Theo SciTechDaily, nghiên cứu gần đây của Đại học Tel Aviv (TAU) đã chỉ ra tập thể dục aerobic có thể giúp giảm đến 72% nguy cơ phát triển ung thư di căn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tập thể dục aerobic cường độ cao làm tăng mức đọ tiêu thị glucose (đường) của các cơ quan nội tạng, từ đó giảm lượng năng lượng dành cho khối u.
Giáo sư Carmit Levy ở khoa Di truyền và Sinh hóa người và Tiến sĩ Yftach Gepner thuộc Trường Y tế Công cộng – Viện Thể thao Sylvan Adams trực thuộc khoa Y Sackler của TAU đã tiến hành nghiên cứu. Nghiên cứu này đã được công bố trên trang bìa của Tạp chí Cancer Research.
“Các nghiên cứu đã chứng minh việc tập thể dục giúp giảm đến 35% nguy cơ mắc một số loại ung thư. Tác động tích cực này tương tự như tác động của tập thế dục với các tình trạng sức khỏe khác, ví dụ như bệnh tim và tiểu đường.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã phát hiện khía cạnh mới. Cụ thể, bài tập thể dục cường độ cao, tiêu thụ năng lượng từ đường có thể giảm tới 72% nguy cơ ung thư di căn.
Nếu cho đến nay thông điệp chung là hãy năng động, hãy khỏe mạnh thì chúng tôi có thể giải thích cách mà hoạt động thể dục có thể tối đa hóa việc ngăn ngừa các loại ung thư di căn và ác tính nhất”, hai tác giả của nghiên cứu chia sẻ.
Nghiên cứu đã kết hợp một mô hình động vật, trong đó những con chuột được huấn luyện thói quen tập thể dục nghiêm ngặt với dữ liệu từ các tình nguyện viên khỏe mạnh trước và sau khi chạy.
Dữ liệu từ 3.000 người thu được từ một nghiên cứu dịch tễ học trong khoảng 20 năm cho thấy ung thư di căn ít hơn 72% ở những người thường xuyên tập thể dục aerobic ở cường độ cao, so với những người không tập thể dục.
Mô hình động vật cho kết quả tương tự, đồng thời cho phép các nhà nghiên cứu xác định cơ chế cơ bản. Khi lấy mẫu các cơ quan nội tạng của động vật khỏe mạnh trước và sau khi tập thể dục cũng như sau khi tiêm ung thư, họ phát hiện hoạt động thể dục aerobic giúp giảm đáng kể sự phát triển của các khối u di căn ở hạch bạch huyết, phổi và gan. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng ở cả người và mô hình động vật, kết quả có lợi nói trên có liên quan đến việc tăng tốc độ tiêu thụ glucose do tập thể dục.
Giáo sư Levy nói: “Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu tác động của việc tập thể dục đối với các cơ quan nội tạng thường phát triển di căn như phổi, gan và hạch bạch huyết.
Khi kiểm tra các tế bào trong các cơ quan này, chúng tôi nhận thấy số lượng thụ thể glucose tăng lên trong quá trình tập thể dục aerobic cường độ cao – tăng lượng glucose hấp thụ, biến các cơ qun thành cỗ máy tiêu thụ năng lượng hiệu quả, rất giống với cơ bắp”.
“Chúng tôi cho rằng điều này xảy ra do các cơ quan phải cạnh tranh nguồn đường với cơ bắp, được biết đến là sẽ đốt cháy lượng lớn glucose trong quá trình rèn luyện thể chất. Nếu ung thư phát triển, việc cạnh tranh glucose khốc liệt sẽ làm giảm khả năng cung cấp năng lượng rất quan trọng cho quá trình di căn. Bên cạnh đó, khi một người tập thể dục thường xuyên, tình trạng này sẽ kéo dài vĩnh viễn: mô của các cơ quan nội tạng thay đổi và trở nên giống mô cơ.
Chúng ta đều biết, thể dục thể thao rất tốt đối với sức khỏe. Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng thói quen tập thể dục thay đổi toàn bộ cơ thể, khiến ung thư không thể di căn và kích thước của khối u nguyên phát cũng thu nhỏ lại”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Trong khi đó, Tiến sĩ Gepner cho hay kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng không giống bài tập đốt cháy chất béo tương đối vừa phải, đây là hoạt động thể dục aerobic cường độ cao giúp ngăn ngừa ung thư. Nếu phạm vi cường độ tốt ưu để đốt cháy chất béo là 65-70% nhịp mạch tối đa thì đốt cháy đường đòi hỏi tới 80-85%, ngay cả khi chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Tiến sĩ Gepner nêu ví dụ là một phút chạy nước rút, sau đó là đi bộ rồi lại chạy nước rút. Theo vị chuyên gia này, trước đây những khoảng thời gian ngắn như vậy thường thấy nhất trong chế độ luyện của các vận động viên. Tuy nhiên hiện tại, họ phát hiện điều này trong các thói quen tập luyện khác, chẳng hạn như phục hồi chức năng tim, phổi.
Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Gepner và Giáo sư Levy cho thấy những người khỏe mạnh cũng nên thêm các bài tập cường độ cao vào chế độ tập luyện của mình.
“Chúng tôi tin rằng các nghiên cứu trong tương lai sẽ cho phép cá nhân hóa việc điều trị nhằm ngăn ngừa các loại ung thư cụ thể, với việc bác sĩ xem xét tiền sử gia đình để đề xuất hoạt động thể chất phù hợp. Cần phải nhấn mạnh rằng cho đến nay tập thể dục, với các tác dụng trao đổi chất và sinh lý đặc biệt, cho thấy mức độ phòng ngừa ung thư cao hơn bất cứ loại thuốc hoặc can thiệp y tế nào”, Tiến sĩ Gepner nói.
Đinh Kim(Theo SciTechDaily)