Sức “nóng” của tiền điện tử Bitcoin “len lỏi” vào bàn nghị sự sau khi NHNN công bố chưa công nhận đồng tiền này là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng nay (1/11), đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu ra sự kiện đại học FPT dự kiến thu học phí sinh viên nước ngoài bằng đồng tiền điện tử Bitcoin và bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) "tuýt còi". Trong khi đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý tiền ảo, tiền điện tử.
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam (Ảnh minh họa: KT) |
Sớm luật hóa giao dịch Bitcoin
Ông Nhường đề nghị Chính phủ sớm tìm lời giải cho đồng tiền kỹ thuật số này trong bối cảnh hoạt động mua bán đang diễn ra nhộn nhịp. Một số nước đã công nhận tiền kỹ thuật số/tiền điện tử là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan…
Đại biểu Lê Công Nhường cũng kiến nghị Chính phủ chấp nhận cho Đại học FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài trong một thời gian nhất định để giúp xây dựng đề án của Thủ tướng một cách tốt hơn.
Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường. |
Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TP HCM) đã đề xuất Việt Nam nên sớm luật hóa giao dịch Bitcoin để giám sát giao dịch dân sự đã tồn tại thực tế và có thể thu thuế.
Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM, dẫn thực tế hiện nay các giao dịch mua bán Bitcoin vẫn diễn ra, dù có hay không có luật. Như vậy, theo ông Quốc, có giao dịch đồng nghĩa với phát sinh doanh thu, vậy Nhà nước phải tính chuyện quản lý, thu thuế.
Ngoài ra, có sự phát sinh thương mại giữa người với người trong mối giao dịch liên quan đến đồng tiền này nên chúng ta phải quản lý để đảm bảo quyền tự do thương mại, tự do kinh doanh của người dân, từ đó cho thấy phải hình thành pháp lý để quản lý đồng tiền ảo này, ông Phạm Phú Quốc cho biết.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ có chức năng thanh toán, nhưng không cấm việc mua bán, sở hữu dưới dạng tài sản ảo, người dân có thể mua và sở hữu Bitcoin.
Dự báo “sốc” về Bitcoin
Trên thực tế, đồng tiền ảo Bitcoin đang tăng giá với mức chóng mặt, từ đầu năm tới nay đã tăng tới hơn 600%. Xét về tổng giá trị vốn hóa, Bitcoin hiện còn “vượt mặt” cả những ngân hàng lớn của Phố Wall (Wall Street).
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Barry Eichengreen trên kênh CNBC, các loại tiền ảo do ngân hàng trung ương phát hành sẽ đóng vai trò trong nền kinh tế. Nó khác với tiền ảo, những đồng tiền ẩn danh. Tiền kỹ thuật số thay thế đầu tiên của ngân hàng trung ương sẽ giúp giao dịch trở nên hiệu quả hơn, trong khi các loại tiền ảo khác chỉ là phương tiện cho hoạt động bất hợp pháp.
Bitcoin giờ đây đã bắt kịp giá trị của ngân hàng Goldman Sachs (Ảnh minh họa: KT) |
Trong khi đó ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan Chase, thì vẫn coi Bitcoin là “trò lừa đảo”. Còn nhà phân tích đầu tư Ronnie Moas, nhà sáng lập kiêm giám đốc Standpoint Research lại đưa ra dự báo “sốc” rằng trong 5 năm tới, đồng tiền ảo có giá trị cao nhất thế giới, có thể vượt giá trị vốn hóa của Apple.
Ông Ronnie Moas đã từng dự báo giá Bitcoin đạt 5.000 USD khi đồng tiền này vẫn còn đang được giao dịch ở mức 2.600 USD.
Mới đây, "ông trùm" Phố Wall Mike Novogratz cũng đưa ra dự báo sốc rằng tiền số Bitcoin có thể chạm mốc 10.000 USD trong vòng 6 đến 10 tháng tới.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia và ngân hàng trung ương còn đang hết sức thận trọng về Bitcoin thì giá trị đồng tiền ảo này vẫn vượt mốc kỷ lục 6.000 USD. Giá Bitcoin chốt lại tháng 10/2017 với mức giá mỹ mãn khoảng 6.076 USD/Bitcoin và ghi nhận mức tăng cao nhất của đồng tiền ảo kể từ đầu năm. Mở cửa giao dịch hôm nay (1/11), giá Bitcoin đã leo lên mức 6.405,53 USD, vốn hóa thị trường đang ở ngưỡng gần 106 tỷ USD.