Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ ngày 13/10 đến ngày 15/10, ở Nghệ An có mưa vừa đến mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm và còn diễn biến phức tạp; nguy cơ cao xảy ra ngập sâu tại vùng trũng thấp, ngập úng tại đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa có công điện yêu cầu các địa phương, Sở ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ.
Theo tin tức thời sự trên báo Kinh tế Đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT-TKCN và PTDS) yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai.
Tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Chủ động chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt. Chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dâ chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.
Đồng thời hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày; Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra...
Miền Trung hiện tiếp tục đối mặt với các đợt mưa lớn liên tiếp ít nhất từ nay đến 20/10 và khả năng còn kéo dài, nhiều diễn biến phức tạp. Một số nơi mưa rất lớn đến 800mm, gây ngập lụt diện rộng.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, theo báo Vietnamnet, có ít nhất 2 người tử vong do bị lũ cuốn (ở Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh) và hàng trăm nhà dân bị ngập, chủ yếu ở tâm mưa Đà Nẵng.
Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 do mưa lớn ở 2 tỉnh thành là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong bối cảnh 2 địa phương chịu một đợt mưa đặc biệt lớn và liên tiếp 2 ngày qua. Đồng thời, Quảng Nam cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấp 2; Hà Tĩnh: cấp 1.
Theo lãnh đạo cơ quan khí tượng, nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh phía Bắc liên tục tràn xuống, tương tác với một dải hội tụ nhiệt đới trên cao đi qua khu vực Trung Bộ, cùng lúc trên các tầng khí quyển trên cao từ 1.500 - 5.000 m, có đới gió Đông hoạt động mạnh.
Tổ hợp hình thái thời tiết trên đã gây ra đợt mưa lớn liên tiếp trên diện rộng ở khu vực miền Trung.
Đồng thời, theo các chuyên gia khí tượng, thời tiết tháng 10 là một trong những tháng mưa lớn nhất trong năm ở miền Trung. Do đó, từ 11/10 đến nay, ở Bắc và Trung Trung Bộ liên tiếp xảy ra lượng mưa rất lớn, trong đó khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là trọng tâm.
Vân Anh (T/h)