+Aa-
    Zalo

    Nghi án xã thông đồng với chủ trang trại – nông dân nghèo phải mua bò giá cắt cổ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mặc dù được hỗ trợ kinh phí để mua bò sinh sản phát triển kinh tế, nhưng nhiều người dân ở xã Cư Kbang vẫn cương quyết không nhận bò. Một số khác...

    (ĐSPL) - Mặc dù được hỗ trợ kinh phí để mua bò sinh sản phát triển kinh tế, nhưng nhiều người dân ở xã Cư Kbang vẫn cương quyết không nhận bò. Một số hộ khác thì “ngậm đắng nuốt cay” khi phải mua một con bò không ưng ý với giá “cắt cổ”.

    Những hộ dân được hưởng chế độ đều cho rằng, chính quyền xã đã “bắt tay” với chủ trang trại ép dân vào thế phải mua bò, trong khi đó giá trị thực của nó quá chênh lệch với giá thị trường.

    Mua bò hay mua… bê?

    Hơn 2 tháng nay, người dân xã Cư Kbang (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) không khỏi bức xúc trước việc UBND xã triển khai việc hỗ trợ mua bò sinh sản, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo.

    Theo phê duyệt, Chương trình 755 sẽ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo. Việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015, áp dụng cho các hộ dân sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có, hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo quy định tại địa phương, có khó khăn về nước sinh hoạt...

    Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số xã ở huyện Ea Súp trong đó có xã Cư Kbang còn vướng mắc nhiều bất cập. Chính vì thế, nguồn kinh phí của chương trình được chuyển đổi sang các hình thức hỗ trợ người dân mua bò, đầu tư các phương tiện công cụ sản xuất...

    Theo đó, trong năm 2016, xã Cư Kbang được xét duyệt 100 hộ dân nằm trong diện hộ nghèo và được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, người dân sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và được ngân hàng chính sách cho vay vốn với số tiền 15 triệu đồng, lãi suất 1,2%/năm/hộ.

    Mặc dù, được hỗ trợ với chính sách ưu đãi nhưng nhiều hộ dân đã cương quyết không chịu nhận bò vì cách triển khai chương trình của xã Cư Kbang còn nhiều bất cập. Một số hộ dân khác vì sợ thiệt thòi, mất quyền lợi nên đành “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận lấy bò hỗ trợ của xã.

    Ông Hoàng Văn Thải (SN 1967, ngụ thôn 11, xã Cư Kbang) bức xúc: “Khi nhận được thông tin Nhà nước hỗ trợ người dân mua bò sinh sản để phát triển kinh tế, gia đình tôi vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất các thủ tục đến ngày đi nhận bò, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác không hài lòng với cách làm việc của UBND xã”.

    Theo ông Thải, UBND xã ấn định cho người dân bắt buộc phải mua bò tập trung ở trang trại Hoàn Tâm (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) mà không được mua ở nơi khác. Trong khi đó, bò lại được chủ trại “hét” với mức giá “cắt cổ”.

    Khi thấy giá cả không hợp lý, ông đã thắc mắc với chủ trang trại thì vị này nói, nếu không lựa chọn được thì sẽ báo cáo để chính quyền xã chuyển chế độ cho hộ gia đình khác. Biết rằng bị ép giá nhưng không còn cách nào khác ông Thải phải dắt một con bê mới lớn với giá 20 triệu đồng về nhà.

    Để chứng minh cho những gì mình nói, ông Thải đã dắt con bò mà mình mới mua với giá 20 triệu đồng từ trang trại Hoàn Tâm cho PV xem. Ông Thải nói: “Khi tôi vừa mang bò về nhà vợ con đã phản ứng gay gắt. Vì thực chất đây chỉ là một con bê chưa đầy 1 năm tuổi nhưng lại bị chủ trang trại ép mua với mức giá 20 triệu đồng. Một số hàng xóm nhận xét, mức giá thực của con bò mà tôi mua ở trang trại Hoàn Tâm thấp hơn nhiều”.

    Ông Triệu Văn Chương (ở thôn 6, xã Cư Kbang) cũng chia sẻ: “Khi đến xem bò ở trang trại Hoàn Tâm, chủ trang trại chỉ vào đàn bò và nói tất cả to, nhỏ đều đồng giá 20 triệu đồng. Sau nhiều lần lựa chọn mặc dù không ưng ý nhưng gia đình tôi vẫn phải chấp nhận mua đại một con bò để về nuôi. Nếu như con bò này người dân chúng tôi mua bên ngoài chỉ có mức giá không quá 15 triệu đồng”.

    Không chỉ gia đình ông Thải, ông Chương mà hàng chục hộ dân khác cũng rất bức xúc lấy bò về dù to hay nhỏ cũng chịu chung một mức giá là 20 triệu đồng. Tất cả họ đều lo rằng nếu không nhận bò thì chế độ sẽ được chuyển sang cho hộ khác, nên phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để được có bò.

    Xã chỉ định hướng?

    Chia sẻ với PV, chị Đàm Thị Thơ (SN 1988, ngụ thôn 3, xã Cư Kbang) cũng cho hay: “Bò ở trang trại Hoàn Tâm đa số là bê con, bò già, gầy... nhưng lại có giá cao, chủ trang trại lại không cho trả giá. Thời điểm chúng tôi đi mua bò, ông Cao Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kbang cũng có mặt tại trang trại.

    Khi người dân thắc mắc vì sao không để dân tự mua bò ở nơi khác thì ông Hoài nói phải mua bò ở trang trại Hoàn Tâm”(?!). Trước những ý kiến của người dân, ngày 26/12, PV báo ĐS&PL đã có cuộc làm việc với UBND xã Cư Kbang.

    Trao đổi với PV, ông Cao Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kbang xác nhận thời gian vừa qua UBND xã đã triển khai Chương trình 755 hỗ trợ bò sinh sản cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có kinh tế khó khăn.

    Ông nói: “UBND xã có định hướng cho người dân địa điểm tập trung mua bò. Vì theo chỉ đạo của UBND huyện nhằm hạn chế việc người dân sử dụng số tiền hỗ trợ sai mục đích, tiêu xài vào mục đích cá nhân nên chúng tôi phải áp dụng hình thức này để dễ quản lý”. Nói về những bức xúc của người dân trong việc không được tự do mua bò và bị chủ trang trại ép giá, ông Hoài cũng giải thích: “Chính quyền xã chỉ định hướng cho người dân nơi mua bò, còn lại giá cả thì họ tự thương lượng với chủ trang trại. Chúng tôi không hề hay biết về việc dân bị ép giá cũng như hù dọa sẽ chuyển chế độ cho hộ nghèo khác...”.

    Cũng trao đổi với PV về sự việc trên, ông Lê Văn Giang – Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Ea Súp cho biết: “Thực hiện Chương trình 755, năm 2016 qua xét duyệt trên toàn huyện Ea Súp rót về số tiền 940 triệu đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo mua bò sinh sản. Số tiền này đã được UBND huyện thống nhất phân bổ cho 3 xã Cư Kbang, Ea Rốk, Ea Lê và có 188 hộ được nhận hỗ trợ bò. Theo Chương trình 755 thì UBND xã chủ trì phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện, tổ chức họp dân, thống nhất ý kiến người dân rồi đưa ra phương án cụ thể báo cáo với cấp trên để triển khai. Việc người dân xã Cư Kbang phản ánh UBND xã ép dân mua bò với giá cao hơn chúng tôi mới nhận được thông tin. Chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định”.

    MAI CƯỜNG

    Đăng lại báo giấy số 156

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-an-xa-thong-dong-voi-chu-trang-trai-nong-dan-ngheo-phai-mua-bo-gia-cat-co-a176352.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan