(ĐSPL) - Hiện nay, tình trạng nợ khó đòi, nợ xấu là một hiện tượng khá phổ biến trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ thời gian để chờ đợi, nên nhiều người đã đi thuê các công ty đòi nợ giùm. Thế nhưng đang có một nghịch lý là, từ một người chủ đi thuê họ lại trở thành con nợ của chính các công ty đó. Nguyên nhân vì sao?
Chủ nợ thành con nợ
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thạch Thảo, văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: "Trong quá trình hành nghề và tư vấn pháp luật, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Từ vị thế của một người đang là chủ nợ, nhưng khi thuê công ty đòi nợ đi đòi nợ giùm, chính chủ nợ lại trở thành con nợ của các công ty này".
Anh N.T.T. (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Mới đây, tôi có người anh cho người quen vay số tiền 500 triệu đồng đã lâu không đòi được nên thuê công ty đòi nợ. Sau khi thỏa thuận xong xuôi, hai bên thống nhất công ty đi thu nợ được hưởng 40\% hoa hồng của số tiền đòi được. Không hiểu họ làm thế nào mà bên nợ sợ quá đến gặp anh tôi xin trả trước 50\%. Còn lại sang tháng sẽ trả. Biết chuyện, phía công ty đòi nợ thuê quay lại đòi anh tôi số tiền 200 triệu đồng (tương đương 40\% số tiền cho vay). Quá hoảng, nhưng họ đe dọa, thậm chí, các đối tượng này còn không cho anh tôi thời gian để chuẩn bị tiền, yêu cầu phải trả ngay trong ngày. Thế là số tiền nhận được một nửa của bên nợ coi như mất trắng".
Một luật sư tại quận Gò Vấp cũng chia sẻ về một con nợ tương tự. Bà N.T.H. (ngụ Q.Bình Thạnh) cho một người bà con vay hơn 200 triệu đồng. Đòi mãi không được đành tìm đến một công ty đòi nợ thuê trên địa bàn quận với thỏa thuận 50\%. Khi có công ty đòi nợ tìm đến, người này tìm đến bà T. để xin trả mỗi tháng hai triệu đồng. Bà T. đành chấp nhận. Nhưng phía công ty đòi nợ đâu cho bà T. yên, họ yêu cầu bà phải trả ngay 100 triệu đồng, nếu không sẽ có chuyện. Đã không có tiền, vả lại cũng chưa lấy được tiền nợ, nay bà T. lại vướng vào khoản nợ 100 triệu đồng với công ty đòi nợ. Không còn cách nào khác, bà T. bèn tìm đến trung tâm trợ giúp pháp lý để được tư vấn".
Sở dĩ có tình trạng trên là do người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật và tin vào những công ty đòi nợ thuê làm ăn theo kiểu xã hội đen. Theo khảo sát của PV, trên địa bàn TP.HCM hiện có hàng chục công ty hoặc tổ chức có chức năng đòi nợ thuê. Còn theo thống kê của cơ quan chức năng TP.HCM, tính đến cuối năm 2013, TP.HCM có khoảng 20 công ty có chức năng đòi nợ thuê hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này vẫn còn tồn tại hình thức đòi nợ theo kiểu "đao búa".
Anh N.H.H., hiện là bảo vệ cho một công ty tại quận Tân Phú, từng là một nhân viên đòi nợ thuê cho biết, có lần một chủ nợ chây ỳ, các nhân viên đậu xe trước cửa nhà từ sáng sớm. Khi thấy chủ nợ vừa bước ra khỏi nhà là tới chào hỏi. Chủ nợ sợ hàng xóm biết mắc nợ, nên lí nhí trả lời rồi bước đi. Đến chiều, khi chủ nợ chuẩn bị đi rước con thì đám nhân viên đòi nợ liền nhắn tin: "Chị ơi, bọn em đang đợi bé trước cổng trường".
Anh H. bảo, chỉ chừng đó là con nợ phải tìm mọi cách để trả tiền rồi. Cũng theo một luật sư, các đối tượng thu nợ có đủ chiêu để đạt hiệu quả. Với các công ty, họ chỉ cần đậu chiếc xe ô tô có dòng chữ "thu nợ..." từ sáng tới tối, ngày này qua ngày khác, trước cổng công ty khiến con nợ mất uy tín, khó làm ăn. Đó là chưa kể đến các biện pháp mạnh tay khác.
|
Ngày 8/8, TAND TP.HCM tuyên Lê Hoàng Anh phạm tội giết người (đổ xăng lên người rồi đốt làm nạn nhân thương tích 29\%) khi đi đòi nợ thuê với 9 năm tù. |
Tránh dân sự hóa các vụ án hình sự
Thực tế trong thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra không ít vụ việc đòi nợ thuê có bóng dáng của các băng đảng xã hội đen hoạt động. Cách đây chưa lâu, vụ băng nhóm Hùng "trắng" và Nhật "heo" hỗn chiến giành giật nhau trong việc đòi nợ thuê cho ông T. ở quận Bình Thạnh là một điển hình. Khi đó, ông T. cần đòi món nợ khoảng gần 4 tỉ đồng nên nhờ đến băng của Hùng "trắng". Tuy nhiên, trong một lần đòi được 50 triệu đồng song các đối tượng này chia nhau xài mà không trả cho ông N.. Biết chuyện, ông này lại thuê băng của Nhất "heo" đòi thay. Và chuyện đến tai Hùng, thế là hai bên quyết chiến. Sau đó, băng Hùng "trắng" đã bị lực lượng công an triệt phá.
Thế nên, nếu người dân không tỉnh táo mà rơi vào ma trận của các công ty đòi nợ thuê hoạt động kiểu này sẽ vô cùng tai hại. Chưa kể phí dịch vụ của loại hình này rất cao, dao động từ 25 - 50\% của món nợ. Tuy nhiên, để người dân không phải chọn con đường này, cần có cái nhìn đúng hơn về tình trạng kiện cáo trong đòi nợ. Luật sư Thảo cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay còn nhiều thủ tục nhiêu khê cho người dân khi họ phải "vô phúc đáo tụng đình". Sau khi có bản án thắng kiện, giai đoạn thi hành án vẫn đầy cam go. Trong một số vụ cụ thể, con nợ lợi dụng giao dịch dân sự để vay mượn tiền, sau đó chiếm đoạt luôn và bỏ trốn. Nếu trường hợp này khởi kiện ra tòa thì đòi hỏi bên khởi kiện phải cung cấp được địa chỉ của bị đơn thì tòa mới thụ lý. Nhưng bị đơn lúc này đã bỏ trốn hoặc địa chỉ không rõ ràng thì tòa án không thể thụ lý được.
Cũng theo luật sư Thảo, thực tế các hành vi chiếm đoạt tài sản của đương sự rồi bỏ trốn hiện nay vẫn đang là vòng luẩn quẩn khi các chủ nợ không biết cơ quan nào sẽ giải quyết vụ việc của mình. Vì nếu tố cáo ra cơ quan công an thì không được thụ lý giải quyết do đây chỉ là một dạng tranh chấp dân sự nên các đương sự phải khởi kiện ra tòa án giải quyết. Nhưng đến tòa án thì lại bị từ chối do đương sự không cung cấp được địa chỉ của bị đơn. Xét về góc độ pháp lý, khi các đối tượng trên nản lòng mà từ bỏ sự can thiệp của pháp luật, đồng nghĩa với việc họ cũng chấp nhận một vấn đề. Đó là chuyển giao vụ việc của mình cho một công ty làm không đúng pháp luật. Khi đó, những hậu quả pháp lý mà các công ty này sẽ sử dụng vào việc đòi nợ sẽ ít nhiều liên lụy đến người đã thuê đòi nợ.
Luật sư Thảo cho rằng, pháp luật đã tạo ra một hành lang pháp lý cho mọi người dân sống và làm việc trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn một số cá nhân làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có hướng tháo gỡ, chỉ đạo cần thiết trong việc xác định tính chất pháp lý của vụ việc, tránh hiện tượng dân sự hóa các vụ án hình sự, dẫn đến tình trạng người dân mất phương hướng trong việc giải quyết sự việc thuê người đòi nợ.
Có dấu hiệu của xã hội đen Một cán bộ điều tra Công an TP.HCM cho biết, hiện một số công ty, tổ chức đòi nợ thuê có dấu hiệu của các băng đảng xã hội đen và đang nằm trong tầm ngắm theo dõi của cơ quan điều tra. Do vậy, người dân cần cẩn trọng với các dịch vụ này, tránh "tiền mất, tật mang".
|
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghich-ly-nguoi-thue-doi-no-thanh-con-no-a47179.html