(ĐSPL) - Bên cạnh việc kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT Nghệ An còn lồng ghép tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện.
Trong thời gian qua, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh Nghệ An) đã tiến hành, thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh do đơn vị phụ trách.
Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp.
Lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. |
Theo đó, Đội CSGT số 3 đã tăng cường tuần tra lưu động vào khung giờ “nhạy cảm” trong ngày (12h đến 14h; từ 19 đến 22h). Kết quả xử lí vi phạm từ ngày 16/10 đến 12/12, đơn vị đã xử lí 45 trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép.
Thiếu tá Đào Văn Lợi, Đội phó Đội CSGT số 3 cho biết, cơ bản người vi phạm chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng, tuy nhiên cũng có người khi bị yêu cầu dừng xe thì đóng cửa ô tô “cố thủ”. Có trường hợp không chịu thổi vào máy đo hoặc thổi rất nhẹ rồi tìm cách câu giờ như gọi điện thoại cho nhiều người... Bên cạnh đó, chuyện say xỉn rồi thách thức, có hành vi thiếu văn hóa với công an vẫn diễn ra.
Thực tế, bên cạnh việc xử lý kiên quyết, lực lượng còn lồng ghép tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh các quy định, chế tài xung quanh việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện.
Từ đó, đa số người dân đều nắm được quy định xử phạt mới và có ý thức hơn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, đặc biệt là không sử dụng rượu, bia khi điều khiển các loại xe tham gia giao thông.
Tăng cường lực lượng CSGT tuyên truyền, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là chủ trương đúng đắn, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Bởi khi đã biết mức xử phạt cao, người điều khiển phương tiện sẽ phải cân nhắc giữa việc uống hay không trước khi ra đường, Thiếu tá Lợi thông tin thêm.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/8, người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với người điều khiển ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, về chất ma túy của người thi hành công vụ. Đối với người điều khiển mô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Tiến Thành