Bộ GTVT vừa chính thức trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) mới nhất ngày 11/4 vừa qua, đưa ra khái niệm mới về kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng như tiếp tục hướng đến cân bằng các quy định giữa loại hình vận tải taxi và xe hợp đồng. Yếu tố ứng dụng khoa học công nghệ, hợp đồng điện tử được Bộ GTVT đưa vào cả 5 loại hình vận tải trong dự thảo.
Các doanh nghiệp đang sở hữu các ứng dụng như Grab, Emddi, Bee, Vato… có thể lựa chọn mình kinh doanh vận tải theo loại hình là “taxi điện tử” hoặc “xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử”. Ảnh: Báo Giao thông. |
Taxi và xe hợp đồng đều phải gắn mào
Về khái niệm kinh doanh vận tải bằng ô tô, Dự thảo lần này đã đưa ra khái niệm hoàn toàn mới so với các dự thảo trước.
Theo đó, Khoản 2, Điều 3 nêu: Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Theo Bộ GTVT, sở dĩ đưa ra sự điều chỉnh khái niệm này nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan đến hoạt động vận tải.
“Thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và thời gian tới, tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải”, Tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ.
Hai khái niệm về “kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi” và “kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định” về cơ bản được giữ nguyên so với bản dự thảo trình ngày 30/1/2019. Theo đó, xe taxi là ô tô dưới 9 chỗ, có đồng hồ tính tiền hoặc kết nối hành khách qua phần mềm, còn xe hợp đồng không theo tuyến cố định là sử dụng ô tô thực hiện hợp đồng vận chuyển với hành khách bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử qua phần mềm.
Tuy nhiên, trong Điều 7 quy định về Kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng có bổ sung quy định: Trường hợp ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.
Việc bổ sung quy định này, theo Bộ GTVT nhằm “bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với taxi; đồng thời, làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm loại phương tiện này nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố bị cấm, gây ùn tắc) và không công bằng trong hoạt động vận tải”.
Với những quy định trên, các doanh nghiệp đang sở hữu các ứng dụng như Uber, Grab, Emddi, Bee, Vato… có thể lựa chọn mình kinh doanh vận tải theo loại hình là “taxi điện tử” hoặc “xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử”, nhưng về quy định áp dụng là gần như nhau. Đặc biệt, xe taxi điện tử phải có mào “TAXI”, còn xe hợp đồng điện tử phải có mào “XE HỢP ĐỒNG”.
“Hợp đồng điện tử hay hợp đồng giấy đều phải đủ thông tin”
Khoản 6 Điều 37 của dự thảo nêu nội dung: “Trước ngày 1/10/2019, xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm để tính tiền, đặt xe, hủy chuyến đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải được cấp lại phù hiệu xe taxi để kinh doanh theo quy định tại Nghị định này”.
Theo quy định trên, tất cả xe hợp đồng đang vận chuyển khách sử dụng các ứng dụng điện tử như Grab, Emddi, Bee, FastGo… đều phải thực hiện theo các quy định của loại hình taxi.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, đại diện Ban soạn thảo cho biết: “Cần phải phân biệt hợp đồng điện tử với các ứng dụng hiện nay. Trên thực thế, các ứng dụng trên thị trường đều ở dạng “thô sơ”, không đủ các thông tin như một bản hợp đồng vận tải thông thường. Hợp đồng giấy hay hợp đồng điện tử (dạng thức email - PV) chỉ là cách thức thể hiện, nội dung bên trong phải tương đồng nhau”.
Đại diện Ban soạn thảo cũng cho biết, các quy định về Hợp đồng điện tử cũng như những thông tin tối thiểu cần phải thể hiện trên hợp đồng điện tử đã được quy định cụ thể tại Điều 16 của dự thảo.
Như vậy, sau nhiều lần chỉnh sửa, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định quan điểm cần phải quản lý loại hình xe hợp đồng ứng dụng phần mềm kết nối điện tử đang rất phổ biến hiện nay (Grab, Emddi, Bee... – PV) theo các quy định của taxi. Về phía doanh nghiệp có thể lựa chọn hoạt động như taxi hoặc nếu chọn hình thức “xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử” sẽ phải cải tạo, nâng cấp phần mềm của doanh nghiệp mình theo hướng chi tiết hơn, nhiều ràng buộc hơn.
Trước đó, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định: Hiện tại, Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa được sửa đổi, có nhiều nội dung đã thể hiện sự bất cập của Luật với thực tế. Trong bối cảnh chưa điều chỉnh được Luật và sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng các quy định trong Nghị định 86 phải đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp Luật Giao thông đường bộ, phù hợp thực tế ứng dụng khoa học công nghệ, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ về an toàn giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển, công bằng, minh bạch và trên hết là thuận tiện cho người dân đi lại…
“Đây là yêu cầu hết sức khó khăn với Bộ GTVT nói riêng cũng như các bộ, ngành khác nói chung. Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội rất cao nên cần đưa ra những quy định phù hợp để điều chỉnh. Những quy định Bộ GTVT đưa vào Nghị định 86 lần này sẽ tạo ra môi trường mới, sân chơi mới để mọi doanh nghiệp tham gia. Chúng ta đang ở thời kỳ “quá độ” nên những quy định lần này có thể chưa làm “vừa lòng” tất cả các đối tượng chịu sự tác động, nhưng sẽ làm hành lang, bản lề để tiến tới sửa Luật Giao thông đường bộ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Báo Chính phủ