+Aa-
    Zalo

    Nghi ngại lý thuyết một đằng, thực tiễn một nẻo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Việc cải cách GD theo hướng lấy học trò làm trung tâm không phải là mới, tuy nhiên khi dự thảo chương trình GDPT tổng thể vừa đưa ra đã gây bão dư luận.

    (ĐSPL)- Việc cải cách giáo dục theo hướng lấy học trò làm trung tâm không phải là mới, tuy nhiên khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa đưa ra lấy ý kiến gây bão lớn trong dư luận. Đặc biệt, trong chương trình mới lần này, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đề cao hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục. Tuy nhiên, nhiều giáo viên và các chuyên gia e ngại rằng, tính tích cực của chương trình mới này khi áp dụng vào thực tế vô cùng khó khăn, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên.

    Tính khả thi và những bất cập?

    Với mục tiêu hướng tới phát triển năng lực từng học sinh, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa được bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến đang thu hút sự chú ý của dư luận. Học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó, đang nhận được nhiều ý kiến tán thành của phụ huynh và đội ngũ giáo viên.

    Theo nhiều chuyên gia giáo dục thì, chương trình lần này được xây dựng tổng kế hoạch chung của cả giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Các chương trình bộ môn sẽ theo chương trình tổng thể để đảm bảo các bộ môn sẽ hài hòa với nhau, thống nhất từ cấp dưới lên cấp trên, các môn học được thống nhất với nhau (nội dung, kế hoạch, thời gian thực hiện). Chương trình tổng thể sẽ khắc phục được chương trình cũ cắt khúc, chồng lấn nhau, dạy lại môn.

    Chương trình sẽ là một thử thách lớn đối với giáo viên (ảnh minh hoạ).

    Một điểm mới nữa trong chương trình lần này đó là việc xây dựng chương trình chuyển từ coi trọng kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực trên cơ sở trang bị kiến thức. Chương trình cũ cũng đề cập tới phẩm chất, năng lực nhưng khi thực hiện lại quan tâm tới truyền đạt nội dung và cũng không đặt ra yêu cầu cụ thể của phẩm chất, năng lực từng cấp học tới đâu. Chương trình mới lần này đã đặt ra cho từng cấp học điểm cụ thể trên.

    Theo Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Trong mục tiêu chương trình cấp học, học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó. Mục tiêu chương trình cấp học mới sẽ cụ thể hơn, trước đây bậc tiểu học phát huy thành tích ban đầu để lên THCS; THCS tiếp tục phát huy giá trị tiểu học để lên THPT và THPT phát huy từ THCS để lên bậc cao hơn. Mục tiêu của chương trình cũ không nói rõ và lần này sẽ nói rõ hơn”.

    Điểm thu hút sự chú ý của nhiều giáo viên, đó chính là nội dung chương trình có nhiều thay đổi. Đặc biệt cấp học THCS và THPT có môn học KHXH và KHTN. Theo như thiết kế chương trình thì KHXH sẽ bao gồm Lịch sử, Địa lý. Còn KHTN là Hoá học, Vật lý và Sinh học. Với sự ra đời của hai môn học này thì nhiều giáo viên vẫn chưa tưởng tượng ra  sách giáo khoa sẽ được viết như thế nào và đang chờ đợi bộ sách giáo khoa mới ra đời lúc đó mới bình luận.

    Đa số giáo viên đồng tình với chương trình mới, tuy nhiên vẫn có nhiều điều họ tỏ ra hoài nghi. Nhiều giáo viên cho rằng, mọi cuộc cải cách cuối cùng đều hướng tới học sinh. Lý thuyết là tích cực nhưng đưa vào thực tiễn luôn là một khoảng cách quá xa. Thực tế cho thấy, cơ sở vật chất và tư duy của giáo viên hiện nay chưa thể theo kịp được với cách dạy học đề cao hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đề ra của Bộ.

    Cô Nguyễn Lệ Thuỷ, giáo viên THPT ở Hà Tĩnh khi được hỏi về chương trình mới cho rằng: “Chương trình này khi áp dụng vào thực tế là một thách thức lớn. Tôi nhớ, trước đây vào thời gian đầu áp dụng cách dạy học nêu vấn đề, lấy học sinh làm trung tâm, mỗi một giáo viên hiểu một cách, khi áp dụng không thống nhất dẫn đến mỗi người một phách. Tôi nhớ, một lần chuyên viên Sở đi dự giờ thao giảng tiết lịch sử của giáo viên trẻ. Sau đó, vị này nhận xét, cô giáo này, dạy học như thế vẫn chưa phải là cách dạy học nêu vấn đề, lấy học sinh làm trung tâm. Nhận xét của vị chuyên viên Sở này lập tức khiến hội đồng bộ môn của trường phản đối kịch liệt và yêu cầu như thể thách đố vị này dạy một tiết làm mẫu.Tuy nhiên, sau đó, vị chuyên viên sở cũng từ chối đề nghị trên. Nói như vậy để thấy, từ lý thuyết sang thực hành trên bục giảng là cả một vấn đề rất xa. Tôi sợ rằng, với yêu cầu đề cao trải nghiệm trong giáo dục, lấy học trò làm trung tâm, cùng với một chương trình thay đổi hoàn toàn như lần này khi vào thực tiễn sẽ lúng túng trong áp dụng”.

    Nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp

    Cũng liên quan đến chương trình đổi mới lần này, thầy giáo Trần Mạnh Quân, ở quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội cho rằng, chương trình lần này so với chương trình cũ là cải cách rất nhiều. Trong đó, đề cao hoạt động trải nghiệm của các học trò và xem như đây là một sự thay đổi lớn trong cách dạy học mới.

    Nhưng thầy Quân cho rằng, việc tổ chức trên thực tế luôn là thách thức. “Mọi người nghĩ rằng, để tổ chức một hoạt động ngoại khoá cho học trò là dễ, nhưng tôi thấy vô cùng khó khăn. Ngoài kinh phí, địa điểm, thì một thách thức lớn với giáo viên là quản lý các em. Hiện nay, nhiều nơi ở thành phố, giờ học thể dục, giáo viên chẳng khác nào người trông trẻ. Nên, tôi nghĩ hoạt động ngoại khoá như tham quan, khám phá, cắm trại... sẽ là những hoạt động  không dễ để tổ chức hiện nay”.

    Đưa những thắc mắc của các giáo viên về chương trình phổ thông tổng thể lần này trao đổi với ĐBQH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, ông cho rằng: “Đúng là vấn đề thách thức hiện nay là đưa chương trình vào thực tiễn, nhưng khó đến đâu cũng phải làm. Nếu chúng ta ngại khó thì không bao giờ đổi mới được. Tôi cho rằng, vấn đề khó nhất hiện nay nằm ở đội ngũ giáo viên chứ không nằm ở học sinh. Liệu họ đủ nhiệt huyết, quyết tâm để thay đổi bản thân nhằm đáp ứng kịp thời với cách dạy học mới hay không. Thành công của công tác đổi mới này phụ thuộc vào những con người trực tiếp cầm phấn. Để đáp ứng được cách dạy học mới, đội ngũ giáo viên cần thiết phải được đào tạo và huấn luyện theo một phương pháp mới. Tuy nhiên, hiện giáo dục ở bậc đại học chưa đáp ứng được điều này nên đây cũng là một vấn đề cần thiết phải được suy nghĩ”.  

    ĐBQH Đào Trọng Thi.

    Còn nhiều thách thức

    Một vấn đề nữa theo ĐBQH Đào Trọng Thi thì khi áp dụng vào thực tế sẽ gặp nhiều thách thức, đó chính là chương trình lần này đề cao hoạt động trải nghiệm trong giáo dục. Những hoạt động học tập trên thực địa, tham quan di tích lịch sử, tổ chức câu lạc bộ, cắm trại, câu lạc bộ… đòi hỏi phải có thêm kinh phí và cơ sở vật chất cũng cần được đầu tư.

    Do đó, không phải địa phương nào, phụ huynh nào cũng đáp ứng được. “Tôi cho rằng, những khó khăn chúng ta giải quyết từng bước một, vừa tiến hành cải cách giáo dục, chúng ta vừa từng bước khắc phục dần. Cải cách không thể thấy khó trước mắt mà lo sợ mà cần phải làm dần dần, từng bước một áp dụng một cách linh hoạt với thực tế”, ĐBQH Đào Trọng Thi nói.

     Trinh Phúc

    Xem thêm video:

    [mecloud] vXSDE7oyKf[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-ngai-ly-thuyet-mot-dang-thuc-tien-mot-neo-a106298.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.