+Aa-
    Zalo

    Nghị lực của sơn nữ nhiễm HIV, bước thêm một “lần đò” để tìm hạnh phúc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bị nhiễm HIV từ chồng, chị Mạc Thị H. biết rằng nếu mình gục ngã thì người con nhỏ sẽ không có ai nương tựa, nên đã vươn lên làm lại cuộc đời.

    Bị bắt về làm vợ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đến khi sinh con thì chị Mạc Thị H. phát hiện bị nhiễm HIV từ chồng. Biết rằng, nếu gục ngã thì người con nhỏ sẽ không có ai nương tựa, chị đã vươn lên làm lại cuộc đời.

    [presscloud]5070[/presscloud]

    Sống chung với “tử thần”

    Biết những người khách lạ phải vượt gần 200km từ thành phố Vinh đến tìm, chị Mạc Thị H. (SN 1984) trú bản Định Tiến, xã Châu Hạnh, huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An dù có chút rụt rè, mệt mỏi bởi đang mang thai tháng thứ 6 vẫn cố gắng niềm nở ra tiếp đón.

    Chị H. khá xinh xắn, làn da trắng, mũi cao và nụ cười luôn thường trực trên môi. Vì thế, khi biết chị H. đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV thì ai cũng vô cùng ngạc nhiên.

    Ngôi nhà nhỏ của chị Mạc Thị H.

    Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái đông anh em ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, thế nhưng chị H. khá may mắn khi được đi học đầy đủ. Thậm chí, chị còn đỗ vào trường cao đẳng Y Dược Phú Thọ với ước mơ được làm y tá ở bệnh viện.

    “Vào sát Tết Nguyên đán năm 2006, khi tôi vừa trở về nhà thì bị một nhóm thanh niên bản bắt về làm vợ. Lúc đó không như bây giờ, vì phong tục nên tôi phải chấp nhận lấy chồng”, chị H. kể.

    Mặc dù hôn nhân không có tình yêu nhưng chồng chị là người hiền lành, rất quan tâm và chăm sóc nên cuộc sống gia đình khá yên ấm. Ngoài ra anh cũng là người chăm chỉ, không để chị phải thiếu thốn thứ gì. Hạnh phúc càng nhân lên khi chị H. mang bầu và sinh được một bé gái.

    Tuy nhiên, cuộc sống mỗi ngày một khó khăn nên chồng chị H. phải đi theo bạn bè đi khai thác gỗ. Đây cũng là thời điểm “bão ma túy” tràn về, không riêng vùng Kẻ Nính mà toàn huyện Quỳ Châu đều chao đảo. Có bản tới hàng trăm thanh niên dùng ma túy, thậm chí việc sử dụng còn công khai ngay ngoài đường. Chồng chị H. cũng không ngoại lệ, quá trình làm việc xa nhà đã bị bạn bè lôi kéo sử dụng ma túy.

    “Năm 2010, nhận thấy chồng gầy đi trông thấy, lại thường xuyên bị sốt cao, đi ngoài, tôi gặng hỏi thì mới biết anh ấy dính vào ma túy. Trong rừng sâu có khi cả chục người dùng chung kim tiêm. Thời điểm ấy có nhiều người trong bản chết vì HIV nên tôi lo sợ, khuyên chồng đi xét nghiệm”, chị H. nhớ lại.

    Chị H. bị nhiễm HIV từ chồng.

    Khi người chồng cầm tờ giấy kết luận dương tính với HIV thì chị ngất xỉu tại chỗ. Sau nhiều ngày nằm liệt giường, chị phải suy nghĩ mãi mới dám đưa con cùng tới trung tâm huyện để xét nghiệm.

    Mặc dù đã đoán trước, nhưng chị vẫn bủn rủn chân tay khi biết mình đã bị lây HIV từ chồng. Một điều may mắn là con gái của chị không bị nhiễm căn bệnh này.

    Chồng chị qua đời chỉ sau 2 tháng phát hiện bệnh, khi đó con gái chị chưa đầy 3 tuổi. Chị kể, một trong những nguyên nhân khiến anh mất sớm là do không chịu nổi cú sốc quá lớn, nên cứ thế buông xuôi không chịu sử dụng thuốc. Trước khi ra đi, điều anh ân hận nhất là không thể chăm sóc cho mẹ con chị được nữa.

    “Chồng tôi quá tốt, nên tôi không hề oán trách. Dù sao sự việc cũng xảy ra rồi nên oán trách chồng cũng không giải quyết được gì. Thời điểm đó tôi cũng rất mệt mỏi nhưng nghĩ đến con gái nên cố gắng tiếp tục sống, bởi nếu tôi gục ngã thì con tôi sẽ không ai chăm sóc”, chị H. cười buồn khi nhớ lại quá khứ.

    Người phụ nữ nghị lực phi thường

    Sau đó, chị Mạc Thị H. chủ động đến cơ sở y tế lấy thuốc về uống hằng ngày, rồi tìm hiểu các tài liệu về căn bệnh HIV/AIDS. Một thời gian sau, chị thấy sức khỏe mình vẫn bình thường, dù mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng bằng nghị lực và ý chí nên chị đã khiến “tử thần” phải tránh xa.

    Với kiến thức ngành y đã được học, cùng với sự động viên của các cán bộ trung tâm phòng chống HIV/AIDS, chị đã đứng ra thành lập một CLB của những người mang HIV mang tên Hi vọng.

    Bằng nghị lực và ý chí, chị H. đã đánh bại được "tử thần".

    Năm 2012, CLB chính thức được thành lập với hơn 20 người tham gia. Cho đến nay, CLB đã có gần 100 thành viên, tất cả đều bị nhiễm HIV. Sau đó, CLB được tách ra để tiện việc sinh hoạt, CLB kia cũng được chị đặt tên là Niềm tin.

    Khi chúng tôi hỏi vì sao đặt tên như vậy thì chị giải thích, cho dù là căn bệnh thế kỷ nhưng mọi người vẫn có quyền được hi vọng được sống, được làm những điều có ích cho đời.

    Ngay lập tức, CLB đã trở thành địa chỉ tin cậy cho mọi người chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, thổ lộ những điều thầm kín mà không thể nói với ai. Mỗi lần có thành viên chẳng may qua đời, không người dân nào dám đến gần thì cả nhóm lại chung tay giúp đỡ, lo lắng tổ chức tang lễ giúp gia đình.

    Để không khí bớt u ám, thỉnh thoảng chị H. lại tổ chức liên hoan, ca hát và chơi trò chơi… cũng nhằm gắn kết mọi người. Không có nhà cộng đồng, chị H. lấy nhà mình làm nơi sinh hoạt, sân vườn làm sân tập cho anh chị em.

    Chị bắt đầu dành thời gian đến từng nhà có người mang HIV, giải thích cho họ hiểu về căn bệnh đang mang rằng nếu sống lạc quan và kiên trì dùng thuốc, sự sống có thể kéo dài hàng chục năm, cũng có thể sống đến cuối cuộc đời. Cũng chính trong một lần đi vận động người mang HIV, chị đã gặp được người chồng của mình hiện nay.

    Dùng thuốc đầy đủ, sống lạc quan nên chị H. vẫn mạnh khỏe dù mang căn bệnh thế kỷ.

    “Chồng mới của tôi cũng giống như chồng cũ, anh ấy đi gỗ và bị bạn bè lôi kéo dùng chung kim tiêm dẫn đến việc nhiễm HIV. Anh ấy cũng đã có gia đình và một người con, nhưng khi biết anh ấy nhiễm HIV thì người vợ đã bỏ đi mất. Thời điểm tôi đến nhà thì anh ấy đang vô cùng tuyệt vọng, thậm chí có ý định tự tử”, chị H. kể.

    Nhận thấy người đàn ông này có hoàn cảnh tương tự mình nên chị H. đã lựa lời khuyên giải, động viên anh cố gắng sống để lo cho con nhỏ. Dần dần người đàn ông đó cũng bình tâm và tham gia CLB, trở thành thành viên hoạt động vô cùng năng nổ.

    Tình yêu đến với hai người khi nào chị H. chẳng rõ, đến năm 2015, một đám cưới đặc biệt đã được tổ chức. Không có mâm cao cỗ đầy, anh chị chỉ mua ít kẹo bánh và mời mọi người trong CLB đến chứng kiến. Năm 2016, một bé gái ra đời trong sự vui mừng của vợ chồng chị cùng người thân, bạn bè.

    Sống chung với các đứa con may mắn không mang bệnh, vợ chồng chị H. càng phải cẩn thận hơn. Những vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, lược chải đầu, ngay cả việc dùng dao kéo… thường để tách biệt. Trước những biện pháp an toàn này nên tất cả những người con của anh chị đều khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

    “Chuẩn bị đón người con sắp ra đời, gánh nặng cuộc sống càng lúc càng đè nặng. Có thể gia đình tôi hơi đặc biệt, nhưng quan trọng là chúng tôi ở bên nhau. Vì vậy tôi cũng muốn khuyên những người cùng chung hoàn cảnh. Hãy vững tin vào cuộc sống, bởi cho dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất thì vẫn có con đường để mình đi”, chị H. cho biết.

    Ông Hoàng Văn Thám, công an viên xã Châu Hạnh cho biết: “Trong thời gian qua, CLB Hi Vọng và bản thân chị Mạc Thị H., chủ nhiệm CLB đã góp vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền vận động phòng chống lây nhiễm HIV. Nơi đây được xem là mái nhà thứ 2 dành cho những người nhiễm HIV”.

    Theo Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-luc-cua-son-nu-nhiem-hiv-buoc-them-mot-lan-do-de-tim-hanh-phuc-a248982.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan