Ở miền Tây xứ Thanh, có những nghĩa địa mà ít người dám đến, đó là nghĩa địa chôn những người bị hổ vồ.
Vùng đất hổ vồ người bên sông Mã
Đầu nguồn sông Mã trên địa phận miền Tây xứ Thanh, có những nghĩa địa kỳ bí, ít ai dám đến. Nghĩa địa ấy chôn những người bị hổ vồ. Ở miền Tây xứ Thanh, người dân rất sợ những nơi có người bị hổ vồ, đặc biệt là người Mường, người Thái.
Mặc dù, giờ đây rừng đã cạn, loài mãnh thú rừng xanh đã bị vào nồi cao hoặc đẩy ra bên ngoài biên giới, nhưng nỗi sợ từ trong quá khứ vẫn ám ảnh người dân nơi đây. Người ta tin rằng, khi ai đó bị hổ vồ, bị hổ ăn thịt, người đó sẽ biến thành ma trành, một loài ma theo hầu con hổ. Loài ma trành sẽ tiếp tục bắt người, để phục vụ hổ.
Nỗi sợ hãi bâng quơ từ những câu chuyện huyền hoặc nơi rừng xanh xa xưa vẫn ám ảnh người dân đến tận bây giờ, đặc biệt là người Mường, người Thái.
Nghe mấy thợ sơn tràng kể về nghĩa địa của người bị hổ vồ kỳ lạ, ở tít tận miền Tây xứ Thanh, giữa đại ngàn hoang thẳm, chúng tôi đã ngược sông Mã tìm lên. Đường từ TP Thanh Hóa lên thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) dài tới 150 km, quanh co uốn lượn như dải lụa trên núi.
Từ đây, muốn vào bản Phai, xã Trung Thành, phải vượt quãng đường hơn 50 km một bên là vách núi dựng đứng, một bên là dòng sông Mã cuộn đỏ. Những đoạn đường lầy lội, trơn trượt khiến những khách lạ tìm đến miền Tây xứ Thanh đôi lúc cảm thấy nản lòng.
Để đến được bản Phai, phải vòng sang địa phận huyện Mai Châu (Hòa Bình), bởi đoạn này dòng sông Mã chảy bên vách núi dựng đứng chặn lối người đi.
Xuôi dòng sông Mã, qua chiếc cầu treo, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Bá Ngoằng, người già có uy tín của bản Phai. Ông Ngoằng năm nay 72 tuổi, dáng người tầm thước, rất nhiệt tình tiếp đón chúng tôi.
Những phiến đá quây quanh mộ. |
Theo lời ông Ngoằng, cô ruột ông vốn là một thiếu nữ xinh đẹp nhất bản Phai. Khoảng năm 60 thế kỷ trước, lúc chiều tối, thiếu nữ mới 17 tuổi ấy, ngồi chải tóc ở chân cầu thang gỗ. Bất ngờ, tiếng gầm rú vang lên, rồi con hổ xộc đến quắp người con gái tha đi. Nhấp chén trà nóng, ông Ngoằng nhớ lại những câu chuyện rợn người khi xưa: “Vùng đất tận cùng xứ Thanh này lắm điều rùng rợn, kỳ dị. Nói về chuyện hổ ăn thịt người, thì kể cả ngày cũng không hết. Ngay nhà tôi đây, cũng có 3 người bị hổ ăn thịt. Người gần gũi với tôi nhất, là cô ruột tôi, bị hổ vồ”.
Mọi người chỉ nghe thấy thiếu nữ ấy kêu lên một tiếng rồi im bặt. Cả bản nổi chiêng trống, hò hét nhau vác vũ khí vào rừng, đuổi theo con hổ. Đuổi đến gần sáng, đến bờ suối, mọi người bàng hoàng nhận ra đống thịt bầy nhầy của người sơn nữ xấu số qua màu quần áo. Nhiều phần thi thể của cô đã bị hổ ăn thịt.
Dân bản gom phần thi thể còn lại, xẻ gỗ đóng áo quan, rồi khiêng người phụ nữ xấu số vào rừng chôn. Theo phong tục người Thái ở vùng đất này, xác người bị hổ ăn thịt phải đào sâu, chôn chặt.
Chôn xong, thì người ta dùng những hòn đá lớn xếp quây quanh mộ. Theo ông Ngoằng, có thể tập tục xếp đá quanh mộ bắt nguồn từ việc bảo vệ xác chết khỏi thú rừng, đặc biệt là hổ và lợn rừng.
Ngày nay, việc xếp đá quanh mộ, thi thoảng vẫn còn ở một số nơi, nhưng chỉ là tượng trưng. Những ngôi mộ cổ được xếp bằng những khối đá khổng lồ, nặng cả tấn, được các cụ kể lại, là để chôn những người bị hổ vồ.
Mộ đá trong vườn nhà dân. |
Hổ thường bắt người lúc nhập nhoạng tối, hoặc sáng sớm. Phụ nữ thường nấu nướng, hái rau vào buổi tối và sáng sớm, nên hay bị hổ vồ. Ở bản Phai, cũng có tới cả chục người bị hổ ăn thịt. Còn cả vùng Trung Thành, Trung Sơn và Thành Sơn, thì có đến cả trăm người bị hổ vồ. Bản nào, dòng họ nào cũng có người bị hổ ăn thịt”.
Ông Phạm Bá Ngọc, Trưởng bản Phai cho biết: “Trước kia hổ nhiều lắm. Đêm xuống, dân bản chúng tôi không dám ra khỏi nhà. Ban ngày lên nương cũng phải đi theo đoàn để bảo vệ nhau. Nhà cửa ở bản tôi phải cắm cọc nhọn kín hàng rào xung quanh để dọa hổ. Hổ thường nhảy lên cao rồi chụp xuống vồ người, nên nó rất sợ que nhọn.
Theo ông Ngọc, xưa kia, toàn bộ vùng này chỉ có một chòm dân cư sinh tụ ở cuối dòng suối Quýt, đoạn đổ ra sông Mã, thuộc bản Chiềng (xã Trung Thành ngày nay).
Vùng đất này trù phú, no ấm, nên dân cư kéo đến ngày càng đông, cứ thế sinh sôi nảy nở. Vùng đất lạc loài xa nhất của Quan Hóa, phải đi nhờ lối Hòa Bình, vốn là xã Trung Thành, sau tách thành 3 xã, gồm Trung Thành, Trung Sơn, và Thành Sơn.
Điều đặc biệt, là chỉ ở khu vực hiểm trở, xa xôi bậc nhất này có những ngôi mộ đá kỳ lạ và bí ẩn. Các khu nghĩa địa mộ đá nằm rải rác trong rừng, trên các đỉnh núi cao, thậm chí bây giờ nằm trong vườn nhà dân.
Người dân cho rằng, người xưa kè đá quanh mộ để ngăn hổ bới xác ăn thịt. |
Các cụ bảo rằng, hổ rất thích ăn xác thối. Khi cắn chết ai, nó thường tha vào rừng để ăn thịt. Khi ăn thịt người, nó thường nhìn trăng. Nếu là trăng đầu tháng, nó ăn đầu, giữa tháng ăn phần bụng và cuối tháng ăn phần chân. Ông Ngọc kể rằng, theo lời các cụ, hàng trăm năm trước, khi người Thái đi cư về đây khai hoang, đã thấy những ngôi mộ được cắm những phiến đá khổng lồ. Các cụ không biết chủ nhân của những ngôi mộ ấy là ai, nhưng các cụ đều khẳng định rằng, đó là mộ của những người bị hổ ăn thịt.
Ăn no, nó giấu xác để hôm sau tìm đến ăn tiếp. Xác người càng thối, nó càng khoái khẩu. Vì thế, nếu con mồi bị cướp, đem chôn, nó sẽ tìm cách bới lên để ăn tiếp.
Chính vì thế, theo lời các cụ, những khu mộ đá ở vùng Trung Thành xưa, giờ là doi đất lạc loài bên dòng sông mã, gồm Trung Thành, Trung Sơn và Thành Sơn, là nghĩa địa chôn những người bị hổ vồ. Sau khi chôn xác, người ta phải vần những phiến đá nặng cả tạ, cả tấn chôn quanh mộ, để hổ không moi được xác người lên.