+Aa-
    Zalo

    Nghề luật ....

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Để nhìn lại nghề luật năm qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Cao về nghề luật, đời sống pháp luật và những câu chuyện về thể chế pháp luật

    (ĐSPL) - Năm 2016 đã qua, bước sang năm 2017 với những chuyển động mới của đất nước. Để nhìn lại nghề luật năm qua và cũng là để cảm nhận được kỳ vọng năm tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng) về nghề luật, đời sống pháp luật và những câu chuyện về thể chế chính sách pháp luật nhằm hướng đến một tương lai tươi sáng hơn cho nghề luật ở Việt Nam hiện nay.

    Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng)

    - Chào luật sư, ấn tượng lớn nhất trong đời sống pháp luật năm qua là gì, những sự kiện nào gây cho ông sự chú ý qua một năm hành nghề của mình?

    Có lẽ với chúng tôi năm vừa qua tiếp tục là một “năm giải oan”, những vụ án oan trong những năm gần đây được liên tiếp giải, các nạn nhân của nền tố tụng dần dần được minh oan với những câu chuyện li kỳ đầy nỗi đau. Chúng ta thấy được mỗi án oan từ Nguyễn Thanh Chấn, Trần Văn Thêm, Huỳnh Văn Nén, Châu Ngọc Ngừng … hay mới nhất là Hàn Đức Long đều ẩn chứa những câu chuyện tố tụng vô cùng khốc liệt.

    Các thân phận đau thương nêu trên được giải oan, vậy là công lao của người thân của các nạn nhân, các luật sư, các nhà báo bao nhiêu năm đã được ghi nhận bằng những phán quyết giải oan của những người tiến hành tố tụng. Nếu không có công lao kêu oan thì sẽ không có thành quả giải oan, nhưng nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không chịu lắng nghe, không chịu hành nghề bằng trí tuệ và đạo đức, không có tinh thần phục sự công lý thì họ cũng sẽ không có quyết định giải oan cho người dân. Và vì vậy, trong các câu chuyện hàm chứa nhiều hàm lượng cổ tích và tiểu thuyết từ những vụ án oan, chúng ta thấy có cả buồn vui lẫn lộn liên quan đến nghề luật.

    - Còn những gì mà luật sư thấy chưa được hài lòng nhìn từ chuyện hành nghề trong năm qua?

    Nếu ở góc độ hành nghề luật chung, chúng ta vẫn sẽ còn nhiều chuyện chưa hài lòng. Ngay cả chuyện giải oan ở các vụ án vừa kể cũng là minh chứng cho một hệ thống tố tụng còn rất nhiều lỗi, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có những sự tưởng tượng đầy chất tiểu thuyết khi xây dựng cho những nhân vật của họ những tội lỗi không hề có thực dẫn tới thân phận của những người này phải chịu đựng vô vàn nỗi đau khổ, gia đình của họ tan nát.

    Chúng ta nhận ra phía sau những án oan được giải là những phía buồn vui khác nhau trong chuyện nghề. Buồn là bởi chúng ta đang tồn tại một nền tố tụng đầy rủi ro, có một số những người tiến hành tố tụng sẵn sàng tạo ra tội phạm theo cách họ nghĩ và họ muốn, trong khi đó vai trò, vị thế của luật sư trong các vụ án này bị bỏ qua, lơ đi, bị tê liệt và hầu như không được ghi nhận gì trong toàn bộ nỗ lực của họ khi bảo vệ cho thân chủ. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng có quan tâm đến những bản luận cứ bào chữa, những đơn kêu oan từ sớm, thì số phận của các nhân vật đầy đau thương như trên đã khác. Buồn, là vì luật pháp hiện hành có vẻ như chỉ ghi nhận quyền có mặt của luật sư trong các vụ án hình sự, nhưng chưa thực tâm cho họ quyền được tham gia vào quá trình tìm ra sự thật của vụ án, trao cho họ quyền thu thập, cung cấp chứng cứ nhưng lại không cho họ được tham gia vào việc tìm ra chứng cứ, và chứng cứ mà luật sư cung cấp không được xem xét độc lập để giải quyết vụ án.

    - Và còn những điều gì nữa ở nghề luật khiến những người như luật sư đam mê và kỳ vọng trong năm tới?

    Giữa vui và buồn của chuyện nghề vẫn còn những điều tốt đẹp khác cho nghề luật. Thực ra, chúng tôi có quan niệm hành nghề luật ở chiều rộng hơn, với nhiều vị trí vai trò khác nhau chứ không chỉ riêng nghề luật sư. Thời gian qua các câu chuyện thời sự người ta bàn rất nhiều đến đời sống pháp lý, người dân quen thuộc hơn với các cuộc tranh luận trên báo chí từ quy định về pháp luật bảo hiểm xã hội, chuyện sai sót của Bộ luật hình sự, chuyện tăng thuế môi trường, chuyện chế độ cho người phụ nữ mang thai …  Những câu chuyện đó được báo chí truyền thông truyền tải và được dư luận xã hội phản ứng tức thì, tạo nên những làn sóng ý kiến sôi động. Hiện tượng đó cách đây mười năm về trước không có, rất hiếm. Chuyện làm luật, sửa luật chỉ đâu quanh quẩn trong bàn giấy, ở phòng họp, chỗ của giới ngành chuyên môn chứ chưa chạm đến một cách hiện hữu tới người dân như bây giờ. Giờ thì khác rồi, chúng tôi biết có các doanh nghiệp, tập đoàn họ can có thể can thiệp vào việc làm chính sách, hoặc họ phản ứng quyết liệt với các chính sách vì sự sống còn của chính họ, vì lợi ích của họ. Chúng tôi cũng thấy người dân lo lắng khi luật này, nghị định kia, thông tư nọ có nguy cơ tạo ra các hệ lụy tiêu cực cho đời sống của họ. Đó chính là biểu hiện của một xã hội văn minh phải sống trên nền tảng luật pháp. Và do đó sẽ cần những người làm nghề luật, tôn trọng hơn đến nghề luật.

    - Chúng ta thấy Chính phủ đang quan tâm sâu sắc đến vấn đề khởi nghiệp, vậy ông nghĩ gì về cơ hội và thách thức với nghề luật trong điều kiện nhà nước quan tâm nhiều đến khởi nghiệp và kinh doanh?

    Hiện chúng tôi đang thường xuyên tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nên chúng tôi hiểu sự cần thiết phải nắm vững các vấn đề pháp lý như là một trụ cột làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhân sự có trình độ về luật, một đất nước có thể chế thực sự tôn vinh các doanh nghiệp, thì chắc chắn cơ hội vì thế cũng mở ra cho nghề luật.

    Trên thực tế không phải chỉ doanh nghiệp mới cần đến luật lệ, mà hiện nay ngay cả các cơ quan hành chính nhà nước cũng rất cần bộ phận pháp chế để tránh cho các cơ quan này quản lý hành chính nhưng lại trái luật. Từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55 về tổ chức pháp chế với các quy định về chức năng nhiệm vụ và sứ mệnh của các tổ chức pháp chế trong các cơ quan nhà nước. Do đó, những năm gần đây, khi đọc tin tuyển dụng chúng ta không chỉ thấy doanh nghiệp tuyển người làm cho các ban pháp chế mà cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng tuyển người làm nghề luật cho ban pháp chế, bộ phận pháp chế của họ. Như thế, nghề luật cũng như các nghề khác ở Việt Nam đều đứng trong nguy cơ thất nghiệp đối với sinh viên mới ra trường, nhưng nghề luật cũng có đầy đủ cơ hội để phát triển một cách độc lập với sứ mệnh của nghề kể cả khối các cơ quan nhà nước hay phía doanh nghiệp tư.

    - Ông kỳ vọng gì ở chính mình và những người cùng hành nghề với mình?

    Năm qua chúng ta cũng thấy một số vấn đề thị phi liên quan đến nghề luật, và do thế câu chuyện hành nghề rất đáng suy nghĩ. Làm nghề thế nào để khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư đồng nghiệp tôn trọng là một bài toán vô cùng khó giải nhưng cũng là bài toán buộc các luật sư phải giảng vì đặc trưng đạo đức nghề nghiệp mà mình đang mang.

    Do vậy, khi hành nghề chúng tôi kỳ vọng chính mình, đồng nghiệp mình làm sao giữ được đam mê nghề nhưng cũng giữ được sự trân trọng từ đối tác, khách hàng và đồng nghiệp của mình. Chúng tôi cần như thế để đón đợi một năm mới với nhiều cơ hội và thách thức đang chờ chúng tôi ở đó.

    Xin cảm ơn luật sư!

     

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-luat-a178832.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan