Tết cận kề, nghệ sĩ Hồng Sáp lại băn khoăn chuyện kiếm tiền trang trải mấy ngày xuân. Tết năm nay của nữ nghệ sĩ có tuổi đời ngoài 80 không có gì mới mẻ, cũng như những năm trước bà chỉ mong đủ tiền đóng tiền trọ và dư ra chút đỉnh mua thịt về kho nồi thịt kho tàu nho nhỏ. Bao nhiêu năm theo nghề, mái tóc bạc phơ, gương mặt khắc khổ của bà tạo cảm xúc cho biết bao bài hát, bộ phim... nhưng đời bà dần chai sạn với cái nghèo, cái buồn từ thập kỷ này sang thập kỷ khác.
Nữ nghệ sĩ có mái tóc bạc phơ
Chào nghệ sĩ Hồng Sáp, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn xuất hiện trong các MV ca nhạc, phim ảnh. Không biết bà đi quay để đỡ nhớ nghề hay vẫn phải tần tảo mưu sinh như bao năm qua?
Tôi đi quay để trang trải cuộc sống, ai kêu đi quay vai gì tôi cũng đi. Vừa rồi, tôi tham gia một vai nhỏ trong một bộ phim sẽ phát sóng trong dịp Tết. Tôi quay ít phân đoạn lắm nhưng người ta vẫn trả cho tôi nhiều hơn bình thường một chút.
Nhiều người lớn tuổi đi quay phim bị quỵt cát-xê, chứ tôi thì không có chuyện đó. Nhiều đoàn phim thương tôi già cả, nghèo khó nên cho thêm tiền. Trong cách cư xử, người ta cũng quý trọng tôi lắm. Một đơn vị mời tôi đóng vai một bà già bán vé số, đi băng qua đường mà cho tôi 3 triệu đồng. Nhưng, những cơ hội làm việc như vậy cũng hiếm hoi lắm.
Mái tóc bạc phơ trở thành thương hiệu, giúp nghệ sĩ Hồng Sáp có nhiều vai diễn. |
Hiện tại, công việc chủ yếu của tôi để mưu sinh là theo cô Kim Phượng làm công tác phục trang cho nghệ sĩ của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Đoàn có lãnh hát chầu ở đâu, mướn đồ của cô Kim Phượng thì cô ấy kêu tôi đi bận đồ cho nghệ sĩ. Ba người làm phục trang cho đoàn. Mỗi đêm diễn, một người được 300.000 đồng. Diễn bao nhiêu suất thì được bấy nhiêu tiền. Lúc nào có người kêu đi quay, tôi lại nhận lời đóng phim.
Ngoài công tác phục trang, đóng phim, trước đây, bà cũng theo đoàn hát và có những vai phụ ấn tượng đúng không?
Hồi trẻ, tôi hát ở đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Ngày xưa, đoàn hát ở đình Nhơn Hòa. Cho nên, tôi sống ở đình và làm nghề chung với nghệ sĩ Bạch Mai – Đức Lợi. Tôi đi gánh hát Huỳnh Long từ hồi chưa chồng chưa con. Đến khi có chồng con, tôi vẫn gắn bó với đoàn.
Ngày nhỏ, tôi mê nghề hát. Vào nghề, tôi như một bông hoa được nhiều người yêu thích. Tôi đâu biết về già khổ sở dữ vậy. Đã vậy, tôi còn lấy chồng chung nghề, ổng đánh đàn cho đoàn Huỳnh Long luôn chứ đâu. Ông chết rồi, chung thủy nhưng mà tánh ổng kỳ. Nhậu vô, ổng đánh đập tôi ghê lắm.
Hồi đó, nghề hát đâu có sung sướng gì, cơm chiều của người ta là cơm sáng của mình. Tôi thường hát mấy vai nhỏ nhỏ thôi, như vai dì ghẻ trong vở Tấm Cám. Trong vở Lưu Kim Đính, tôi đóng vai bà chằn, rồi đóng mấy cái vai xí xọn trong các vở tuồng của đoàn Huỳnh Long. Lúc đó, tôi còn trẻ nên phải vẽ mặt già.
Sống và làm việc cùng đoàn hơn 50 năm, tôi chứng kiến từng lớp nghệ sĩ trẻ thành danh như Kim Tử Long, Vũ Linh, Ngọc Huyền... Vũ Linh hát siêu lắm, nổi tiếng ghê lắm.
Nghệ sĩ Hồng Sáp cùng nghệ sĩ Bình Tinh trong hậu trường. |
Bà bén duyên với phim ảnh khi tuổi đã cao, chỉ hợp đóng những vai già yếu. Mái tóc bạc phơ của bà dần trở thành thương hiệu để người trong nghề nhớ đến. Chắc bà yêu quý mái tóc của mình lắm?
Người ta nói tôi già rồi, hơn 80 tuổi mà sao diễn hay quá. Một phần tôi nhờ mái tóc bạc trắng không ai có. Ngày trước, lâu lắm rồi, thấy tóc bạc, tôi nhờ mấy đứa nhỏ nhổ tóc giùm. Tụi nhỏ bắt tôi phải cho tiền uống cà phê, tôi giận để tóc bạc trắng, không thèm nhờ nữa. Ai dè, nhờ đó mà tôi có được vai diễn, có tiền đắp đổi qua ngày.
Tôi toàn đóng vai nghèo, bà già, bà mẹ nghèo, bà già khùng điên, bà già say xỉn, phù thủy... Tôi nhớ, hồi đó, tôi đang hát thì người ta quay một bộ phim có cảnh đám cưới. Thấy vậy, tôi ham vui, xin theo đóng vai quần chúng. Trong lúc quay, họ thấy mặt của tôi có hậu nên đề nghị tôi đóng vai người mẹ lớn tuổi.
Mong đủ tiền đóng trọ và nấu được nồi thịt kho ăn Tết
Nghe nói, ngày trước, khu vực đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long hoạt động có nhiều giang hồ trú ẩn. Bà sống ở đó lâu năm, có chứng kiến cảnh nghệ sĩ bị giang hồ kiếm chuyện không?
Hồi xưa giang hồ nhiều lắm mà giờ công an, chính quyền xóa sạch rồi. Hồi đó, ngày nào cũng có vụ giang hồ đâm chém, thanh toán lẫn nhau. Nhà thương ngay chợ Bến Thành biết người ở đây lên chữa vết thương, họ sợ lắm.
Chỗ đình Nhơn Hòa ngày nay, ngày xưa gọi là đình Cầu Muối, nổi tiếng trong giới giang hồ. Họ đánh lộn bằng đèn tuýp. Tôi nhớ lúc đó, chỗ này có ông giang hồ tên Năm Đen. Ổng coi vậy mà cũng dễ thương không phá phách đoàn hát bao giờ. Giang hồ hút chích, cờ bạc, đánh đề... có đủ. Chúng tôi là nghệ sĩ nghèo nên cố gắng không dính vào tệ nạn.
Tôi sống ở đình cũng được 50 năm. Giờ tôi ở trọ bên gần cầu Kênh Tẻ, quận 7. Sáng tôi kêu honda ôm chở qua đây ngồi chơi, uống nước, trò chuyện với mọi người. Mọi thứ rất thân thuộc với tôi.
Quá khứ nghèo khổ, hiện tại cũng chật vật, bà có tủi cho phận một kiếp người long đong, chưa có 1 ngày thôi suy nghĩ chuyện cơm áo gạo tiền?
Có lẽ, tôi quen dần theo năm tháng nên không thấy buồn nữa. Tôi sinh ra ở Hà Nội, rồi theo cha mẹ vào miền Nam năm 1940. Ba tôi cũng đàn, má tôi cũng hát. Ba má tôi chết ở đây hết. Má tôi may mắn chết ở bên Cây Quéo, Gò Vấp, còn ba tôi đi hát tha hương, rồi chết ở Cần Thơ. Tôi phải xuống lấy cốt đem về.
Lúc lấy chồng, tôi đi sinh mà không có tiền trả cho nhà thương. Mọi người trong đoàn hát thương, chung tay lo giúp. Tôi đẻ 7 đứa con, mà chết hết 3 đứa gái và 1 thằng con trai. Không có tiền bạc nên bệnh tật không có chạy chữa, thuốc men, bệnh nặng phải chết thôi.
Mấy đứa con còn sống cũng không khá giả, không đủ sức lo cho tôi. Thế nên, tôi tự xoay xở sống qua ngày, tự làm tự ăn. Tết nhứt tới nơi, tôi mong có việc để làm, có tiền nấu được nồi thịt kho tàu nho nhỏ ăn trong mấy ngày Tết. Tôi khổ vậy mà cũng có người đành đoạn lừa tôi nữa.
Xin chia sẻ nỗi buồn, xui rủi của bà. Nếu có thể, bà thuật lại chuyện bản thân bị lừa gì và lừa như thế nào?
Người ta lừa lấy 200 triệu đồng của người hảo tâm ở nước ngoài gửi cho tôi. Năm ngoái, một cô gái tự xưng là người giúp việc thân cận của nữ Việt kiều ở Pháp đến nhà gặp tôi. Cô ấy nói, bà chủ có gửi cho tôi một số tiền ăn Tết. Tôi nhận số tiền đó và được quay hình gửi sang nước ngoài.
Năm nay, cô gái ấy lại đến và báo tôi được cho 200 triệu đồng, rồi yêu cầu tôi đi ra ngân hàng nhận tiền. Thế nhưng, khi đến ngân hàng, sau khi kêu tôi ký giấy tờ, cô gái này liền lẻn đi mất. Tôi chờ mãi không thấy cô ấy quay trở lại nên hỏi nhân viên ngân hàng. Họ nói, tôi bị cô ấy lừa.
Tôi buồn bã quay trở về nhà mà không biết phải làm sao. Tôi không biết người cho tiền tên gì, nhà ở đâu, chỉ biết là 1 Việt kiều đang sống ở Pháp. Tôi cũng chẳng biết người lừa tôi là ai, ở đâu. Phải chi nhận được nhiêu đó tiền, tôi đỡ lo nhiều lắm. Tết và tiền nhà khỏi phải lo. Giờ, tôi phải làm, kiếm tiền đóng tiền nhà.
Ai nghe tôi kể cũng chửi tôi ngu, làm sao tôi biết được họ nhẫn tâm lừa một người vừa già yếu vừa nghèo như tôi đâu.
Xin cảm ơn bà, năm mới, chúc bà thật nhiều sức khỏe và may mắn!
Đào lẳng, đào độc của cải lương Hồ Quảng Nghệ sĩ Hồng Sáp tên thật là Bùi Hồng Sáp, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Năm 1940, bà cùng cha mẹ theo đoàn hát Kim Chung vào Sài Gòn. Tuổi thơ của bà lang bạt nay đây mai đó cùng cha mẹ trong các đoàn Kim Chung, Nam Hồng, Đức Quy. Hồng Sáp bước lên sân khấu cải lương năm 14 tuổi, bắt đầu từ những vai nhỏ. Năm 28 tuổi, bà về đoàn hát Huỳnh Long và được khán giả nhớ đến qua các vai đào lẳng, đào độc trong một số tuồng cải lương Hồ Quảng như: Tấm Cám, Lá chắn biên thùy, Tình sử A Nàng, Sấm dậy hận lòng thơ, Hai dòng sữa mẹ... |
Ngọc Lài
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 4