Nghệ sĩ Châu Thanh tên thật là Trần Tuấn Kiệt, được khán giả nhớ đến bởi chất giọng trầm ấm và cách vào vọng cổ hơi dài. Giờ đây, dù đã ở đoạn cuối của đường đời, ông vẫn khắc khoải nỗi niềm ca diễn và thèm cảm giác được khán giả… ném dép vào người, chửi rủa khi bước lên sân khấu.
Nghề hát đã “chiếm” lấy tôi
Nghệ sĩ Châu Thanh kể, lúc còn nhỏ, ông chưa một lần dám nghĩ mình sẽ trở thành nghệ sĩ hát cải lương, dù máu nghệ sĩ lúc nào cũng “sục sôi”. Gia đình thuần nông, nhà đông anh em nên cái nghèo cứ đeo bám mãi không dứt. Tuổi thơ nghệ sĩ Châu Thanh gắn liền với đói rét. Quần áo đều được mẹ xin nên cái thì quá ngắn, cái lại quá dài. Ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Thế nhưng, tố chất nghệ sĩ của Châu Thanh sớm bộc lộ. Sau mỗi mùa cấy lúa, ông lại đến từng nhà xin việc làm rồi hát góp vui.
Ông nói: “Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản lắm. Tôi cứ nghĩ, mình hát nếu họ nghe được thì sẽ được mời ở lại ăn cơm, đỡ được một bữa và nhường lại cơm gia đình cho em út”.
Niềm đam mê ca hát sống dậy trong ông từ đó. Thế rồi, niềm đam mê ấy lớn thêm lên sau mỗi lần ông nghe cải lương trên radio. Nhưng, đói nghèo đeo bám mãi không buông, cha mẹ ông ngày một già đi, những đứa em còn quá nhỏ và ông không đành lòng để các em chịu khổ như mình. Vì vậy, dù rất yêu hát, khát khao được hát, ông vẫn phải quyết định chôn giấu ước mơ cùng nỗi đau quặn thắt.
Nghệ sĩ Châu Thanh trên sân khấu Sao nối ngôi. |
Thế nhưng, dường như nghề hát đã chọn ông để nâng tầm những vở cải lương tưởng chừng đã trở thành huyền thoại. Nghệ sĩ Châu Thanh cho biết: “Có lẽ, nghề hát đã chiếm lấy tôi. Một lần, đoàn Sài Gòn II về quê diễn. Tôi muốn đi xem, muốn được hát. Ba mẹ và các em tôi ủng hộ lắm. Họ khuyên tôi nên sống với đam mê của mình. Nhưng, tôi còn nhiều đắn đo, mãi vẫn chưa đi. Cậu của tôi là nhạc sĩ Đoàn Huy và là người chơi nhạc trong đoàn. Lần nào đoàn hát, tôi cũng xin cậu cho vé. Tôi đến với nghề hát cũng nhờ cậu. Lần này, tôi cũng tính đến xin cậu vé, nào ngờ ông lôi tuột tôi vào trong đoàn, xin NSND Diệp Lam cho tôi thử giọng”.
Cuối cùng, NSND Diệp Lam hỏi chàng thanh niên trẻ có thích cải lương không? Nếu có, hãy lên Sài Gòn tìm ông. Đêm ấy, nghệ sĩ Châu Thanh cảm thấy náo nức. Ông không xem vở diễn mà chạy thẳng về nhà khoe với gia đình.
“Ai cũng ủng hộ tôi. Mẹ tôi còn bán luôn đôi gà lấy tiền cho tôi làm lộ phí”, nghệ sĩ Châu Thanh nhớ lại.
Khắc khoải nỗi nhớ sân khấu và thèm được “ăn dép”
Không như tưởng tượng, nghệ sĩ Châu Thanh đến với giấc mơ nghệ sĩ hào nhoáng trong vô vàn khổ cực.
Ông chia sẻ: “Lần đầu lên Sài Gòn, sau bao nhiêu khổ cực tôi cũng tìm thấy đoàn Sài Gòn II. Nhưng, vừa đến thì đoàn nghỉ diễn, tôi đành ngủ trước cổng đoàn nuôi muỗi đói,... Cuối cùng, tôi cũng được gặp chú Diệp Lam, chú dẫn tôi vào đoàn ở và tôi bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường nghệ thuật. Nhưng, khổ cực không phải chỉ có thế. Tôi vốn là nông dân, quen tự nhiên, vào đoàn phải tuân thủ giờ giấc, quy củ,... làm tôi bị gò bó, khó chịu”.
“Đêm đến, tôi ngủ phía sau sân khấu, lấy tấm vải che cánh gà làm chăn đắp. Tôi thấy mình ngủ chung với muỗi, chuột, kiến,... lắm khi bị muỗi, kiến cắn sưng khắp người. Sống đời nghệ sĩ không sung sướng như tôi nghĩ, bởi đến cơm còn không đủ ăn”, nghệ sĩ Châu Thanh nhớ lại.
Buồn hơn, có lần, nhớ nhà quá, nghệ sĩ Châu Thanh trốn đoàn về thăm quê. Mang danh nghệ sĩ, ông muốn mình thật tươm tất nhưng khổ nỗi không có cái áo lành để mặc. Ông đành mượn các anh chị trong đoàn.
Ông kể: “Thấy vậy, danh hài Tư Ròm cho tôi mượn 50 đồng. Lúc đó, số tiến này lớn lắm, tôi không dám nhận vì sợ không trả được. Nhưng, anh Tư vẫn bảo cầm lấy khi nào có thì trả, không thì thôi. Tôi dùng số tiền này mua 50 ổ bánh mỳ về thăm bà con lối xóm, chia mỗi nhà 2 ổ. Thấy vậy, ai cũng vui, cũng khen Châu Thanh là mới làm nghệ sĩ mấy tháng mà giàu có và tốt tính. Nghe vậy tôi đau lắm, nhưng chỉ cố giấu trong lòng. Không ai biết rằng vì yêu nghề, dù đói khát, tôi cũng gắng tỏ ra mình thành công”.
Tuy nhiên, với nghệ sĩ Châu Thanh, những ngày ấy là những tháng ngày ngập tràn hạnh phúc. Ông được đắm mình trong những vai diễn, thăng hoa trên sân khấu cùng vô số vở cải lương. Khán giả từng nhớ đến ông qua chất giọng trầm ấm và cách vào vọng cổ hơi dài.
Từ những năm 1979, ông bắt đầu đóng thế một số vai trong các vở: Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa, Tiếng hò sông Hậu, Nếu em là hoàng đế, Nắng ấm ngoại ô... với nghệ danh Tuấn Kiệt. Sau đó, ông được nghệ sĩ Phương Bình mời về cộng tác và diễn các vai chính cho đoàn cải lương Hương Biển. Lúc này, ông đổi nghệ danh là Bảo Châu, diễn trong các vở: Giọt máu oan cừu, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Bạch Viên - Tôn Cát, Thạch Sanh - Lý Thông...
Năm 1981, ông về đoàn cải lương Sài Gòn III, có mặt trong các vở: Tình ca biên giới, Nàng Sa-Rết, Mái tóc người vợ trẻ... Cuối cùng, ông về hát cho đoàn cải lương Cao Nguyên, bắt đầu luyện ca hơi dài. Năm 1987, ông được mời về đoàn cải lương Trung Hiếu, khẳng định tên tuổi với danh nghệ sĩ ca hơi dài ấn tượng và có nét riêng trong cách ca, xử lý ngân luyến. Lúc này, ông lấy nghệ danh là Châu Thanh. Hát nhiều, diễn nhiều là thế nhưng không mấy ai biết, nghệ sĩ Châu Thanh thành danh từ một lần run rẩy... vì đói.
Ông kể: “Lần đầu tôi hát là khi anh Tuấn Anh hát kép chính với chị Ngọc Bích, nhưng vì bận nên không đến đoàn được. Lúc này, chú Diệp Lam cho tôi hát thay anh Tuấn Anh trong vở Khách sạn Hào Hoa. Tới cảnh người đàn ông ghen run lên khi thấy người mình yêu đang trong vòng tay kẻ khác, đôi tay tôi run lên bần bật.
Xem cảnh ấy, ai cũng khen là đóng rất giống, nhập tâm đến độ tay run rất tự nhiên. Nào ngờ, vì đói quá mà tay chân tôi run, run là run thật, run vì đói chứ có phải cố đóng cho giống đâu. Nhưng, những buổi đói, no ấy khiến tôi yêu nghề biết chừng nào, khao khát được hát biết chừng nào. Giờ đây, cái sân khấu để diễn những vở tuồng như ngày xưa hầu như không còn”.
Trong ánh mắt xa xăm, nghệ sĩ Châu Thanh mông lung về những “ngày trước”. Những ngày ông đóng vai ác đạt đến nỗi bị khán giả ném cả dép lên sân khấu. Bị “ăn dép”, chửi rủa,... nhưng ông cảm thấy “đã lắm”, sướng lắm bởi còn được sống với nghề. “Giờ đây, tôi thèm cảm giác được sống với nhân vật trên sân khấu ghê gớm. Thèm cái cảm giác ấy, tôi đã cùng cô Lệ Thủy, Minh Dương rủ nhau đến sân khấu hát không lương nhưng vẫn không cứu nổi sân khấu. Thâm tâm tôi vẫn ước sao sân khấu sáng đèn để anh em được quây quần, sống với nhân vật".
Dung Nhi - Hà Nguyễn
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 78