+Aa-
    Zalo

    Nghịch cảnh thưởng Tết nửa tỉ đồng và những món quà "độc, lạ"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM công bố tình hình doanh nghiệp thưởng Tết 2015 cho người lao động đã xảy ra không ít những câu chuyện bi hài.

    (ĐSPL) - Đến hẹn lại lên, cuối năm, chuyện thưởng Tết được xem là đề tài được lao động trông ngóng. Tuy nhiên, sau khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM công bố tình hình doanh nghiệp thưởng Tết 2015 cho người lao động đã xảy ra không ít những câu chuyện bi hài.

    Ngoài chuyện có nơi mức thưởng gần nửa tỉ đồng, nơi chỉ vỏn vẹn vài ba chục nghìn, thưởng Tết năm nay còn xoay quanh những món quà độc, lạ mà doanh nghiệp dùng để an ủi nhân công của mình.

    Kẻ ăn không hết...

    Cũng như mọi năm, sau Tết Dương lịch, công tác thưởng Tết Nguyên đán lại hâm nóng dư luận. Khảo sát tâm tư của một số nhân viên thuộc các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, câu chuyện thưởng Tết vẫn đem lại những cảm xúc trái chiều. Theo đó, tình trạng chênh lệch trong việc thưởng Tết vẫn là vấn đề được dư luận quan tâm. Báo cáo kết quả khảo sát kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2015 của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho thấy có sự chênh lệch rất đáng kể.

    Cụ thể, tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng Tết Dương lịch khá cao. Theo công bố của sở LĐ-TB&XH TP.HCM, khối này mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất lên tới hơn nửa tỉ đồng (583 triệu đồng), thấp nhất ở mức 1,376 triệu đồng. Cũng theo bản khảo sát, kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán của khối này cao nhất lên đến 301,165 triệu đồng, thấp nhất khoảng 3,157 triệu đồng.

    Ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, công ty cổ phần không có vốn của Nhà nước, mức thưởng cao nhất trong dịp Tết Dương lịch là 130,179 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thưởng trong dịp Tết Nguyên đán của khối này khá cao, có nơi lên đến 303,5 triệu đồng. Ngược lại, khối doanh nghiệp có vốn Nhà nước, thưởng Tết Dương lịch có phần khiêm tốn hơn. Mức thưởng cao nhất của khối này chỉ ở 60,546 triệu đồng. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, năm 2015, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất nằm ở các doanh nghiệp hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Khối này, mức thưởng cao nhất được công bố là 457 triệu đồng, thấp nhất 2,860 triệu đồng.

    Tuy nhiên, trái ngược với mức thưởng khủng vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân,... thưởng Tết Dương lịch lại hết sức hạn chế. Cũng theo bản báo cáo kết quả khảo sát kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2015 của Sở LĐ - TB&XH TP.HCM, có đơn vị chỉ thưởng Tết Dương lịch 50 ngàn đồng. Khảo sát thực tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân,... có những hạn chế nhất định trong việc thưởng Tết. Cũng trong bối cảnh trên, những câu chuyện bi hài về những món quà độc, lạ, cách thưởng Tết có một không hai bắt đầu xuất hiện.

    Người lao động trong các doanh nghiệp thuộc ngành kinh doanh hàng điện tử hứa hẹn sẽ được thưởng Tết cao nhất.

    Khóc cười những món quà tượng trưng

    Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, tổng hợp báo cáo cho thấy mức thưởng cao nhất rơi vào các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất bao bì, hàng điện tử. Ngược lại, có đến 139 doanh nghiệp thông tin gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân được xác định là do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ,... ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh cả năm và thưởng Tết cho người lao động.

    Từ khó khăn trên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã tính toán, lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, một trong những cách thức thường xuyên được áp dụng là thưởng Tết theo phương châm "cây nhà lá vườn", "có gì thưởng nấy". Ghi nhận thực tế của PV, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mang nước mắm, gạch men, màn tuyn, quần áo, thực phẩm... ra làm quà Tết cho nhân viên. Kỳ lạ hơn, một số đơn vị đã lên kế hoạch sắp xếp thời gian nghỉ Tết dài ngày hơn bình thường thay cho tiền thưởng Tết.

    Những cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ vấp phải khó khăn trong kinh doanh càng gặp không ít lúng túng trong việc thưởng Tết. Anh N.T.H. (45 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), Giám đốc cơ sở sản xuất dép nhựa tại quận 12 chia sẻ: "Công ty nhỏ, hoạt động kinh doanh theo kiểu gia đình như chúng tôi mà vấp phải tình hình kinh tế khó khăn, việc thưởng Tết quả là nhức đầu. Thưởng thì không có quỹ lương, tiền để thưởng, không thưởng thì xấu mặt với anh em công nhân. Do đó, không ít cơ sở phải đem sản phẩm làm quà biếu Tết, sản xuất giày thì tặng giày, dép, xưởng in thì tặng block lịch, sách,... khó khăn quá chúng tôi chỉ tổ chức một bữa tiệc chung gọi là thưởng Tết".

    Trong hoàn cảnh khó khăn, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12,... (TP.HCM) chọn hình thức tự sản xuất quà "sạch" làm phần thưởng cho người lao động. Theo đó, những doanh nghiệp này đặt mua lợn quê, gà sạch, gạo nếp ngon, rồi tự gói giò, bánh chưng, bánh tét,... tặng cho nhân viên. Hình thức này được các doanh nghiệp đưa ra dựa trên ý tưởng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng cũng vấp phải không ít ý kiến phản đối. Theo đó, người lao động cho rằng, việc trích một số tiền không nhỏ ra để mua nguyên liệu, thuê nhân công chế biến để làm quà thưởng Tết là việc làm thừa thãi, thiếu khoa học, tốn kém mà không phải người nào cũng thích.

    Chua chát hơn, không ít trường hợp người lao động nhận được những món thưởng Tết theo kiểu có chăng hay chớ. Chị V.T.H.M. (32 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM), nhân viên đóng gói của một hãng bánh kẹo cho biết: "Trước ngày Tết Dương lịch, cả công ty ai cũng nôn nao chờ thưởng. Tuy nhiên, trước ngày lãnh lương, lãnh đạo thông báo công ty gặp khó khăn và khất nợ tiền thưởng Tết, không thưởng bằng tiền mặt mà sẽ thay bằng sản phẩm. Ban lãnh đạo công ty hứa sẽ vẫn trả tiền thưởng Tết cho mỗi công nhân một tháng lương vào dịp khác. Tuy nhiên, khi về đến nhà, xé gói quà thưởng, ai kỹ tính, để ý thì biết ngay, quà thưởng đều là những sản phẩm tồn kho, hoặc sắp hết hạn".

    Hơn 700 công nhân lãn công đòi lương, thưởng Tết hợp lý

    Ngày 9/1, hơn 700 công nhân công ty TNHH Carimax Sài Gòn (xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) lãn công để phản đối chính sách lương, thưởng Tết. Một số công nhân phản ánh, theo quy định, từ 1/1/2015, mức lương tối thiểu của người lao động được tăng thêm 400.000 đồng/người/tháng nhưng đến thời hạn, công ty chỉ áp dụng cho những người mới vào làm việc.

    Bên cạnh đó, công nhân cho biết họ đình công vì bị "xén" lương tháng 13 (lương tháng 13 bằng 90\% tháng lương cơ bản của mỗi công nhân, nhưng lại chia làm hai đợt, trước Tết Âm lịch nhận 60\%, sau Tết nhận 30\%). Để nhận được 30\% lương tháng 13, công ty đưa ra điều kiện sản lượng đạt 85\% trở lên. Đối với những công nhân làm việc dưới sáu tháng thì không được tiền thưởng Tết. Trước đó, vào chiều 8/1, ông Hwang Chan Kyung, Tổng giám đốc công ty đã ra thông báo sa thải công nhân với nội dung: "Sa thải tất cả những công nhân đang làm việc tại công ty (trừ 51 công nhân trong danh sách đính kèm)". Ông này thông báo, công ty phải điều chỉnh mức lương, thưởng vì tình hình kinh tế đang gặp khó khăn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghich-canh-thuong-tet-nua-ti-dong-va-nhung-mon-qua-doc-la-a78950.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan