+Aa-
    Zalo

    Ngày xuân nhớ về Hội Lim đất Kinh Bắc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỗi độ xuân về, những người con đất quan họ dù ở đâu trên mọi miền đất nước đều hướng về Hội Lim, lễ hội văn hóa thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp xứ Kinh Bắc.

    Mỗi độ xuân về, những người con đất quan họ dù ở đâu trên mọi miền đất nước đều hướng về Hội Lim, lễ hội văn hóa thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp xứ Kinh Bắc.

    Chính hội Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.

    Văn hóa dân gian và lịch sử kết hợp tạo nên lễ hội lớn đất Kinh Bắc

    Vào triều đại nhà Lý, tương truyền có một cô cung nữ rất hiếu thảo rất được lòng vua. Ở trong cung được 10 năm thì cô nhận được tin mẹ già ở quê ốm đau nên xin với đức vua được về quê chăm mẹ. Được vua ân chuẩn, cô gái vui mừng trở về chăm sóc mẹ. Đến khi bà qua đời, cô lên vùng đất đồi Lim, tu tạo và phục dựng ngôi chùa bị bỏ hoang đã lâu, đặt tên là Hồng Ân Tự (ơn đức của vua ban) và sống ở đó cho đến khi mất. Người dân quen gọi là Chùa Lim và tin rằng nơi đây rất thiêng.

    Sau khi cô cung nữ qua đời, một góa phụ là Mụ Ả ở làng Duệ Nam, xã Nội Duệ, đã tiếp nhận vị trí của cô. Bà Mụ Ả rất giỏi làm ăn và đã bày cách giúp dân khắp vùng phát đạt. Sau khi hoàn thành việc tu sửa lại chùa Lim, Mụ Ả đã tự thiêu tại chùa. Ghi nhớ công ơn bà giúp dân phát triển ruộng đồng, cải thiện cuộc sống, người đời sau tôn bà làm sư tổ chùa Lim.

    Người khiến Hội Lim biến thành hội hàng tổng (hội lớn trong vùng) vào thế kỷ 18 là quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn, gốc ở thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc. Ông đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt hậu ở chùa Hồng Ân, nên khi ông mất, nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng.

    Lễ tế hậu thần hàng năm vào ngày 13 tháng giêng, trùng hội chùa Lim nên nhờ đó Hội Lim từ hội làng thành hội lớn của vùng.

    Linh hồn của Hội Lim

    Giống như nhiều lễ hội dân gian khác, Hội Lim cũng gồm 2 phần là phần nghi lễ và phần hội.

    Lễ rước sắc phong long trọng của Hội Lim.

    Đúng sáng ngày 13/1 âm lịch, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Sắc phong vua ban sẽ được rước trang trọng từ Đình Cả sang Lộ Bao (hoặc ngược lại), sau đó rước lên phía chùa Lim. Sau khi cúng tế tại chùa Lim, sắc phong lại được rước về một trong hai thôn để thờ tự.

    Giải thích về điều này, ông Đào Tiến Hậu (Sinh năm 1957 ở thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết: "Thôn Đình Cả và thôn Lộ Bao là hai thôn trong xã có chung một sắc phong của vua ban. Sử sách lâu đời hai làng truyền lại rằng, chiếc sắc phong quý giá ấy, mỗi làng mỗi năm chỉ được giữ một lần và phải luân phiên đều đặn. Nếu làng nào cố ý giữ lại quá một năm thì sẽ bị phạt vạ, cả làng làm ăn lụn bại. Bởi thế, các cụ hai làng đã bàn nhau chọn một ngày rước sắc phong để làm ngày lễ hội".

    Trong ngày lễ, có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.

    Theo những cụ già cao tuổi ở địa phương thì mặc dù Hội Lim được tổ chức do sự hợp sức của 6 xã quanh vùng. Nhưng cái gốc tích phát hội thì chỉ có ở hai thôn Lộ Bao và Đình Cả.

    Ông Hậu khẳng định: "Người người bốn phương tìm về Hội Lim thường lầm tưởng Hội Lim chính là Hội được tổ chức trên chùa Lim. Nhưng thực chất linh hồn của Hội Lim lại từ hai thôn Đình Cả và Lộ Bao mà ra. Nếu không có tục rước sắc phong vua ban là phần lễ chính hội vào ngày 13 âm lịch hàng năm thì Hội Lim sẽ mất đi phần giá trị văn hóa lớn".

    Đấu vật là trò chơi dân gian được yêu thích trong Hội Lim. Ảnh: Vnexpress

    Sau phần nghi lễ rước sắc phong là đến phần hội với các nhóm liền anh liền chị hát quan họ, đánh đu và chơi những trò chơi dân gian. Lễ hội được mở trong ba ngày chính là 12, 13, và 14 tháng giêng âm lịch nhưng từ ngày 9, 10, 11, mọi công tác chuẩn bị đã hết sức sôi nổi. Người dân và du khách đến Hội Lim sẽ được thưởng thức nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đánh cờ người, tổ tôm điếm, đu tiên, thi dệt cửi, thi làm cỗ và đón bạn...

    Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng...

    Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền.

    Các làng quan họ dựng trại để biểu diễn làn điệu quê hương cho du khách đến lễ hội thưởng thức. Ảnh: Người lao động

    Tối trước ngày hội chính (ngày 12 âm lịch) sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.

    Bảo tồn không gian văn hóa cho những làn điệu quan họ

    Biển người tấp nập kéo về tham gia Hội Lim. Ảnh: Vnexpress

    Những năm gần đây, lượng du khách đổ về tham dự Hội Lim ngày càng tăng, làm nảy sinh nhiều vấn đề như ách tắc giao thông, mất vệ sinh, chặt chém khách, hay những hình ảnh phản cảm như trò chơi ăn tiền, chèo kéo khách, đổi tiền lẻ, dịch vụ điện tử…

    Nhận thức được vấn đề này, từ những mùa lễ hội trước, ban chỉ đạo hội Lim đã kết hợp cùng với chính quyền địa phương chú trọng công tác tổ chức để đảm bảo không gian văn hóa, không khí tươi vui cho người dân địa phương và du khách thập phương đến trẩy hội, khiến họ yên tâm thưởng thức những làn điệu quan họ Bắc Ninh, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2009.

    Còn về vấn đề liền anh liền chị ngả nón xin tiền như nhiều nơi đã phản ánh thì NSƯT Phạm Xuân Mùi, nguyên phó giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, từng trả lời Tuổi trẻ rằng, nói vậy là hoàn toàn sai.

    "Việc thưởng tiền không phải ai đó mới nghĩ ra mà cái này đã có truyền thống từ lâu trong văn hóa dân gian của người Việt nói chung và đặc biệt là của đồng bằng Bắc Bộ.

    Một người lao động nghệ thuật, một người dành tặng cho họ một chút lì xì, những đồng bạc lẻ thì đó cũng chỉ là thể hiện tấm lòng.

    Nói câu "quan họ ngửa nón xin tiền" gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của người quan họ", ông Mùi nói.

    Liền anh liền chị mời trầu du khách tham dự lễ Hội Lim. Ảnh: Tuổi trẻ

    Mong rằng mỗi một người khi đến với Hội Lim sẽ lưu lại trong tiềm thức sự nhiệt tình của người quan họ. Mến nhau ở cái tình, quyến luyến nhau ở những làn điệu quan họ để rồi khi chia tay lại hẹn nhau "Đến hẹn lại lên" vào mùa xuân năm tới.

    Minh Khôi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-xuan-nho-ve-hoi-lim-dat-kinh-bac-a307702.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan