(ĐSPL) - Sự xuất hiện của những truyện ngắn về thầy, cô giáo trong báo tường 20/11 sẽ giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Chúng ta có thể đăng những truyện ngắn về thầy, cô giáo lên báo tường 20/11, như món quà tri ân gửi tới những người lái đò kính mến.
Cô giáo vùng cao
Mùa xuân nhắc nhớ đến những gì đã qua, những dấu ấn để lại trong kết cục được mất hay thành bại của mỗi người; mùa xuân mang đến niềm hân hoan trong lòng người trẻ và lại gợi lên nỗi buồn của đời người với những ai tuổi đã xế chiều. Còn mùa hạ thường mang đến những nhớ nhung, là mùa của cái nắng oi nồng, mùa của những cơn mưa xối xả, mùa của tiếng ve kêu râm ran trong khi những cây phượng ven đường đua nhau nở rộ những vòm hoa thắp lửa để rồi những cô cậu học trò lòng bồi hồi vì phải tạm xa trường lớp, thầy cô, bè bạn khi năm học nữa lại kết thúc.
Năm nay, lần đầu tiên Thục được nghỉ hè với tư cách một giáo viên tiểu học. Tuy không còn cảm xúc như một cô học trò nhỏ trong kỳ nghỉ dài ngày nhưng cô cũng thấy vui thích và phần nào mong đợi nó vì cô sẽ được thảnh thơi sau những tháng ngày lo lắng, căng thẳng với chương trình mới. Bỏ lại sau lưng những trang giáo án, những tiết dự giờ, những hôm tất bật chuẩn bị các môn học thẩm mỹ, âm nhạc, hội họa mà cô phải dạy kiêm luôn vì thiếu giáo viên.
Bây giờ cô có thể chăm sóc hằng ngày mảnh vườn nhỏ trồng những bụi cẩm tú cầu và những cây huệ đất với những bông hoa nở rộ màu cánh sen. Cô cố ý trang trí góc phòng của mình cho thật lãng mạn bằng những bức ảnh phong cảnh, trên tường gắn những ngôi sao dạ quang đủ màu sắc và hôm nào cũng đặt trên bàn viết một bình đầy những loài hoa hái được trong vườn nhà.
Thục làm những công việc đó trong ba tuần, mặc dù cô có vẻ thảnh thơi, nhàn hạ nhưng trong thâm tâm cô cảm thấy một sự thiếu vắng, rỗng không mà Thục chỉ nhận ra được khi một hôm chị hàng xóm sang nói như phân trần: “Em ơi, em dạy giúp thằng bé nhà chị trong mấy tháng hè, chị sợ thời gian chơi nhiều quá nó sinh lêu lổng mà chị thì bận làm lụng suốt ngày…”.
Khi Thục dạy kèm những đứa trẻ hàng xóm của cô ở đây, cảm giác thiếu vắng ấy lại ùa về ngập tràn trong cô. Cô nhận ra đó chính là nỗi nhớ trường lớp, nhớ những cơn mưa núi rừng, nhớ con đường gập ghềnh thác lũ, lầy lội nước nguồn, nhớ con suối ẩn hiện dưới những tán cây rừng. Và khi bọn trẻ tranh nhau kể về một phim hoạt hình nào đó chiếu trên truyền hình, Thục bỗng nhớ da diết đám học trò của cô - những đứa trẻ mặt mày, tay chân lúc nào cũng đen nhẻm, nheo nhếch, quần áo xộc xệch, quanh năm chỉ biết quẩn quanh với nương khoai, rẫy mía, biết đi thì giữ em, biết chạy thì giữ bê, giữ nghé.
Thục đã không khỏi buồn lòng vì các em đi học không đều nhưng rồi cô lại thấy thương chúng hơn. Ngay những hôm trời nắng cũng có em đến trường, quần áo tập vở ướt mem vì té xuống suối. Hôm nào trời mưa to cũng có nhiều đứa không mang tập viết đi học vì sợ ướt, nên bao giờ trong túi xách Thục cũng có sẵn vài cuốn tập và viết chì để phát cho các em.
Nhớ ngày đầu khi Thục nhận lớp, thầy hiệu trưởng cũng đã nhìn cô với vẻ ái ngại qua lớp kính dày trễ xuống tận chóp mũi, giọng cảnh báo: “Sẽ có rất nhiều khó khăn đấy nhé cô bé!”. Lúc đó Thục chỉ lí nhí: “Dạ, con biết” để giấu những khát vọng đang cháy bỏng trong cô. Vì khát vọng đó cô đã tự nguyện bỏ tất cả lại sau lưng - phố thị, bạn bè và những thú vui chơi đáng có của tuổi thanh xuân - để làm cái việc mà đám bạn cô đều cho là điên rồ, vì họ biết Thục thừa sức để xin được về dạy ở thị xã hay một nơi nào đó tốt hơn nhiều.
Ngày đầu lên lớp, Thục phải xắn quần lội suối tới lớp, đôi giày buộc lại xách tay, và cô phải chăm chú, vất vả lắm mới tránh được những cây gai mắc cỡ mọc chi chít ven đường. Vậy mà khi vô lớp Thục vẫn ngạc nhiên vì thấy trò nào cũng đi chân đất cả. Lại gần một em, cô trìu mến hỏi:
- Dép của em đâu? Sao em không mang dép đi học, đường rất nhiều gai...
Im lặng và ngập ngừng một hồi, cậu học trò mới trả lời, đầu cúi thấp:
- Tao đi chân không quen rồi ờ...
Nghe cách xưng hô của cậu học trò, ban đầu Thục hơi sửng sốt nhưng rồi cô hiểu ra đây chính là lúc cô đối diện với thực tế khó khăn, và ẩn sau những câu chuyện hài hước cô từng nghe về cách xưng hô đó là số phận của những con người bé bỏng, mỏng manh trước bao bất trắc cuộc đời. Xen lẫn với các bài học chính khóa Thục thường phải dạy các em cách xưng hô, cách nói chuyện với người lớn tuổi, cách thưa gửi, dạy các em biết phân biệt điều hay lẽ phải. Hầu hết những đứa trẻ học ở đây là con em của bà con dân tộc ít người mới đây còn sống du canh du cư chênh vênh trên sườn núi, cái bụng còn đói thì làm sao biết đến cái chữ.
Dạy trước Thục ở đây có Tuyết; có lần Tuyết nói với Thục: “Buổi sáng đi học mấy tiết đâu có đủ để các em nhớ, chiều về lại chỉ nói chuyện với người thân bằng tiếng dân tộc nên mình dạy bao nhiêu điều ở lớp chúng đều quên hết”. Quả nhiên mọi việc đều xảy ra đúng như Tuyết kể, nhưng đối với Thục các em cũng rất đáng yêu. Thục nhớ nhất những tiết dạy hát, mặc dù đám học sinh của cô hát chưa đúng giọng nhưng tiếng hát của chúng ngân nga trong trẻo và đặc biệt là những đôi mắt hoang sơ sâu thẳm mở to như chứa đựng những bí ẩn của núi rừng.
Thục trở lại trường khi ba tháng hè đã kết thúc, cô không ghé rủ Tuyết như mọi khi vì Tuyết vừa lập gia đình và đã xin chuyển sang dạy ở xã. Một thầy giáo vừa chuyển về để thay Tuyết, anh sẽ dạy lớp 1, còn cô dạy lớp 2 với những học trò cũ của cô năm ngoái. Nhìn vội lên bảng công tác của trường, Thục thấy có tên thầy giáo mới: Minh. Cô đi thẳng về phía lớp. Những đứa trẻ đã ngồi ngay ngắn, giương những đôi mắt ngơ ngác lên nhìn cô giáo. Ba tháng hè qua dường như da chúng càng đen hơn, quần áo xộc xệch hơn, lại dính đầy nhựa cây, sình lầy... bốc ra một mùi chua nồng, ngai ngái. Thục đi khắp lượt, đến cuối lớp rồi quay trở lại bục giảng, cô hỏi:
- Ba tháng vừa qua các em nghỉ hè có vui không?
Cả lớp đều yên lặng. Thục biết trở lại lớp học sau ba tháng hè các em sẽ trở về với trạng thái bỡ ngỡ ban đầu như khi mới bước chân đến trường, nhưng cô không ngờ tình hình lại tệ đến vậy. Thục biết nếu không lấy lại sự thân mật thì khó mà dạy các em được.
- Thời gian vừa qua các em có ôn lại bài cũ và tập viết như cô đã dặn không?
Vẫn im lặng. Một lần nữa Thục đưa mắt nhìn khắp lớp học rồi gọi đứa bé ngồi bàn đầu tiên:
- K’rin, em hãy đánh vần đọc cho cô nghe hàng chữ cô vừa viết trên bảng xem.
Thằng bé đứng dậy, dáng điệu rụt rè nhưng đôi mắt vẫn nhìn Thục không chớp, mãi nó mới buông một tiếng cộc lốc:
- Quên ờ…
Thục thất vọng nhưng cố nén nước mắt sắp trào ra:
- Vậy là các em không ôn bài cũ như cô dặn phải không? Thôi, không sao, rồi cô trò mình sẽ ôn lại sau. Vậy mùa hè qua các em đã làm gì giúp ba mẹ hay có câu chuyện gì vui các em muốn kể cho cô và các bạn cùng nghe không?
Lại im lặng. Không có gì khác ngoài những ánh mắt chăm chăm nhìn cô, những đôi mắt còn vẻ hoang dại núi rừng, những đôi mắt quanh năm chỉ biết nhìn rõ con cá, con cua dưới suối, con chim trên cành và trong trí não đám trẻ ấy chỉ nhớ làm cách nào để bẫy được nhiều thú, bắt được nhiều cá, nhiều chim rừng.
- Thôi, bây giờ cô sẽ kể chuyện cho các em nghe nhé!
Rồi Thục kể cho chúng nghe câu chuyện cổ tích về vẻ đẹp và sự kỳ diệu của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cô cố giữ một giọng kể truyền cảm, chú ý nhấn mạnh đến những hình ảnh gợi nhớ, bọn trẻ cũng nghe rất say sưa, những đôi mắt mở to hồn nhiên. Kết thúc câu chuyện Thục hỏi:
- Các em biết không, vừa rồi là mùa hạ, mùa hạ thì sao các em? Nắng nóng nè, hoa phượng nở nè và cùng với những cơn mưa là những chú ve trên cây kêu râm ran vào những buổi trưa nè... Các em biết con ve không?
- Con nhót.
Thục thoáng vui mừng vì phần nào cô đã lấy lại sự gần gũi với các em, cô quay sang đứa học trò vừa mới trả lời:
- M’ Ka, em rất giỏi nhưng ở đây các em hãy nói và học thật giỏi tiếng mà cô đã dạy cho các em để sau này các em có thể học lên thêm nữa. Các em có muốn học lên không?
Có một cánh tay thập thò đưa lên, Thục đến gần đứa trẻ, cô hỏi bằng một giọng rất âu yếm:
- A Lũ à, em muốn nói điều gì với cô và các bạn phải không?
Đứa học trò ngập ngừng cúi đầu xuống hồi lâu, những ngón tay run run đặt trên bàn, lâu lâu nó rụt rè nhìn lên rồi lại cúi xuống. Thục im lặng nhìn em khuyến khích. Đứa học trò hình như cũng biết mọi người đang im lặng chờ đợi nó phát biểu và cuối cùng nó nói, ban đầu hình như lấy hết can đảm nên tiếng nó rất rõ, vang trong một không gian yên tĩnh, nhưng rồi mấy âm cuối yếu đi, xìu xuống, nhão ra tựa như bờ suối lở khi nước lũ tràn về:
- Thưa cô, cho tao đi… đ..á..i…
Đứa học trò vừa nói xong thì không khí lớp học như vỡ ra, những đứa trẻ khác gục đầu xuống bàn cười khúc khích trong khi khuôn mặt A Lũ vẫn đang ngơ ngác, sợ hãi. Thục có cảm giác như mình không thể nào chịu đựng được nữa, cô bước ra khỏi lớp học, không nén được những giọt nước mắt tuôn rơi. Quên mất là Tuyết đã chuyển đi, cô định chạy qua tìm Tuyết như mọi khi để chia sẻ nỗi thất vọng trong lòng nhưng chợt thấy thấp thoáng bóng thầy giáo mới, Thục vội vã nấp sau một tán cây rừng khóc nức nở. Vậy là những gì cô dạy các em trong năm qua cũng bằng không, chúng không nhớ gì cũng chẳng tiếp thu được gì.
Bây giờ Thục mới thầm trách mình sao lại chọn nơi này trong khi còn nhiều nơi cô có thể tới, ở đó cô được gần gia đình, có nhiều bạn bè đồng nghiệp, có những đứa trẻ mặt mũi sáng sủa, sạch sẽ, ngoan ngoãn, vâng lời và học hành chăm chỉ. Thục ngẩng lên, Minh đã đứng đó tự lúc nào. Mặc dù thoáng thẹn thùng nhưng Thục cũng không giấu đi những giọt nước mắt. Cô thất vọng quá rồi và hơn lúc nào hết cô cần sự động viên an ủi của ai đó. Minh ngồi xuống cạnh cô, giọng thân thiết như cô và anh đã quen biết tự bao giờ:
- Chúng ta tình nguyện chọn nơi đây làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng những đứa trẻ ở đây không dễ gõ đầu chút nào phải không em? Nhưng lỗi không ở chúng, cũng không do ai cả, có trách chăng là trách cuộc sống quá cực nhọc, vất vả chốn núi rừng này. Chúng ta may mắn hơn họ quá nhiều. Có những điều làm ta ngạc nhiên, sửng sốt hay phật lòng thì đối với họ là bình thường. Những đứa trẻ có thể xưng mày tao với ông bà cha mẹ chúng và ông bà cha mẹ chúng cũng xưng hô như vậy với người trên, người khác, cái nếp đó đã ăn sâu vào máu thịt người dân và bọn trẻ ở đây bao đời rồi. Đã chọn con đường này thì còn ai nữa nếu chúng ta không đem ánh sáng văn hóa đến cho các em? Vừa gặp sóng cả đã ngã tay chèo thì liệu lương tâm của chúng ta có cắn rứt không nếu để mặc cho các em sống như thế giữa thời đại văn minh? Các em đang cần chúng ta đưa ước mơ của chúng thoát khỏi con suối bờ nương, đưa tầm mắt của chúng vượt ra khỏi sự phong tỏa của núi rừng và hướng chúng đến những điều tốt đẹp mà chúng ta may mắn có được...
Thục ngồi yên lặng lắng nghe Minh, lòng không khỏi cảm phục trước những lý lẽ thuyết phục và lòng nhân hậu của anh.
- Thôi, trở về lớp đi em, anh đi trước nhé.
Thục vào lớp, cô không ngờ những lời chân thành của Minh đã tạo cho cô sức mạnh và sự phấn chấn đến vậy. Sự phấn chấn như một ngày mới bắt đầu từ một buổi sớm bình minh rất đẹp. Nhìn ra cửa sổ cuối lớp Thục thấy Minh đứng cạnh giếng nước, một tay anh đặt nghiêng ngang chân mày chào cô theo kiểu quân đội và cười rất tinh nghịch. Thục bẽn lẽn giấu nụ cười sau viên phấn trắng.
Chuyện hạt phấn
Có một viên phấn u buồn, lúc nào nó cũng cho rằng số phận nó thật bạc bẽo khi sinh ra làm một viên phấn. Khi nhìn bạn bè xung quanh quần áo đầy màu sắc như các bạn chì màu hay to lớn như sách vở, thậm chí người bạn thân thiết của nó là viết chì dần dần cũng ít nói chuyện với nó hơn. Viên phấn ngày càng trầm lặng và ít nói.Thời gian trôi qua nhưng nó vẫn nằm ỳ một góc trong cửa hàng, không ai ngó tới, nó muốn lang thang khắp nơi tìm một khoảng không gian của riêng mình, muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng nó cũng là có ích và nó có thể làm được những chuyện to lớn, nhưng với hoàn cảnh của mình hiện tại nó biết điều đó là không thể. Rồi một ngày cũng có người mang nó đi. Đó là một thầy giáo già, ăn mặc có vẻ xềnh xoàng. Ngày ra đi bạn bè không ai đến tiễn nó, đơn giản là vì nó không có bạn bè nào cả. Nó rất tủi thân vì nghĩ mình thật cô độc, đối với nó bây giờ đi đâu cũng vậy thôi, trên đời còn gì là quan trọng đối với nó nữa khi nó đã bị lãng quên? Mải mê suy nghĩ, lúc nhìn lại nó đã thấy mình nằm gọn trong một cái hộp gỗ. Nghe bước chân vội vã của vị chủ nhân mới, nó cũng lờ mờ đoán chắc mình sẽ trải qua một chuyến đi đâu đó. Chắc là đến nơi ở mới chứ gì? Mặc kệ, tới đâu cũng vậy thôi. Nghĩ vậy, nó lăn ra ngủ say chẳng thèm quan tâm tới tiếng động xung quanh nữa.
Viên phấn đâu biết là nó phải đi một quãng đường xa như thế nào. Đường khá xa và khó đi nên vị chủ nhân mới của nó đã phải rất vất vả: nào là đi xe ôm rồi xe bò, đến những đoạn đường khó đi thì phải lội bộ. Mồ hôi ông ta vã ra như tắm, lưng áo ướt nhẹp. Cuối cùng thì ông cũng đã đến được cái bản nhỏ nằm cheo veo trên núi cao.
Tiếng chào hỏi rộn ràng của những dân làng đã đánh thức viên phấn trắng dậy. Nó vẫn nằm trong cái ba lô của người thầy giáo già nên không thể nào nhìn thấy được khung cảnh xung quanh, chỉ nghe người ta đang nói đến cái lớp học gì đó. Thầy cẩn thận đặt nó cùng chiếc ba lô vào một góc gọn gàng trước khi ra nói chuyện cùng dân làng. Buổi tối, nó nghĩ chắc ông chủ sẽ đi ngủ sớm vì cả ngày đã đi rất vất vả. Nhưng khi mọi vật đã chìm vào trong giấc ngủ nhưng thầy vẫn cặm cụi xếp từng quyển tập, một hộp viết, mấy quyển sách lớp một vào cái cặp da đã sờn. Thầy đặt nó vào hộp gỗ và cho vào ngăn kéo phía ngoài cùng. Thầy nói với viên phấn và những người bạn khác được thầy mang theo là ngày mai chúng sẽ trở thành anh hùng trong trận chiến với giặc dốt, thầy tự hào vì chúng luôn kề bên, ủng hộ và giúp thầy trong quãng thời gian ý nghĩa nhất của đời mình. Từ ngày nó được thầy mang về, không hiểu sao nó cảm thấy vui vẻ hơn; vì những người bạn mới của nó trông cũng cũ kỹ và quê mùa như nó. Nó khoe với những người bạn mới quen về nơi nó từng ở đẹp như thế nào, mọi người trầm trồ ngưỡng mộ nó và dĩ nhiên là nó không nói về mối quan hệ của nó với các bạn ở đó. Tự nhiên viên phấn có cảm giác tự hào về xuất thân của mình.
Khác với thường ngày ở cửa hàng, mới sáng tinh mơ viên phấn đã bị giật dậy bởi tiếng gà gáy của chú gà trống nào đó. Thì ra là thầy đã dậy và chuẩn bị đến một nơi nào nữa. Một thanh niên vóc dáng lực lưỡng trong bản đến thưa với thầy rằng anh ta sẽ dẫn thầy qua bản kế bên vì lớp học được đặt ở đó. Lại tiếp tục lên đường, ban đầu là đường đất đỏ, sau đó là dốc đá với đường đi rất hẹp, kế đến là lội qua con suối vắt ngang con đường, rồi leo lên một cái dốc nhỏ nữa mới đến nơi. Trên suốt quãng đường lúc nào thầy cũng ôm chiếc túi trước ngực, anh thanh niên muốn mang giúp thầy nhưng thầy bảo để thầy xách được rồi. Thầy bảo không hiểu sao mỗi lần ôm nó vào lòng thầy lại như được tiếp thêm sức mạnh. Thầy sợ vác ba lô trên lưng khi đi trên đường gồ ghề thì những viên phấn sẽ rất dễ gãy hay lỡ bị ướt thì viết chữ sẽ không đẹp. Lần đầu tiên viên phấn cảm thấy mình quan trọng và được chở che như vậy, tại sao như thế vậy nhỉ?
Lớp học là một mái nhà tranh nhỏ nằm dưới một tán cây lớn, một đám trẻ đang nhốn nháo trước sân chơi đùa. Khi nghe anh thanh niên giới thiệu là thầy mang con chữ đến bản làng đã tới thì lập tức chúng xếp thành hai hàng ngay ngắn chào thầy. Nhìn cảnh đó, viên phấn thấy thầy có vẻ cảm động lắm.
Lớp học là bốn chiếc bàn gỗ nhỏ một chiếc bàn lớn hơn được đặt ở phía trên tất cả trông đều đã cũ, mấy khúc gỗ được cắt ngang làm ghế, một tấm bảng sơn đen. Trước giờ lên lớp là thời gian thầy tìm hiểu về hoàn cảnh từng đứa trong đám trẻ mà thầy sẽ đứng lớp. Với thầy dạy lũ trẻ này biết chữ không chỉ là nghĩa vụ mà tất cả xuất phát từ trái tim người giáo đang khao khát ươn mần tương lai. Trong những ánh mắt ngây thơ, long lanh hiện lên hình ảnh về tương lai chúng sẽ tô điểm quê hương tươi đẹp của mình nếu chúng biết vận dụng con chữ vào đời sống qua lời kể chân tình của thầy. Viên phấn ngày càng ngưỡng mộ thầy hơn, nó bây giờ nhận ra thầy mới chính là người anh hùng chứ không phải là nó như thầy từng nói với nó trước kia. Bảng đen từ đầu luôn im lặng bỗng nhiên cất tiếng hỏi viên phấn nhỏ: “cậu đã chuẩn bị thực hiện sứ mệnh của mình chưa và cậu có sợ không ?”, bảng đen giải thích thêm rằng khi mà thầy trao từng con chữ cho lũ trẻ, viên phấn sẽ phai mòn dần, mặt nó sẽ bị tì lên bảng thân thể rời ra vát lên từng câu chữ, rồi cuối cùng thì nó sẽ bị xóa đi không còn gì trên bảng nữa, nó sẽ thành những hạt phấn bé nhỏ không ai nhớ đến. Mặc dù vậy, viên phấn vẫn tự hào khẳng định rằng nó đã sẵn sàng để cống hiến thân mình trên con đường đến với kho tàng tri thức. Viên phấn tự hào rằng nó không hề mất đi mà nó vẫn tồn tại, những hạt phấn bé nhỏ vẫn bám vào mái tóc pha sương, vai áo sờn màu và đôi tay thô ráp đang nắn nót vẽ lên tương lai, nó biết rằng nó không vô hình, mà ngược lại nó càng trở nên sâu đậm hơn vì nó luôn ẩn sau từng câu con chữ mà lũ trẻ ê a ngân lên trong một buổi sáng hơi sương còn dùng dằng chưa muốn rời xa chiếc lá, hay một buổi chiều tà ráng vàng một góc trời nơi bản nhỏ.
Khi ngẫm nghĩ lại về thời gian đã qua phấn thấy mình thật hạnh phúc. Trên quãng đường đời khi còn là viên phấn nó được đôi tay gầy guộc nâng niu, được sống dưới ánh đèn khuya in hình lên vách bóng người thầy hay người bạn tri kỷ của nó đang cặm cụi chuẩn bị cho ngày mai đến lớp, được ôm ấp che chở trong vòng tay ấm áp khi băng rừng lội suối. Khi hóa thân thành hạt phấn nó thấy mình trở nên xinh đẹp hơn, từng hạt phấn nhỏ như lung linh hơn dưới ánh mắt quan tâm, trìu mến dõi theo từng nét tương lai được vẽ lên bằng những ngón tay bé nhỏ như những búp măng. Phấn không muốn rời xa thầy, nó bám lại trên tóc, trên vai thầy như muốn nhắc nhở mọi người về công lao to lớn mà thầy đã âm thầm cống hiến cho quê hương. Dẫu biết rằng rồi mọi người sẽ không còn nhớ đến những công lao mà mình đã cống hiến, nhưng hạt phấn không một lời oán trách hay đòi hỏi cho bản thân mà ngược lại luôn tự hào khi sinh ra làm một hạt phấn. So với những gì mà thầy đã nghĩ và làm, nó thấy những gì nó làm được nhỏ bé, nó ước mong mai sau nó lại được làm viên phấn giúp thầy khơi sáng tương lai và sau đó là hạt phấn mãi bên thầy.
Trường tôi – Lớp tôi
Con đường đến trường của tôi không chút thơ mộng, không được cái may mắn có “hoa điệp vàng trải dưới chân” như trong một bài hát học trò. Con đường đến trường của tôi chỉ là con lộ đá lởm chởm, chạy ngoằn ngoèo như con rắn lượn. Ngày nắng bụi tung mù mịt. Ngày mưa đất bùn bê bết, ếch nhái kêu uôm oang hai bên ruộng. Men theo con lộ là những bụi hoa mắc cở gai góc mọc đầy, nằm dưới những hàng ô môi nở bông tím thẳm xen giữa một rừng quả đen nhánh treo lúc lĩu trên cây . Mùa nước nổi, cả họ hàng nhà cá theo dòng nước “ngao du” đầy trên lộ .Ngày ngày, tôi và Uyên phải vượt qua “con đường đau khổ” dài hơn 5Km để đến lớp. Ngày nắng, ông mặt trời đỏ rực như một núi lửa khổng lồ rượt đuổi như muốn thiêu sống chúng tôi . Ngày mưa, chiếc xe không chống trả nổi với cái thế giới bùn nhầy nhụa, nó “nũng nịu” đòi cô chủ cõng. Gian nan, vất vã trăm bề nhưng lúc nào chúng tôi cũng cười nói như chim non. Bởi lẽ, qua được “con đường đau khổ” kia thì khung trời mơ ước của chúng tôi đã hiện ra .
Ngôi trường xinh xắn mái ngói đỏ tươi nằm cặp theo quốc lộ 1, “e lệ” nép mình giữa những vườn bạch đàn xanh rờn, lao xao . Ngôi trường bé nhỏ chỉ có mười phòng học này ít ai biết đến. Nó chỉ thuộc loại “cháu chắt” so với những ngôi trường lớn khác trong huyện. Nhưng đối với chúng tôi, đó đúng là một thiên đường mà chúng tôi vẫn thường gọi một cách ví von là thiên đường màu xanh. Màu xanh mát của ruộng lúa mênh mông phía sau trường. Màu xanh non của hàng Phượng Vĩ chạy thẳng tắp từ cổng trường đến sân. Màu xanh biếc của tàng cây bả đậu ở giữa sân trường. Trên đó có một dàn nhạc giao hưởng tuyệt vời của thiên nhiên : Tiếng gió vi vu, tiếng chim ríu rít ; tiếng hát êm đềm của những cô cậu học trò nghịch ngợm. Màu xanh ngắt của hồ ấu trước phía bên phải trường làm nền cho màu trắng muốt của những hoa sen mới nở. Phía trên hồ, những hàng bạch đàn xanh biếc nghiêng mình theo gió lao xao, lao xao . Thiên đường màu xanh bao bọc xung quanh những phòng học lợp ngói mới tinh, nền lót gạch bông mát lạnh, bàn ghế láng bóng như thoa mở, bảng đen nhánh in rõ những dòng chữ bằng phấn trắng. Phòng học thật là “mát mắt”.
Được vào trường cấp ba, mà hệ A đàng hoàng nữa! Tôi sướng mê ly cười nói với nhỏ Uyên :
- Mơ ước của tụi mình thành sự thật rồi đó. Năm mới năm me phải cố gắng học. Hệ A mà học dở thì “ẹ” lắm đó. Phải bỏ cái tánh “hồn nhiên, nhí nhảnh” quá lố của mầy đi nghen nhỏ.
Nhỏ Uyên dẫu môi ra dài chừng… ba tầm đất :
- Ừm, chắc… phải vậy thôi . Bỗng nó reo lên thật lớn làm tôi giật nẩy người :
- A! Ôi, trứng cá nữa kia Hằng ơi!
Vụt một cái, Uyên đã nhảy thót ra khỏi cửa sổ, đi về phía sân sau . Úi chu ơi! hai cây ổi xá lị! Hấp dẫn quá! Thêm bốn cây trứng cá nữa . Nhỏ ơi, chờ ta với! Nhanh như chớp, Uyên trèo tót lên cây ổi lớn, tôi lẽo đẽo vừa tính “nối đuôi” thì… Một cặp kính cận dày cộm từ phòng hội đồng ló ra. Cặp kính đi về phía cây ổi, dán mắt vào cái mặt tái nhợt như tàu lá chuối và đôi chân run lẩy bẩy của tôi .
- Em kia! làm gì đó?
Tôi run cầm cập như kẻ trộm bị bắt quả tang (chớ còn gì nữa) :
- Dạ, em… em… đứng đây chơi!
- Vào lớp đi ! Đến giờ học rồi mà chơi cái gì.
Cặp kính vừa phán xong, tôi quay lưng ù té chạy vào phòng học mà trái tim bé bỏng vẫn còn gửi lại trên cây cho Uyên. Cặp kính cận đó chính là thầy giám thị ! Lên lớp 10 phải mặc áo dài, kể cũng hơi vướng víu nhưng chúng tôi vẫn nghịch như quỷ sứ. Tôi và Uyên đều không giữ vững được cái chỉ tiêu cứng rắn tự mình đặt ra ban đầu . Cả hai đứa cùng hòa đồng vào cái tập thể sôi động và ồn ào có tiếng nhất trường này . Vui nhất là năm lớp 12, năm học cuối cùng của lớp tôi . Ngày khai giảng đầu năm, lớp trưởng trịnh trọng tuyên bố trước lớp :
- Các bạn thân mến! Năm học này là năm học cuối cùng của tụi mình. Các bạn phải vượt qua những kỳ thi gay go, nguy hiểm và đặc biệt kỳ thi tốt nghiệp cuối năm sẽ quyết định công sức mười hai năm học tập của các bạn. Cha mẹ, thầy cô và cả mình nữa đều mong muốn cho cả lớp cuối năm sẽ…
- Rớt! – Một tên mày râu nào đó hét lên – rớt bây giờ. Trời ơi, lớp trưởng ơi! Chạy đi!
Lớp trưởng chẳng hiểu chuyện gì, dáo dác nhìn quanh.
- Trời ơi, chạy đi mà! – Một giọng khác thúc dục.
Độp! một giọt nước to tướng, khai khai mùi … amoniac rơi bắn tung tóe xuống ngay đầu lớp trưởng. Lớp trưởng hoảng hốt nhìn lên rồi bất thần kêu “á” một tiếng thất thanh nằm lăn ra bất tỉnh. Ba mươi ba cái miệng tròn vo mới há ra chuẩn bị hưởng ứng một trận cười nôn ruột nhưng từ những cái miệng xệ xuống như mếu . Phía trên cây đòn dong con cóc xù xì bị buộc sợi dây vào chân đang há hoát cái miệng ra mà cười! Cả lớp quýnh quáng khiêng lớp trưởng ra xe để đến trạm y tế. Sau khi được tiêm một mũi thuốc, lớp trưởng tỉnh dậy nhưng vẫn chưa hoàn hồn, nói mê loạn xạ : “con cóc ! con cóc!”
Thầy cô trường tôi nổi tiếng dạy giỏi nhưng lại rất nghiêm khắc. Thầy cô dạy giỏi nên lớp tôi học rất giỏi và cũng rất ham học. Còn thầy cô nghiêm khắc nên… lớp tôi phải giỡn dữ trời để phá tan chính sách nghiêm khắc ấy, có lẽ để áp dụng phương án “học giỏi, chơi không thể… dở” nên không bao giờ đoạt cờ luân lưu quá hai tuần, cả lớp “nhịn” giỡn được hai tuần thì sang đến tuần thứ ba chịu hết nổi rồi ! Một tên mày râu nào đó ngáp dài, lập tức một chuổi cười rộ lên :
- Hi, hi, hi … Ha ha ha!
Thế là công trình luyện tập nghiêm túc hai tuần lễ kể như đi đời .
Cũng có hôm thầy nghỉ, 34 cái mặt hớn hở kéo nhau xuống căn-tin cười nói muốn bay cái căn-tin luôn. Sau khi những ly chè, ly kem được vét sạch sẽ, cả bọn kéo nhau lên sân. Tụi con trai chơi đá banh còn những tà áo dài thướt tha thì tạm thời bớt thướt tha một tí. Hai tà áo dài ngoan ngoãn bám lấy cái lưng quần, hai cái ống quần rộng rãi bị “kiềm kẹp” trong hai sợi dây thung nhỏ xíu . Thế là… một hai ba … trận đá cầu bắt đầu … Một tiếng đồng hồ sau, mồ hôi mồ kê tuôn ra đầm đìa, mặt mày cô cậu nào cũng chói lọi như mặt trời, trận đấu mới kết thúc và…
- Tuấn ơi ! dép tao đâu rồi mậy?
- Ai biết ! “ông” để đâu rồi hỏi! ủa, mà dép tui cũng biến đâu mất tiêu rồi?
- Còn một chiếc nè “ông” ơi!
- Ủa, vậy chiếc kia đâu rồi? Coi có rớt xuống mương hông?
- Tui cũng mất tiêu một chiếc dép nữa .
- Tui cũng vậy!
Tụi con trai nhao nhao như ngồi phải lửa, kẻ bươi đám cỏ, người vạch từng viên đá tìm kiếm. Thậm chí có tên cởi quần áo lội xuống mương để mò. Một tà áo dài thướt tha ngồi trên băng đá dưới bóng cây bả đậu cười lên như nắc nẻ. Tụi con trai nghe thấy, nhìn nhau nghi ngờ. Lập tức cả lủ kéo đến biểu tình ầm ĩ :
- Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn tự do . Chúng tôi không muốn… đi một giò. Xin hãy trả lại dép lại cho chúng tôi!
Áo dài không nói mà cứ cười cười hoài . Một vài tên vờ hùng hổ, xăn tay áo lên :
- Bây giờ trả không nói mau?
Đám áo dài thấy tụi mày râu sinh sự, liền tìm cách cứu bồ. Các nàng hét lên như thổi còi :
- Vào học rồi ! Nhanh lên các bạn ơi.
Tụi con trai nửa cười nửa mếu cà nhắc từng bước vào lớp, trong lòng bừng bừng lửa giận. Chưa kịp yên vị, cô hóa đã giở sổ rà rà cây bút đỏ dò từng tên trên danh sách. Đứa nào cũng cố tạo ra bộ mặt hình sự, nhưng kỳ thực trái tim đứa nào cũng nhảy lung tung trong lồng ngực, còn ruột gan thì cứ nôn cả lên. Giọng cô hóa lạnh như đồng làm đứa nào cũng sởn gai ốc.
- Nguyễn… Ngọc… Lợi.
Kẻ được gọi tên mặt mày xanh như tàu lá, luýnh quýnh bật chiếc khóa cặp da, lục đi lục lại, lục tới lục lui, lục xuôi lục ngược… sao kỳ vậy cà ? Tập hóa của mình đâu mất tiêu rồi ? Ủa, mà sao tập sinh của nhỏ Yến lại ở trong cặp mình?
- Ngọc Lợi! Giọng cô gắt gỏng làm Lợi bật đứng dậy như một cái lò xo.
- Mau lên! Đôi mắt cô xoáy thẳng vào bộ mặt tái nhợt của cậu học trò nghịch ngợm. Tình trạng thiếu oxy diễn ra căng thẳng.
- Dạ, thưa cô … – Thủ phạm đưa cái bàn tay to như chiếc quạt nan lên gãi đầu – dạ, thưa cô … tập hóa của em bạn nào giấu mất tiêu rồi.
Cùng lúc đó Yến cũng bật đứng lên:
- Thưa cô, tập sinh của em cũng bay mất tiêu rồi, còn tập hóa của ai …
- Của tui phải không? – Lợi cướp lời Yến một cách đột ngột.
- Không phải! Của bạn… Đỗ Trung Quang.
Đến lượt Quang nhảy cỡn lên:
- Trời ơi! Vậy mà không chịu nói sớm làm nãy giờ tôi kiếm muốn “oải” luôn vậy đó !
Lớp trưởng đứng lên, trịnh trọng hỏi cả lớp :
- Bạn nào bày ra cái trò đổi chác tập vở này? Bạn nào? tự giác đứng lên đi.
Tụi con gái nhao nhao:
- Tui không biết à nha!
Những sự việc têu tếu như thế cũng lùi dần cho việc học hành nghiêm túc.
Chúng tôi cứ đùa giỡn, cứ học, cứ chơi mãi mãi nếu như … hàng phượng trong sân trường không đánh thức những tâm hồn sôi động của chúng tôi dậy . Một hôm, trong giờ văn, Uyên lơ đễnh nhìn ra cửa sổ rồi reo lên :
- Hoa Phượng nở rồi mấy bạn ơi! Trời, vậy là sắp đến nghỉ hè! Thầy dạy văn mắng yêu Uyên:
- Lẫn thẩn vừa vừa thôi chứ cô bé! Đang giờ học mà nói chuyện đâu không!
Rồi cái chuyện đâu đâu đó cũng phải đến. Đứa nào cũng mãi miết lao vào bài vở quên béng mất những trò nghịch ngợm, những lần giỡn đến long trời lở đất, những phút giây “vui sướng” khi “được” bước vào phòng hội đồng để… viết tự kiểm. Sau khi thi xong môn cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp, chúng tôi tụ họp lại trước sân trường, chưa đứa nào muốn về. Những cái miệng xinh xinh xì xào bàn tán… Khi cái cặp kính cận dày cộm của thầy giám thi đã khuất sau những hàng bạch đàn xanh ngắt, lập tức Quang “nhí” leo tuốt lên cây phượng to nhất, nở nhiều hoa nhất, một nhánh, hai nhánh, ba nhánh… Thế là những đóm lửa đỏ rực đua nhau rơi xuống những chiếc nón lá của phe áo dài . Bỗng… suýt nữa Quang “nhí” trượt chân vì giật mình bởi giọng nói ồm ồm của thầy hiêu trưởng :
- Ai cho các anh chị hái bông hái hoa như vầy ? Tính nghỉ học rồi không còn sợ ai hết phải không?
Chúng tôi đứng chết lặng một hồi lâu . Hình như có tiếng nấc nho nhỏ, rồi tiếng khóc sụt sịt. Mãi một lúc sau Uyên mới ấp úng nói:
- Thưa thầy, xin thầy rộng lượng tha cho tụi em lần cuối cùng. Từ đây về sau tụi em không còn được vào đây nữa … Tụi em chỉ phá một lần cuối cùng thôi mà. Hoa Phượng tụi em đem về ép bướm để dán vào lưu bút, thầy ơi …
Chưa nói hết câu, giọng Uyên nghẹn lại. Tôi cũng nghe môi mình mặn đắng. Thầy hiệu trưởng trầm ngăm một hồi rồi mới bảo:
- Thôi được! Các em cứ việc hái, tôi cho phép.
Phải như mọi lần là tụi tôi đã nhảy cẩng lên như trẻ nít, nhưng lần này chẳng đứa nào buồn nhếch môi, mà chỉ nhìn nhau … Quang nhí không buồn hái nữa mặc dù không bị ai cấm cản. Nó ngồi vắt vẻo trên cành phượng hai tay buông thỏng, chân đong đưa … Tụi áo dài ngồi bệt xuống cỏ, những cánh phượng buồn rơi lả tả như muốn nói lời từ biệt với chúng tôi . Trời chạng vạng tối, cả bọn mới lục đục kéo nhau ra về. Ra đến cổng nhỏ Uyên còn ngoái cổ trông lại những đốm lửa lập lòe ẩn khuất giữa vườn bạch đàn xanh rờn những lá.
Chúng tôi như những cánh chim non chập chững bay vào đời, cuộc đời không đơn giản như chúng tôi hằng tưởng tượng mà có những sự thật rất phũ phàng. Có đứa hý hửng bước vào trường đại học với tâm trạng vui sướng. Có đứa ngậm ngùi sớm dấn thân vào dòng đời để kiếm sống, và có đứa đã sẵn sàng rời bỏ đất nước ra đi . Thỉnh thoảng, chúng tôi trở về trường thăm lại thầy cô cũ, thăm lại nơi đã chất chứa biết bao kỷ niệm thân thương. Thầy cô cứ nhắc hoài :
- Sao lâu lắm rồi không thấy Uyên trở về trường mấy em hén!
Tôi ngậm ngùi không biết nói sao, đành tìm cách chối quanh cho bạn :
- Chắc tại Uyên bận học, gần đến kỳ thi, bài vở nhiều lắm thầy ơi! Vả lại, từ Hà Nội vô đây, xa thấy mồ!
Không ngờ Quang “nhí” lẹ miệng nói ngay:
- Từ Hà Nội vô đây bộ xa hơn qua Mỹ sao Hằng? Hừm, bên Mỹ bạn ấy còn đi tới . Vậy mà… vậy mà bạn ấy không thèm về đây từ giã thầy với tụi mình một tiếng!
Tôi chết lặng đi, nhìn thầy. Mắt thầy buồn, đăm đắm nhìn về hàng phượng xanh rì, cao vút. Uyên ơi ! bộ Uyên quên hết rồi sao? Vườn bạch đàn xanh rờn, lao xao, lao xao. Chiếc băng đã quen thuộc dưới tàn cây bả đậu mà mình thường hay ngồi đọc sách. Cái phòng thí nghiệm ngột ngạt có bộ xương người . Cái phòng hội đồng có quạt máy, nơi mình vừa ngồi viết tự kiểm vừa nhai nhóc nhách mấy miếng khô bò và đây nữa, quán kem “ruột” của tụi mình ngày đó… Uyên ơi! Ở bên Mỹ giờ này Uyên nghĩ gì? Sao Uyên không về thăm lại trường xưa?
Người thầy năm xưa
Tôi sinh ra ở làng quê nhỏ. Ngôi trường tiểu học của tôi cũng là trường làng bé lắm. Ngồi trường ấy ngày ngày chào đón các em học sinh nghèo tay lấm chân trần. Vâng, trường tôi nghèo lắm. Nhưng ở nơi đó tôi đã tìm thấy nhiều niềm vui và những kỉ niệm về người thầy thân thương với lòng biết ơn sâu sắc.Đã hơn 10 năm nhưng hình ảnh và lời nói của thầy vẫn luôn hằn sâu trong ký ức tôi. Đó là năm học lớp 5, tôi được chuyển sang học lớp mới. Ngày đầu đi học tôi đứng rụt rè ở cửa lớp vì e sợ thầy, bạn không quen. Thầy nhìn thấy tôi và hỏi han ân cần. Nhìn ánh mắt trìu mến và cầm bàn tay ấm áp của thầy, tôi bước vào lớp trong sự yên tâm lạ thường.
Từ lần đầu được gặp thầy rồi được thầy dạy dỗ, tôi càng hiểu và thấy yêu quý thầy nhiều hơn. Với thầy, tôi có thể diễn tả bằng hai từ “yêu thương” và “tận tụy”. Thầy tận tụy trong từng bài giảng, từng giờ đến lớp. Cả những ngày nó