ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có những trao đổi thẳng thắn quanh dự thảo thông tư trong đó có quy định sinh viên cao đẳng, trung cấp sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học.
Phải xem lại quy trình
Liên quan đến việc Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên, trong đó bổ sung quy định sinh viên cao đẳng, trung cấp sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học được chia sẻ mới đây gây xôn xao dư luận. PV đã lắng nghe ý kiến của ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng.
Bày tỏ quan điểm của mình về dự thảo này ĐBQH Phạm Tất Thắng cho hay: “Vấn đề này liên quan đến đạo đức, thuần phong mỹ tục. Đặc biệt, liên quan đến người thầy sau này. Tôi cho rằng quy định trong dự thảo không phù hợp mà nên có những cân nhắc. Thậm chí, trong môi trường sư phạm, nếu có hành vi vi phạm đạo đức ấy có thể khẳng định rằng họ không đủ tư cách để làm thầy cô trong tương lai".
ĐBQH Phạm Tất Thắng chia sẻ quan điểm của mình về dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT gây bức xúc. |
Trước ý kiến cho rằng quy trình soạn thảo dự thảo này của bộ GD&ĐT có vấn đề, ĐBQH Phạm Tất Thắng bày tỏ: “Liên quan đến dự thảo, phải qua các bước cần thiết. Ở đây có sự kiểm soát quy trình xây dựng dự thảo. "Quy trình" là vấn đề nội bộ của Bộ, tuy nhiên chuyện nội bộ đó, quy trình tiến hành ra sao thì khi một văn bản được đưa ra để lấy ý kiến dư luận xã hội chắc chắn phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung (phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác, phù hợp với thực tế) và cả hình thức. Tôi cho rằng đây không phải là lần đầu tiên một dự thảo của bộ Giáo dục nhận được những phản ứng trái chiều.
Về mặt quy trình, thủ tục, cấp nào có thẩm quyền cho phép công bố dự thảo, cơ quan quản lý trong quá trình soạn thảo văn bản phải hết sức thận trọng. Nếu có những trường hợp tương tự xảy ra trước đó thì phải xem lại quy trình, xem nó phù hợp chưa, không để tình trạng văn bản khi công bố ra thì còn lỗi, khiến dư luận phản ứng gay gắt.
Có thể nói, sự cố này không phải lần đầu tiên thì rõ ràng quy trình phải xem xét lại, làm sao trong tương lai tránh việc như vậy. Như tôi đã nói, quy trình là trách nhiệm của Bộ. Bộ phải xem lại quy trình đúng hay chưa, chất lượng được kiểm soát ra sao”.
Cũng trong quá trình trao đổi với PV, đại biểu Tất Thắng bày tỏ việc không yêu cầu Bộ trưởng phải biết tất cả mọi chuyện trong lĩnh vực của mình. Bởi, bên cạnh Bộ trưởng còn có các Thứ trưởng, bộ máy giúp việc.
“Trong quá trình xử lý công việc, Bộ trưởng chịu trách nhiệm những việc gì, ở khâu nào thì hoàn toàn có thể ủy quyền cho các Thứ trưởng giải quyết.
Ngoài ra, đây là văn bản dự thảo nên có thể Bộ trưởng ủy quyền cho một cấp nào đấy để thẩm định trước khi công bố trước dư luận xã hội. Tất nhiên, khi có vấn đề gì xảy ra vẫn phải quy trách nhiệm là người đứng đầu. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào tính chất của công việc, tùy thuộc vào việc ủy quyền của Bộ trưởng”, ĐBQH Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Nên cân nhắc ra những văn bản kiểu này! Liên quan đến dự thảo “kỳ quặc” của Bộ GD&ĐT, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ: “Tôi không nắm được quy trình soạn thảo thông tư này, mà tôi chỉ nắm được ý kiến của cử tri về những vấn đề có liên quan đến thông tư mà dư luận đang quan tâm. Tôi cho rằng, việc phòng chống mại dâm hoàn toàn đúng, đặc biệt là phòng chống mại dâm trong giới trẻ. Tuy nhiên, nếu không đưa khéo léo thì sẽ hết sức nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề đó mà không ảnh hưởng đến hình ảnh của một nền giáo dục, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, chúng ta phải suy nghĩ rất kỹ bằng các giải pháp khác. Tôi nghĩ rằng, nên ra các văn bản tăng cường công tác giáo dục, tăng cường công tác xử lý về khía cạnh giáo dục thì tốt hơn là “trưng” lên một vấn đề gây suy diễn. Nên cân nhắc ra những văn bản kiểu thế này”. Cũng nói thêm về trách nhiệm của ai trong việc để dự thảo gây xôn xao này? ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho hay: “Trách nhiệm cuối cùng tôi nghĩ là của cơ quan ban hành, soạn thảo đó, ngoài ra còn các cơ quan tổ chức ban hành. Bởi, một quy phạm pháp luật là biểu hiện rất cao của văn hóa, cần làm thế nào văn bản quy phạm pháp luật là một nét văn hóa và phục vụ cho việc xây dựng một nền văn hóa”. |
Nguyễn Hường- Hoàng Bích
Theo Người Đưa Tin