+Aa-
    Zalo

    Nghiên cứu mức lương, chế độ hợp lý cho giáo viên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bên lề phiên họp Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ nhiều ý kiến xung quanh mức lương, chế độ của giáo viên

    Ngày 1/11, bên lề phiên họp Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ nhiều ý kiến xung quanh mức lương, chế độ của giáo viên, đặc biệt đối với bậc mầm non.

    Người thầy trong bất kỳ thời đại nào cũng cần được tôn vinh

    Vấn đề về thu nhập, tiền lương và các chế độ trong ngành giáo dục đã bàn đến từ lâu và được xã hội rất quan tâm. Thời gian gần đây, dư luận lại xôn xao về trường hợp cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh sau 37 năm công tác, khi về hưu chỉ được nhận 1,3 triệu đồng tiền lương. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, mức lương như vậy là quá thấp, khó có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống trong điều kiện hiện nay.

    Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

    Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, truyền thống của đất nước ta từ xa xưa luôn có hai người thầy được nhân dân tôn trọng nhất, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Ngày xưa, giáo viên được coi là những người tài nhất. Ngoài sự tôn trọng về tinh thần, những người thầy còn phải được hưởng thụ về mặt vật chất.

    Đại biểu cho rằng, trong bất kỳ thời đại nào, người thầy vẫn luôn cần được tôn vinh và hưởng những chế độ về mặt vật chất một cách xứng đáng. Để nâng cao đời sống cho giáo viên, nhất là ở bậc mầm non, theo ông Dương Trung Quốc, rất cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Việc điều chỉnh tiền lương cho giáo viên phải coi là bài toán tổng thể, được sự đồng thuận của toàn xã hội. Nhà nước phải đầu tư về trường – sở, có như thế chúng ta mới gặt hái được tương lai tương xứng; cần quan tâm tới ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng theo đúng nghĩa, quan trọng là xây dựng được một cơ chế. Từ cơ chế đó, xây dựng một hệ thống giá trị xã hội và trên cơ sở đó mới có thể trở thành đạo lý. Thực hiện tốt điều này, theo đại biểu Dương Trung Quốc, đó không phải là mới mẻ mà chỉ trở lại với những đạo lý truyền thống vốn có của dân tộc mà thôi.

    Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, nhà giáo là người đào tạo ra đội ngũ trí thức trong tương lai, nên việc xem xét lại chế độ tiền lương, thu nhập của giáo viên là rất cần thiết nhằm tạo sự công bằng cũng như thu hút người tài đến với ngành giáo dục. Thời gian tới, Quốc hội cần xem xét lại lương của nghề giáo, nhất là đối với giáo viên mầm non; với mức lương của một giáo viên mầm non về hưu như vậy đã thỏa đáng chưa để tìm ra phương án giải quyết hợp lý.

    Cần có đột phá trong bậc học mầm non

    Liên quan đến lương của cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Đại biểu cho biết, xét về pháp luật, việc trả lương 1,3 triệu đồng cho cô giáo Trương Thị Lan không sai. Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, cô Lan thực chất đi dạy 35 năm, nhưng trước đó chỉ đi dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp của người dân, công điểm. Số năm đóng bảo hiểm của cô Lan là 22 năm 8 tháng.

    Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân của các năm đóng bảo hiểm xã hội là 1,8 triệu đồng, làm căn cứ bảo hiểm xã hội. Khi cô Lan về hưu là 22 năm, tương đương với 69%, tính trên mức đóng bình quân của 22 năm. Như vậy, lương hưu của cô giáo chỉ được 1.270.000. Theo quy định, tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà về hưu, lương thấp hơn mức lương cơ sở, sẽ được bằng lương cơ sở. Như vậy, mức lương 1.300.000 đồng của cô giáo Lan là hoàn toàn đúng theo quy định.

    Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, mức lương chung của ngành giáo dục hiện nay là thấp và Trung ương đang tiến hành khảo sát cải cách chế độ tiền lương, nên sẽ tính theo cách đóng bảo hiểm cao hơn và dài hơn để được hưởng cao hơn.

    Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, trường hợp của cô giáo Lan cho thấy nhiều bất cập trong ngành giáo dục, nhất là vấn đề về thu nhập. Theo đại biểu, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có bước đột phá trong công tác giáo dục mầm non, thông qua các giải pháp nhằm nhận thức đúng vị trí bậc học nền tảng và đặc biệt quan trọng này. Ngành giáo dục Việt Nam cũng cần học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển rất coi trọng giáo dục sớm, có nguồn nhân lực chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Israel...

    Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

    Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất ngành giáo dục nghiên cứu tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non; đổi mới về nội dung, cách thức và mô hình giáo dục trẻ; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cô nuôi dạy trẻ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới, hướng đến quyết tâm không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh. "Giáo viên mầm non vừa sử dụng trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ, nhưng đồng thời họ phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành trẻ, họ rất xứng đáng để được nhận đồng lương cao hơn", đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghien-cuu-muc-luong-che-do-hop-ly-cho-giao-vien-a207575.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan