VietNamNet đưa tin tối 7/11, lãnh đạo UBND xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cho biết các y bác sĩ trên địa bàn vừa kịp thời cứu sống một học sinh ăn lá ngón tự tử.
Theo đó, sáng cùng ngày, em T.Y.R. (11 tuổi, học sinh tiểu học, trú tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ) về nhà thì gặp bố mẹ mâu thuẫn, cãi nhau. Ăn cơm ở nhà xong, R. ăn một ít lá ngón, sau đó lấy một nắm lá ngón bỏ vào cặp đưa đến trường để ăn tiếp.
Phát hiện sự việc, các bạn cùng phòng nội trú ở trường với học sinh R. lập tức gọi giáo viên đưa em đến Trạm y tế xã Tri Lễ. Bệnh nhi được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, sợ hãi.
Theo thông tin trên báo Biên Phòng, các y bác sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ và Trạm y tế xã Tri Lễ khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu chữa cho bệnh nhi.
Sau gần 2 giờ tích cực cấp cứu, bệnh nhân đã dần ổn định. Hiện nay, sức khỏe của bệnh nhi đang tiến triển tốt, dần bình phục.
Liên quan đến việc ngộ độc lá ngón, báo Lào Cai đưa tin ngày 24/10, Phòng khám Đa khoa khu vực Mường Hum đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là G.A.B (21 tuổi) và V.T.S (15 tuổi, thường trú tại xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).
Hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, sùi bọt mép, thở yếu, suy hô hấp. Tại đây, cán bộ y tế phòng khám đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân.
Các bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hiện, cả hai bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, tự đi lại, ăn uống bình thường và được xuất viện.
XEM THÊM: Phòng GD&ĐT Gò Vấp thông tin về vụ nhóm nữ sinh lớp 9 đánh bạn ngay trong nhà vệ sinh
Cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans. Lá ngón được người dân gọi với các tên khác là ngón vàng, thuốc rút ruột, cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo, câu vẫn.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Khi bị ngộ độc lá ngón, cần xử trí sớm, tích cực, khẩn trương và sử dụng các biện pháp gây nôn ngay cho bệnh nhân (nếu bệnh nhân còn tỉnh), sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để xử lý và điều trị kịp thời.
Đinh Kim(T/h)