Vì sao lại nhuận 29/2?
Chúng ta dễ thấy rằng chỉ cần lấy bớt 2 ngày của 2 tháng có 31 ngày nào đó, bù vào là tháng 2 sẽ có 30 ngày và không bị quá chênh lệch với các tháng khác. Mặc dù vậy, vì sao người ta vẫn giữ tháng 2 chỉ có 28 ngày và thêm ngày 29/2 trong năm nhuận?
Lí do này có nguồn gốc từ cách tính lịch của người La Mã từ xa xưa. Lịch La Mã ban đầu ban hành bởi Romulus, vị hoàng đế đầu tiên của thành Rome. Lịch do ông ban hành dựa vào chu kì của Mặt trăng, tức là tương tự như âm lịch của người phương Đông, tuy nhiên chỉ có 10 tháng. Một năm theo lịch này chỉ bao gồm từ tháng 3 đến tháng 12.
Lý do là bởi Romulus cho rằng đây là thời gian mùa đông không có ý nghĩa gì với việc làm nông nghiệp nên không cần có quy ước.
Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ thứ 8 TCN, hoàng đế Numa Pompilius quyết định thêm vào 2 tháng nữa vào lịch để đạt được tổng cộng 12 tháng, mỗi tháng có 28 ngày, làm cho tổng số ngày trong một năm là 354 ngày.
Tuy nhiên, vua Pompilius quyết định thêm một ngày vào tháng 1 và không thay đổi số ngày trong tháng 2.
Từ đây, lịch đặt theo chu kỳ của Mặt trăng dần bộc lộ điểm yếu, nó không phản ánh đúng được chu kỳ biến đổi thời tiết các mùa, vì chu kỳ này gắn liền với chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời. Và Julius Caesar đã quyết định thay đổi hệ thống tính lịch.
Trong thời gian ở Ai Cập, Julius Caesar đã bị thuyết phục về tính ưu việt của lịch Mặt trời của Ai Cập. Lịch này có 365 ngày và thỉnh thoảng có một tháng nhuận khi các nhà thiên văn học quan sát các điều kiện chính xác của các ngôi sao.
Tuy nhiên, thay vì luôn dựa vào các vì sao, Julius Caesar nhận thấy chỉ cần thêm một ngày vào mỗi 4 năm. Để phù hợp với truyền thống của người La Mã về độ dài của tháng Hai, ngày đó sẽ rơi vào tháng thứ hai trong năm - do đó ngày nhuận 29/2 đã ra đời.
Suốt nhiều thế kỷ sau đó, việc sử dụng lịch Julius diễn ra bình thường, nhưng đến giữa thế kỷ XVI, các nhà thiên văn học nhận thấy rằng các mùa bắt đầu sớm hơn khoảng 10 ngày khi so với những ngày lễ quan trọng. Chẳng hạn như Lễ Phục sinh không còn tương thích với các thời điểm chuyển mùa như mùa xuân.
Để điều chỉnh lại, Giáo hoàng Gregory XIII đã ban hành lịch Gregorian vào năm 1582. Theo đó, ông cho khai sinh một loại lịch giữ ngày nhuận nhưng chỉnh sửa sự thiếu chính xác bằng cách loại bỏ ngày nhuận vào những năm thế kỷ không chia hết cho 400 (ví dụ: 1700, 1800 và 1900 không phải là năm nhuận, nhưng năm 2000 thì lại là năm nhuận).
Sự ra đời của lịch Gregorian đánh dấu sự thay đổi cuối cùng đối với lịch phương Tây và được sử dụng cho đến ngày nay.
Ngày 29/2 là ngày gì mà 4 năm mới xuất hiện một lần?
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, lịch Gregorius (còn gọi là Tây lịch, Công lịch, Dương lịch), ngày 29/2 chỉ xuất hiện mỗi khi có năm nhuận.
Nguyên tắc cơ bản để xác định năm nhuận là năm nào chia hết cho 4, ngoại trừ những năm chia hết cho 400 (tức là 1600, 2000, 2400).
Ngày 29/2, không chỉ là một sự kiện đặc biệt trong lịch dương lịch mà còn là một phần quan trọng duy trì tính chính xác và đồng bộ hóa thời gian với các sự kiện thiên văn. Bằng cách điều chỉnh chu kỳ lịch để giữ cho lịch dương lịch phản ánh chính xác hơn về thời gian và vị trí của chúng ta trong vũ trụ.
Những sự kiện ý nghĩa đằng sau ngày 29/2
Ngày sinh nhật của những đứa trẻ "nhuận"
Những đứa trẻ sinh vào 29/2 thì 4 năm mới có một sinh nhật đúng lịch. Nếu cứ tính theo lịch, những người này sẽ có ít ngày sinh nhật hơn người thường tới 4 lần. Dĩ nhiên, để các con không bị thiệt thòi, hầu hết các gia đình đều chọn tổ chức sinh nhật vào ngày 28/2 hoặc 1/3.
Ngày đặc quyền cầu hôn của phụ nữ
Hôn nhân là một chuyện hệ trọng, nhất là đối với người phụ nữ. Nếu xem ngày cưới là ngày các nam nhân đưa thêm một người về nhà, thì với phụ nữ, đó là ngày rời xa gia đình.
Theo quan niệm phổ biến, việc hệ trọng này phải là do các đấng mày râu chủ động, còn phụ nữ sẽ buộc phải đợi, đợi cho đến khi chàng trai năm ấy có đủ dũng khí để mà ngỏ lời.
Nhưng vào thế kỷ thứ 5, khi Thánh St. Bridget than phiền với Thánh St. Patrick về việc phụ nữ tại Ireland phải chờ rất lâu mới được đàn ông trong vùng cầu hôn.
Sau cùng, Thánh Patrick đã đồng ý, chấp nhận cho phụ nữ được phép hỏi cưới bất kỳ người đàn ông nào họ thích vào ngày 29/2 mà không phải chịu bất kỳ rào cản và dị nghị nào.
Ngày "tốn tiền" của nam giới
Tất nhiên, khi một người cầu hôn thì người còn lại vẫn có quyền từ chối. Nhưng khi phụ nữ đã cầu hôn thì việc từ chối không còn đơn giản. Nếu muốn từ chối phụ nữ, nam giới phải trải một lễ vật gì đó để tạ lỗi.
Ở Anh, "lễ vật" là 1 bảng Anh (khoảng 34.000 nghìn đồng), hoặc tặng một tấm áo lụa để xoa dịu nỗi đau của người phụ nữ.
Ở Đan Mạch, người đàn ông khi từ chối lời tỏ tình phải tặng cho cô gái đó 12 đôi găng tay, còn ở Phần Lan người đàn ông phải tặng vải để phụ nữ may váy.
Ngày đen đủi của một số nền văn hóa
Tại Scotland, người ta quan niệm rằng những người sinh ra vào ngày nhuận là điềm gở, giống như thứ 6 ngày 13 vậy.
Người Hy Lạp thậm chí còn cho rằng các cặp đôi cưới vào năm nhuận, và đặc biệt vào ngày nhuận đều sẽ có kết cục không tốt đẹp.
Như Quỳnh (T/h)