Trong 6 tháng đầu năm, Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 39 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.447,16 tỷ đồng.
Nghệ An đã cấp mới cho 39 dự án trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Báo Đầu Tư |
Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra hôm 20/7.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 2,69%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,98%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,11% ; khu vực dịch vụ tăng 0,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,59% so cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Vinh, trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 6.964,51 tỷ đồng, đạt 45,8% dự toán và bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Nguồn vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 33.593,5 tỷ đồng, tăng 11,37% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tập trung 5 tháng đạt 33,93% kế hoạch giao (bình quân cả nước giải ngân 23,25% so với kế hoạch Quốc hội giao và 26,39% so với kế hoạch Chính phủ giao); thực hiện tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 44,17% kế hoạch.
Bên cạnh đó, tỉnh này đã chấm dứt hoạt động đối với 8 dự án có tổng diện tích đất 168,03 ha, đưa tổng số dự án bị thu hồi đến nay là 176 dự án. Ngoài ra, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid -19.
Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Các cấp, các ngành cần tập trung, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch đã đề ra ở mức cao nhất, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
11 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động...
Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, xúc tiến, thu hút đầu tư; Chủ động theo dõi và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc triển khai các dự án đã có chủ trương, giấy phép đầu tư.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Các cấp, các ngành, các địa phương phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.
Tập trung điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. Chủ động quản lý điều hành tài chính ngân sách trong các tình huống do dịch bệnh gây ra, đảm bảo cân đối ngân sách; tổ chức chi ngân sách theo dự toán và khả năng thu ngân sách. Tăng cường kỷ luật tài chính ngân sách, điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao...
Bạch Hiền (t/h)