạc kho báu.
Các nhà sử học và khảo cổ tin rằng bên dưới mộ của 2 chủ nhân là một kho báu khổng lồ. Có giả thuyết cho rằng Hoàng đế Đường Cao Tông đã được chôn cùng với 1 phần 3 số tài sản quốc gia lúc bấy giờ. 20 năm sau, Võ Tắc Thiên băng hà cũng được chôn với 1 phần 3 số tài sản khi đó. Tổng cộng, ước tính số ngọc ngà châu báu trong lăng mộ có thể lên đến 500 tấn.
Chính vì chứa gia tài khủng khiếp thế nên Càn Lăng không ít lần bị nhòm ngó. Đỉnh điểm, theo sử sách ghi lại, tại đây đã có ít nhất 17 cuộc trộm mộ quy mô lớn nhưng kết cục của những kẻ tham lam đều là cái chết. Điều đó càng dấy lên nghi vấn Càn Lăng có một lời nguyền "bất khả xâm phạm" cũng như có một hệ thống bẫy đề phòng kẻ trộm mộ đã được xây dựng một cách tài tình.
Thế nhưng kho báu dưới mộ Nữ đế và Cao Tông cụ thể hoành tráng, xa hoa đến thế nào thì các nhà khoa học đến hôm nay vẫn chưa có câu trả lời. Sau 1300 năm, người ta vẫn chưa khai quật mộ của 2 Hoàng đế vì lý do đơn giản là... không dám.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, để khai quật được Càn Lăng, cần phải được trang bị đầy đủ cả về kiến thức cũng như công nghệ để bảo tồn cổ vật trước khi tiến hành công tác. Bởi các nhà khảo cổ học cho rằng, nếu mạo hiểm khai quật lăng mộ, những cổ vật hơn 1.300 năm trong lăng mộ này sẽ có thể bị phân hủy ngay lập tức một khi chúng được đưa ra bên ngoài và tiếp xúc với không khí.
Chỉ duy nhất 1 người biết lối vào Càn Lăng
Lăng mộ chứa kho báu to lớn như vậy nhưng chỉ có duy nhất một người biết lối vào. Đó là ông Ngô, một người đàn ông 68 tuổi.
Theo lời kể, tổ tiên của ông người canh giữ lăng mộ. Thời xưa, mỗi một hoàng lăng đều sẽ có người canh giữ. Nhiệm vụ của họ là từ đời này sang đời khác canh giữ và bảo vệ không để hoàng lăng bị khai quật hoặc bị trộm.
Hơn 1.000 năm qua, nhiệm vụ canh giữ Càn Lăng đã truyền qua nhiều đời, và hiện tại ông Ngô là người canh giữ. Ông sống trong một ngôi làng ở gần Càn Lăng. Theo lời ông Ngô kể, đến nay ông vẫn giữ thói quen ngày ngày đi tuần quanh lăng mộ. Điều khác biệt duy nhất chỉ là công cụ được thay từ đèn dầu thành đèn pin kèm theo một cây gậy tự chế mà thôi.
Ông lão nhấn mạnh rằng, lối vào Càn Lăng chỉ được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác nên cho đến nay cả làng chỉ còn mình ông biết lối vào lăng mộ.
Phương Linh (T/h)