Ngoại trưởng Nga cho biết, chiến lược của phương Tây đang gây ra làn sóng khủng bố và dòng người tị nạn gia tăng.
"Giờ đây, phương Tây đang đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến lớn theo đúng nghĩa đen", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hôm 6/11.
"Các kết quả khác của chính sách như vậy là sự gia tăng khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, huỷ hoại số phận nhiều người, khiến nhiều gia đình ly tán, cũng như làm bùng nổ dòng người tị nạn ồ ạt", ông Lavrov cho biết thêm.
Ông Lavrov tiếp tục lập luận, phương Tây đã áp dụng cách tiếp cận này ở cả Ukraine, Iraq, Libya và Syria. Ông cho rằng phương Tây đã quen với việc "giải quyết vấn đề theo hướng khiến của người khác bị tổn thương, khai thác tài nguyên của họ".
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, phương pháp được Mỹ và các đồng minh sử dụng đang gieo rắc sự hỗn loạn ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, thúc đẩy xung đột giữa các quốc gia và các dân tộc, làm trầm trọng thêm căng thẳng liên tôn giáo và sắc tộc.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ và các vệ tinh của Mỹ đang được hưởng lợi từ xung đột ở Trung Đông và các khu vực khác trên thế giới.
Ông Putin cáo buộc và chỉ trích Mỹ khi cử nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực gây căng thẳng ở Trung Đông. Ông Putin cáo buộc Mỹ bỏ qua tiến trình đã được thiết lập để giải quyết xung đột Israel - Palestine, thay vào đó Washington tự mình giải quyết vấn đề, song không có kết quả.
Lãnh đạo Nga cho biết, Washington đã gây áp lực để các bên đi theo giải pháp của họ, và "chưa bao giờ tính đến lợi ích cốt lõi của người dân Palestine".
Tính đến 6/11, giao tranh giữa Hamas và Israel đã bước sang ngày ngày thứ 31 khiến hơn 11.000 người thiệt mạng, hơn 31.000 người bị thương ở cả hai bên.
Sau khi Hamas đột kích miền nam nước này gây thương vong lớn, lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phong tỏa và tập kích Gaza từ ngày 7/10. Chiến dịch tấn công trên bộ được đẩy mạnh từ hôm 27/10, khi Israel tăng cường không kích và điều binh sĩ, xe tăng vào dải Gaza.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Antony Blinken đã tới Israel, Jordani, Bờ Tây, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ trong ba ngày vừa qua. Chuyến công du Trung Đông lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng của ông Blinken phản ánh nỗ lực của Mỹ nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột này.
Ông Blinken liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của một khoảng dừng nhân đạo để tăng cường hỗ trợ cho người dân Gaza đang trong tình cảnh cùng cực, dù vẫn còn những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và các đồng minh Arab về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: "Dù rằng có nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt là về vấn đề ngừng bắn, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, từ cuộc trò chuyện của tôi với tất cả các đồng nghiệp có mặt ở Amman rằng, mọi người sẽ hoan nghênh một khoảng dừng nhân đạo, bởi vì nó sẽ thúc đẩy những điều mà tất cả chúng ta đang cố gắng hoàn thành, bao gồm cả việc giải cứu các con tin và tăng cường viện trợ cho Gaza, cũng như việc đưa người ra khỏi Gaza".
Nhật Minh (T/h)