+Aa-
    Zalo

    Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa

    (ĐS&PL) - Ngày lễ Vu Lan đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp để tỏ lòng báo hiếu,...

    Khởi nguồn là nghi thức của Phật giáo, ngày nay ở Việt Nam, Vu Lan trở thành lễ báo hiếu của không chỉ Phật tử. Lễ Vu Lan báo hiếu dịp tháng 7 Âm lịch đã thành một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt Nam.

    Tinh thần mùa Vu Lan cũng được mở rộng, không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục tình yêu thương, nhắc nhở mỗi con người “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và cầu mong cho mọi người đều có cuộc sống hạnh phúc, an bình.

    Nguồn gốc ngày lễ Vu Lan

    Xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói), Vu Lan đã trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ về ân đức sinh thành dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên, nhắc nhớ mỗi người con hãy sống có hiếu hơn, đạo đức hơn nữa để đáp đền tình thương bao la rộng lớn của cha mẹ - những người đã hy sinh cả cuộc đời, cả tâm hồn và thể xác cho con.

    Ngày lễ Vu Lan đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất, để cầu siêu cho các Anh hùng Liệt sỹ, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

    Lễ Vu Lan báo hiếu dịp tháng 7 Âm lịch đã thành một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Ảnh minh họa

    Lễ Vu Lan báo hiếu dịp tháng 7 Âm lịch đã thành một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Ảnh minh họa 

    Hiếu hạnh là vấn đề quan trọng được đức Phật quan tâm và đề cao. Giá trị cốt lõi của Phật giáo là giá trị nhân văn, đạo đức, hướng con người tới sống từ, bi, hỷ, xả, coi trọng đạo hiếu...

    Giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “Hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “Muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Đó là những giá trị tích cực, thiết thực, góp phần giáo dục đạo đức con người nói chung và giới trẻ nói riêng.

    Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

    Trước đây, lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức vào đúng ngày 15 tháng 7 Âm lịch. Những năm gần đây, Vu Lan trở thành một đại lễ, được nhiều nơi tổ chức kéo dài suốt cả tháng 7.

    Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Vu Lan không chỉ là nghi lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung để những người làm con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành, dưỡng dục mình. Mùa Vu Lan báo hiếu cũng là dịp để mỗi người chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và có hành động thực tế báo đáp ơn cha mẹ và chia sẻ với những người xung quanh mình.

    Trong lễ Vu Lan, ngoài những nghi thức thông thường như giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh…, những người tham dự đều được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ thì cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ cài bông hồng trắng. Họ cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha mẹ thực hành đạo hiếu, sống thương yêu.

    Lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ngay-le-vu-lan-bao-hieu-la-ngay-gi-nguon-goc-va-y-nghia-a454797.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tháng cô hồn năm 2024 là tháng nào?

    Tháng cô hồn năm 2024 là tháng nào?

    Quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn đã tồn tại từ lâu đời. Năm 2024, tháng cô hồn bắt đầu từ ngày 4/8 và kết thúc vào ngày 2/9 dương lịch.