Cô giáo Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiếng Anh, trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ đã trở thành đại diện lọt vào top 50 giáo viên toàn cầu 2020.
Cô Hà Ánh Phượng. |
Cô Phượng sinh ra ở tỉnh trung du miền Bắc, nơi có tỷ lệ đói nghèo cao và nông nghiệp là nghề sản xuất chính. Sau khi xem một bộ phim Việt Nam nói về giáo viên đi đến từng nhà học sinh ở vùng núi thuyết phục phụ huynh cho con đi học, cô quyết định phải trở thành giáo viên dạy tiếng Anh và quay về đổi mới giáo dục quê nhà. Cô đã làm điều đó ngay sau khi nhận bằng thạc sĩ tiếng Anh.
Hiện, cô Phượng dạy tại trường THPT Hương Cần ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), nơi 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội thực hành tiếng Anh với người nước ngoài. Cô đã xây dựng và sử dụng mô hình lớp học không biên giới, kết nối học sinh với các trường trên toàn thế giới thông qua Skype. Một số sáng kiến của cô đã cải thiện đáng kể kết quả học tập của học sinh.
Cô giáo người Mường còn dạy trực tuyến cho học sinh ở bốn châu lục, gồm châu Á, Phi, Âu, Mỹ và là thành viên tích cực của cộng đồng Microsoft toàn cầu.
Giờ đây, ngồi trong lớp, học trò của cô Phượng có thể tự tin giới thiệu về những nét văn hoá đặc trưng của người Mường với một thầy giáo Mỹ, nhưng đó không phải là cách giao tiếp truyền thống mà thông qua một buổi học trực tuyến ở hai điểm cầu là Washington và một xã miền núi của Việt Nam.
Học trò của cô cũng không ngần ngại đứng lên thuyết trình trong buổi báo cáo dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Đó cũng là một giờ học kết nối hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục. Trong tiết học này, các em đã mang đến những sản phẩm được làm từ chiếc ống hút tre và giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm ấy để lan toả tới các bạn bè quốc tế.
Cô giáo Phú Thọ cũng cho rằng, việc đưa giáo dục “xuyên biên giới” giờ đây không còn quá nhiều rào cản. Chỉ với một chiếc laptop được kết nối mạng, giáo viên hoàn toàn có thể đưa học sinh “tới năm châu” mà chi phí không hề tốn kém.
Trong tương lai, cô giáo trẻ mong muốn sẽ phát triển một kênh Youtube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh và chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn, đồng thời tích cực cho ra đời nhiều dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững.
Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey (Varkey Foundation) thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 30.000 hồ sơ, năm nay chưa công bố). Một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD.
Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) vào top 50.
Thanh Tùng (T/h)