Từ một người đàn ông nhiễm HIV buông xuôi tất cả để chờ đợi cái chết đến với mình bất cứ lúc nào, anh Đ. như được tái sinh lần thứ 2 khi được chính người vợ tảo tần luôn ở bên cạnh, giúp anh thoát khỏi bàn tay của thần chết để quay về với cuộc sống thường ngày.
Quẫn trí, nằm ở nhà… chờ chết
Trái với suy nghĩ của chúng tôi, anh Vi Văn Đ. (SN 1982) bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An tỏ ra khá thân thiện, vui vẻ đón những vị khách lạ vào nhà hỏi về vấn đề HIV/AIDS.
“Trước đây tôi cũng ngại lắm, không dám nói với ai, không dám đi đâu. Nhưng đến giờ thì hiểu sống chết có số, có trốn chạy cũng không được nữa, nên cứ vui vẻ mà nói những điều mình biết để người khác còn tránh”, anh Đ. lý giải.
Anh Đ. bị nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, lại đông anh chị em nên anh Đ. không được đến trường. Để giúp bố mẹ có thêm thu nhập, từ lúc 13 – 14 tuổi anh đã phải theo người lớn vào trong rừng kéo gỗ thuê. Ở trong rừng sâu, thấy mọi người đưa ma túy cho sử dụng, mặc dù không biết đây là chất gì nhưng anh Đ. vẫn dùng.
“Mọi người bảo cứ dùng đi nên tôi cũng nghe theo. Dùng xong thì thấy khỏe ra hẳn, kéo gỗ cũng được nhiều hơn, từ đó nghiện lúc nào không hay. Do thiếu thốn nên hàng chục người cùng dùng chung một kim tiêm, không ngờ từ đó bị nhiễm HIV”, anh Đ. kể.
Sức khỏe không được như xưa, nhưng do dùng thuốc đều đặn nên hơn 5 năm qua anh vẫn bình thường. |
Năm 2012, anh Đ. cảm thấy sức khỏe yếu dần. Thời điểm đó, trong bản đã có nhiều người đi khám và phát hiện nhiễm HIV nên anh bắt đầu lo sợ. Anh thử đi khám, thì bàng hoàng nhận kết quả dương tính với HIV. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, anh Đ. cũng không biết mình bị nhiễm HIV vào lúc nào. Một điều anh Đ. cảm thấy may mắn là việc vợ và 2 người con đều không bị dính căn bệnh thế kỷ này.
“Thực ra khi biết tin thì tôi chẳng hiểu HIV là gì cả, nhưng thấy bạn bè cùng trang lứa và nhất là rất nhiều người trong bản dần dần chết thì vô cùng hoảng sợ. Thậm chí có thời gian, cứ cách vài ngày là có người chết do HIV. Lúc đó tôi nghĩ rằng đời thế là xong rồi, nên bỏ bê công việc chỉ nằm chờ chết”, anh Đ. kể.
Được "tái sinh" nhờ người vợ mạnh mẽ, tảo tần
Đó là quãng thời gian gần như đen tối nhất cuộc đời anh Vi Văn Đ., và nếu không có sự động viên của vợ cùng gia đình thì có lẽ anh đã không thể sống được đến ngày hôm nay.
Anh Đ. kể: “Tôi bị HIV thì người buồn không kém là vợ tôi. Thế nhưng, cô ấy vẫn ở bên an ủi, động viên. Khi tôi nằm bẹp trên giường thì cô ấy nấu cháo bắt ăn, mua thuốc về bắt tôi uống. Cô ấy nói nếu tôi chết thì cả gia đình biết dựa vào ai mà sống”.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh Đ. thấy vợ nói phải. Vợ anh còn trẻ, 2 người con thơ dại, giờ nếu anh chẳng may qua đời thì cả gia đình phải làm thế nào? Nếu muốn chết thì phải kiếm tiền về cho gia đình rồi mới được chết.
Sau khi thông suốt, anh quyết định đến cơ sở y tế xin thuốc ARV (thuốc điều trị dùng cho những người bị HIV, có tác dụng làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS), với hi vọng kéo dài sự sống.
Khi được hỏi về thời điểm biết chồng dương tính HIV, vợ anh Đ. ngại ngùng: “Buồn chứ sao không, nhưng việc đã lỡ rồi nên có buồn nữa cũng không giải quyết được việc gì. Thậm chí tôi thấy nhiều người trong bản vì chán nản nên càng chết sớm hơn, nên mới động viên chồng cố gắng vì con mà sống”.
Người phụ nữ nhỏ xấu hổ, mỉm cười lảng tránh rồi xin phép được xuống cho trâu bò ăn. Dường như quãng thời gian đã qua chị không muốn nhắc lại nữa, chỉ mong rằng cuộc sống cứ giữ được sự bình yên như vậy là hạnh phúc rồi. Ai rơi vào hoàn cảnh như chị thì mới biết nỗi đau đớn và hoảng sợ đến cỡ nào, khi tử thần luôn đứng phía trước chồng mình chỉ chờ cơ hội cướp đi.
Sau đó, anh lao vào công việc, ai thuê gì cũng làm miễn là có tiền đưa về cho gia đình. Ngoài ra, anh còn mua trâu bò về nuôi, trồng thêm mía để thêm thu nhập. Cho đến thời điểm hiện nay, vợ chồng anh đã có một đàn trâu gần chục con, ngoài ra còn có đàn gà và lợn.
Cách đây mấy năm, người dân vẫn kỳ thị người nhiễm HIV. |
“Thời điểm đó mọi người còn kỳ thị những người nhiễm HIV, thậm chí xa lánh và xua đuổi. Mỗi lần như vậy, tôi cứ nghĩ đến vợ con để cố gắng sống. Chỉ cần vợ tôi không chê tôi, không hắt hủi thì bất cứ việc gì tôi cũng làm, mặc kệ mọi người nói”, anh Đ. cho hay.
Cũng chính vợ anh là người động viên anh tham gia CLB Niềm tin, nơi tập hợp những người nhiễm HIV/AIDS vùng Kẻ Nính. Sinh hoạt chung với người có cùng hoàn cảnh, anh Đ. đã lấy lại tự tin về cuộc sống, thậm chí còn trở thành thành viên năng động nhất. Vì vậy, mới đây anh được mọi người bầu làm chủ nhiệm CLB.
Thậm chí, anh còn tranh thủ thời gian lặn lội đi khắp các xã khác trong huyện để vận động người nghiện đi khám, nếu dương tính với HIV thì uống thuốc ARV điều trị để kéo dài sức khỏe. “Người nghiện rất khó gần, họ lẩn tránh, phải đến gặp 3 – 4 lần, thậm chí cả chục lần mới quen, mới tiếp chuyện. Tuy nhiên, họ cũng như mình trước kia, nên giúp nhau để mà sống thôi”, anh cười.
Tình trạng sử dụng ma túy vẫn còn nóng tại vùng Kẻ Nính. |
Bà Lê Thị Nga, Trưởng trạm Y tế xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cho biết, toàn xã hiện có 126 người có HIV, trong đó 4 bản Kẻ Nính có 80 người. Họ mắc bệnh chủ yếu là do dùng chung ma túy từ trước, rồi sau này lây nhiễm cho vợ, con.
“Những năm gần đây, nhận thức người dân đã tiến bộ hơn rất nhiều, ít còn những trường hợp mắc bệnh đáng tiếc như trước kia. HIV ở đây có thể nói đã kiểm soát được. Một phần là do những CLB đã góp vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền vận động phòng chống lây nhiễm HIV, như anh Vi Văn Đ. hay chị Mạc Thị H.”, bà Nga nói.
Kỳ thị người nhiễm HIV sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, bộ Y tế đã đề xuất xử phạt vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Theo đó, các hành vi đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV; sử dụng hình ảnh, thông điệp truyền thông có tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV sẽ bị phạt từ 15 – 20 triệu đồng. |
Theo Người Đưa Tin