Theo ông Hải, dự án Cần Giờ có quy mô lớn, nằm kế vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển nên bộ Tài nguyên và Môi trường đã "hết sức thận trọng" trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo.
Sáng ngày 20/7, tại cuộc họp báo thường kỳ do bộ Tài nguyên và Môi trường (bộ TN&MT), nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến đánh giá tác động môi trường dự án lấn biển Cần Giờ và kết quả của việc đánh giá này.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ thẩm định Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường) cho hay, ngay khi nhận hồ sơ dự án, bộ đã ý thức rõ trách nhiệm khi xem xét dự án để vừa đảm bảo phát triển kinh tế và vừa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài việc xem xét thực thi, đơn vị cũng có các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường nhằm hạn chế tác động đối với dòng chảy, xói lở.
"Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận dự án khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi hết sức thận trọng trong báo cáo tác động môi trường", ông Hải liên tục nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng thẩm định đánh giá tác động môi trường. Ảnh: VnExpress |
Trong quá trình thẩm định hồ sơ, bộ TN&MT nhận thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ các tác động có thể có nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường. Ngoài ra, chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ kỹ thuật, chuyên đề nghiên cứu và báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức ở trong nước và quốc tế.
Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Cần Giờ, song ban hành kèm theo 15 điều khoản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Ông Nguyễn Xuân Hải cho biết việc có các điều kiện kèm theo phù hợp với quy định về phê duyệt báo cáo, do đánh giá tác động môi trường hoàn toàn là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án.
Để việc đánh giá đảm bảo tính khách quan và hợp lý, ông Hải cho biết hồ sơ phê duyệt dự án còn có các báo cáo chuyên đề do các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước thẩm định.
Theo ông Hải, đối chiếu với văn bản của UNESCO ở Việt Nam và văn bản của Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, các đơn vị chức năng xác định dự án nằm tiếp cận với vùng chuyển tiếp của Khu Du lịch sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Do đó, việc thực hiện dự án không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và khung pháp lý của UNESCO.
Năm 2004, UBND TP.HCM quyết định giao Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư Dự án Lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ. Đến năm 2007, chủ đầu tư khởi động dự án trên diện tích 600 ha theo quyết định giao đất nhưng dự án bị đình trệ do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính. Tháng 6/2020, Chính phủ đồng ý điều chỉnh mở rộng dự án này từ 600 ha lên 3000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỉ đồng. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm (đến năm 2070 với phần mở rộng quy mô; đến năm 2057 với phần diện tích lấn biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2007). |
Hoàng Yên (T/h)