(ĐSPL) - Báo tường 20/11 với một mẩu truyện ngắn về thầy cô giáo sẽ góp phần làm cho tác phẩm thêm phong phú và ý nghĩa hơn rất nhiều.
"Cha mẹ cho chúng ta hình hài, thầy cô giáo cho chúng ta chữ nghĩa", đó là công ơn ta không thể phủ nhận được. Công ơn thầy cô không bao giờ có thể kể xiết.
Nhằm tỏ lòng biết ơn công lao của các thầy cô dạy chữ, dạy người đã có rất nhiều tác phẩm truyện ngắn về thầy, cô giáo.
Sau đây, Báo Đời sống và Pháp Luật xin giới thiệu một số tác phẩm truyện ngắn hay và ý nghĩa gửi tặng thầy, cô giáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nhằm tỏ lòng biết ơn công lao của các thầy cô dạy chữ, dạy người đã có rất nhiều tác phẩm truyện ngắn về thầy, cô giáo.
Sau đây, Báo Đời sống và Pháp Luật xin giới thiệu một số tác phẩm truyện ngắn hay và ý nghĩa gửi tặng thầy, cô giáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thầy ơi, bây giờ mùa hoa lau trắng
Đã 10 năm rồi em không gặp lại Thầy, cũng chừng ấy thời gian em vẫn hằng mơ một ngày em được trở lại thời thơ bé với bao kỷ niệm lưu luyến với thầy cô và bè bạn. Chiều nay em đi qua khúc sông gặp bạt ngàn hoa lau trắng, những bông lau trắng bời bời như nỗi nhớ của em về Thầy...
Bài học đầu tiên em học ở Thầy là bài giảng về lịch sử về Đinh Tiên Hoàng - vị vua tài giỏi đã dẹp loạn 12 sứ quân, đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước.
Thầy đã kể rất sinh động việc thời nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau với trẻ con thôn khác, đánh đâu thắng đó, tất cả đều hàng phục tôn làm "chủ tướng", chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như vua.
Hình ảnh những cành lau trắng đã được Thầy minh họa rất xúc động và trở thành dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong em và nhiều lứa học trò chúng em ngày ấy. Thầy đã giảng cho chúng em biết bao bài học về lịch sử, về tình yêu đất nước và tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc... nhưng có một điều, Thầy chưa bao giờ kể về mình, về cuộc đời quân ngũ của Thầy. Thầy là thương binh, Thầy trở về từ chiến trường và đã để lại nơi ấy một cánh tay. Em nhớ những dòng chữ bằng phấn trắng Thầy viết lên bảng bằng tay trái xiên xiên, chợt thấy cay cay sống mũi...
Hồi đó, món quà mà em và các bạn trong nhóm học sinh giỏi Văn đã tặng Thầy nhân ngày 20-11 là một bó hoa lau trắng. Thầy đã xúc động đến lặng người. Thầy cẩn thận cắm "bó hoa đặc biệt" ấy của chúng em vào một bình hoa được làm bằng gốc tre ngà ở phòng làm việc của Thầy. Rồi Thầy quay lại nói với chúng em giọng xúc động: hoa lau trắng nhắc Thầy nhớ mẹ, nhớ những người đồng đội cũ. Thầy kể, chữ đầu tiên hồi đó Thầy học là chữ 0.
Để thầy dễ nhớ, mẹ Thầy nói nếu khi con nhìn thấy nắng xuyên qua mái nhà của mình, thấy những chấm tròn, đó là chữ 0. Nhà Thầy hồi đó lợp bằng tranh mây. Những gánh tranh mây mà cha Thầy đã lặn lội mang về từ trong rừng sâu, kiên nhẫn gánh đến mấy tháng trời mới đủ làm mái nhà. Người thầy đầu tiên trong cuộc đời Thầy chính là mẹ Thầy. Những con số đầu tiên Thầy biết cũng từ mẹ. Học đếm từ số 1 đến số 10, rồi cả phép cộng, trừ, nhân, chia cũng bằng những củ khoai, những phần quà của mẹ mỗi buổi chợ chiều cho chị và mấy đứa em.
Bài học làm người mẹ cũng dạy Thầy bằng những câu ca dao "Lá lành đùm lá rách", "Ăn xem nồi ngồi xem hướng", "Học ăn học nói học gói học mở",... Chỉ đơn giản là những lời dạy thường ngày, không có cuốn giáo án nào ngoài cuốn giáo án trái tim, tấm lòng yêu thương con hết mực... Câu chuyện kể của Thầy cũng là một bài học Thầy muốn dạy lại cho em, về tình yêu và lòng nhân ái. Có lẽ em nhớ và kính trọng Thầy hơn bởi những điều thật giản dị như thế.
Trong giấc mơ ngập trắng hoa lau, em thấy tuổi thơ mình trở về bình yên, trong trẻo. Em nhớ Thầy nói là mỗi loài hoa đều có một hồn cốt riêng, đều có những giá trị mà chưa có ai viết hết, nói hết.
Giờ đây đứng trước triền sông bạt ngàn hoa lau trắng - loài hoa giản dị đã trở thành ký ức thiêng liêng trong em khi nhớ về Thầy, về bài học đầu tiên của Thầy. Trong trái tim em, hình ảnh của Thầy giống như một ngọn núi với những tán cây đủ chở che cho em suốt mùa nắng gắt, cũng là nơi bình yên em muốn trở về mỗi khi lòng mệt nhoài nơi đất khách.
Mùa đông đã về hun hút gió. Ngoài triền sông hoa lau trắng lại bời bời trong gió. "Cây lau có một sức sống bền bỉ và diệu kỳ, dù gió mưa có quất bao nhiêu thì hoa vẫn nở đúng mùa và vẫn trắng đến chênh chao. Con người cần phải kiên trì hơn loài hoa lau ấy..."
- Thầy đã dạy em như thế. Đến bây giờ em vẫn luôn mang theo bên mình hình ảnh của một màu hoa - trắng tinh khiết như những tình cảm mến thương của những cô cậu học trò dành tặng thầy cô giáo...
Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.
Gửi những người chèo đò mải miết giữa sông xưa.
Gửi thầy con, người mải miết chèo lái những dòng đời xuôi ngược…
Con còn nhớ rõ hình bóng thầy trên bục giảng năm ấy. Mái tóc pha hơi sương, chiếc cặp sách cũ, nụ cười hằn những vết chân chim đượm màu thời gian đã theo chúng con đi hết những năm tháng cuối của thuở học trò có lớn mà không có khôn…
Bụi phấn rơi rơi theo từng dòng thầy viết, rơi vào cả tâm hồn non nớt chúng con những bài học về cuộc đời.
Thuở ấy, chúng con nào biết làm người phải có lấy một ước mơ, dù giản dị, nhỏ nhoi hay cao sang to lớn. Chiếc bảng đen, từng trang giấy trắng, những lời giảng dạy của Thầy chính là đoạn đường dài dẫn chúng con với những ước mơ đầu tiên ấy!
Thưở ấy, chúng con nào biết cuộc đời chỉ có những bà tiên và ông bụt, rằng Lý Thông, mụ gì ghẻ, hay quỷ dữ chỉ có trong truyện mà thôi… Cuộc đời này vẫn luôn là bài một bài toán khó, mà đi hết cả quãng đường dài chúng ta mới nhận ra chẳng có lời giải nào tốt hơn ngoài hai từ “trải nghiệm”.
Thầy dạy rằng bước vào đời chúng con cần có một đôi mắt sáng và một trái tim biết yêu thương, để đối tốt với những người ngay và tránh xa những toan tính, bon chen của những kẻ độc ác.
Thuở ấy, chúng con nào biết “tha thứ” là một động từ đẹp nhất chỉ sau “yêu”. Thầy dạy chúng con đừng quay lưng với những người đã nhận lỗi, đừng mang ngõ cụt đến cho những người đã biết mình sai, đừng nhẫn tâm với những người đã biết quay lại… Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.
Thưở ấy, chúng con nào biết cậu bạn kia lấm lem bùn đất chỉ vì giúp ba cày thêm ruộng lúa, đâu biết cô bạn thỉnh thoảng ngủ gật trong lớp kia tối qua thức khuya trông em cho mẹ ốm, đâu biết cậu bạn bên cạnh mình có người thân bệnh nặng nên bỏ học thường xuyên…
Chúng con vẫn chỉ là những đứa trẻ ngây thơ nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn như vốn dĩ, mà vô tình lãng quên đi đằng sau nó có thể là cả một câu chuyện dài.
Thầy dạy chúng con hãy biết để ý và chăm sóc đến những người xung quanh, hãy biết trân trọng những điều tưởng như rất bình thường nhưng vô cùng quý giá. Bởi có một ngày, yêu thương cũng có thể là quá muộn… khi mà hợt hời và vô tâm đã bỏ xa khoảng cách giữa những con người.
Thưở ấy, chúng con nào biết cuộc đời luôn là những vòng quanh. Những khúc gập, những quanh co, những thác ghềnh luôn là một phần không thể thiếu. Đừng mơ tưởng về cuộc đời là một đường thẳng… Nếu cuộc đời con không có những khúc ngoặt, hiển nhiên nó đã vô nghĩa đi rất nhiều rồi.
Thầy còn dạy chúng con phải biết ngẩng đầu trước thất bại, đừng dừng lại khi phía trước còn nhiều lắm những chông gai… Quá nửa cuộc đời con đã sống như lời thầy dạy, con lớn thêm một chút rồi, thầy ơi…
Dẫu đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông…
Những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách…
Dẫu gió lạnh, đèn khuya, lưng áo mỏng…
Thầy tôi trăng hắt những đêm kia, vẫn mải miết chèo đời…
Câu truyện cảm động về nghề giáo
Tôi là một học sinh… không dạy nổi. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận xét như vậy với ba mẹ tôi. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận tôi quá một tháng. Mẹ tôi khóc. Bố thở dài: thằng này vậy là coi như xong…
Chuyển qua trường mới. Nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng đã muốn đuổi tôi đi nhưng nể tiếng ngoại tôi là giám đốc ty giáo dục cũ, thầy đành nhận. “Tôi sẽ xếp em vào lớp thầy Tiến”.
Thầy dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, bố đích thân dẫn tôi đến “trao tận tay thầy”. Tôi lén quan sát “đối thủ” của mình. Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt tôi “A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây”. Thầy xếp tôi ngồi với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi 1-0 rồi.
“Thầy biết tại sao em dây mực vào áo bạn”, thầy nói với tôi khi Tú còm mếu máo mách chuyện. Sao ông ấy lại biết nhỉ? Mình đã khai gì đâu. Trước đây, mỗi lần tôi dây mực vào hầu hết các trò trong lớp các cô đều hỏi tại sao, các thầy thì ngay lập tức thi hành hình phạt. Bao giờ tôi cũng bịa ra một chuyện mà mình là nạn nhân. Tôi mặc sức bịa dù chẳng ai tin. Tôi cũng chẳng quan tâm hình phạt là gì và có ai tin hay không. Vậy mà hôm nay thầy bảo là thầy biết. Ngạc nhiên hơn là thầy chẳng phạt tôi gì cả. Thầy chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: “Lần sau em nhớ cẩn thận hơn”. Mấy hôm sau nữa tôi lại vẩy mực lên áo 3 nạn nhân nữa. Thầy vẫn bảo biết rồi và không phạt. Tôi đâm chán trò vẩy mực cũ rích chẳng ấn tượng này.
Thời ấy chúng tôi đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi, tôi gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học tôi xô lũ bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ tôi đều bị tịch thu hết phấn thừa. Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn vào tay tôi hộp phấn to đùng mà không nói gì. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy. Tôi nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi cô giáo cũ mắng tôi, hôm sau tôi càng lấy phấn nhiều hơn nữa. Vậy mà khi cầm hộp phấn thầy cho trong tay, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Ôm hộp phấn lên trả cho thầy, tôi lí nhí: “Lần sau em không làm thế nữa”. Thầy mỉm cười bảo: “Em ngoan lắm!”.
Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Tôi nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa.
Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật tôi đúng với trường hợp ấy. Tôi có thể bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì dính đến văn chương là tôi mù tịt.
Vào học được một tháng, tôi thấy thầy đạp xe qua nhà. Chiếc xe của thầy chẳng biết trước đây sơn màu gì, giờ chỉ còn trơ ra màu gỉ sét xấu xí. Thầy vào nhà, ba mẹ tôi đều đi vắng cả. Ngó qua căn nhà tồi tàn của tôi, thầy hẹn ngày mai quay lại. Tôi lo hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Thầy đứng luôn ngoài sân “bàn chuyện” với ba tôi.
Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài liệu giúp thầy. Nhất thiết phải là chữ trẻ con. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba mẹ tôi mừng rỡ vì không phải khản cổ quản tôi nửa ngày không đến trường. Tôi vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách ra cũng chẳng có gì đáng giá. Mỗi ngày một buổi, tôi gò lưng ghi chép lại những gì đọc được.
Thầy bắt tôi viết những dòng cảm nhận ngắn sau mỗi tác phẩm. Sau đó tôi đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch lạc, thêm vào một số ý. Thỉnh thoảng thầy bảo tôi dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc. Tôi về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước thầy. Dần dần, kiến thức “tự nhiên” đến với tôi lúc nào không biết. Lần đầu tiên cầm tờ giấy khen của tôi trên tay, mẹ tôi đã khóc, khóc to hơn lúc tôi bị đuổi học. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười.
Năm học qua đi nhanh chóng. Tôi nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học. Ngày khai trường, tôi tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Linh tính điều không hay, tôi bỏ cả buổi lễ chạy đến nhà thầy. Căn nhà trống hoác. Bác hàng xóm nghe chó sủa ran chạy sang xem xét. “Cậu là Phong hử?”. “Dạ”. “Thầy Tiến gửi cái này cho cậu. Thầy ấy bảo chuyển vào Nam ở với con trai”. Tôi vội vàng mở ra, bức thư rất ngắn. “Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em luôn là học trò ngoan của thầy”.
Mười năm qua đi, tôi mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.
Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của em!
Người thầy trong trái tim em
Trong mỗi đời người, luôn tồn tại những kí ức, có những kí ức vui ta muốn nhớ mãi nhưng cũng có những kí ức buồn ta muốn quên đi. Đối với tôi, kí ức khiến tôi muốn nhớ mãi là thời học trò trong những năm cấp hai của tôi. Mỗi năm học trôi qua, tôi đều có thêm người thầy, người cô để ghi nhớ trong trái tim mình và năm nay cũng vậy. Chỉ trong khoảnh khắc vài tháng, cô giáo dạy văn của tôi đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.
Ắt hẳn các bạn ngồi đây cảm thấy lời của tôi là nghịch lí. Tôi đang học lớp chín thì đáng lí ra tôi phải viết về những thầy cô trong các năm học trước của mình, nhưng tôi lại viết về người cô đang dạy tôi trong năm học này? Có thể đối với những bạn khác, cô chỉ mới đứng lớp trong hai tháng. Nhưng với tôi, cô đã gắn bó hơn sáu tháng rồi.
Cô đã dạy văn tôi trong suốt ba tháng hè. Và đó cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với tôi. Cô là một người rất tận tụy, giảng giải chu đáo cho học sinh. Khi cô giảng bài, giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô đã thu hút chúng tôi vào bài học. Cô giảng giải, phân tích từng chi tiết nhỏ nhất của bài học, cho học sinh cảm nhận ý nghĩa của từng chi tiết đó rồi phát triển thành những lời văn sâu sắc, đầy ý nghĩa. Nhờ những bài giảng của cô mà chúng tôi thêm yêu nàng Kiều mười lăm năm lưu lạc, thêm yêu Vũ Nương – người con gái tư dung tốt đẹp. Những bài mà trước đây đọc không hiểu, giờ đây chúng tôi thấy nó mới hay, mới sâu sắc làm sao! Người ta thường nói tiết Văn là tiết ru ngủ nhưng điều kì lạ là khi cô giảng chúng tôi càng cảm thấy thú vị hơn, ý nghĩa hơn. Chắc có lẽ chính nhờ vậy mà cô luôn được học sinh chúng tôi yêu mến.
Khi vào năm học, tôi vui sướng biết bao khi được cô làm chủ nhiệm. Trong vai trò chủ nhiệm, cô trông nghiêm túc hơn hồi hè. Khi lớp hạng cao, cô khuyến khích, khen thưởng, mỗi lần lớp hạng thấp, cô nhắc nhở, động viên lớp cố gắng hơn. Mẹ tôi cũng là một giáo viên chủ nhiệm nên tôi có thể hiểu được sự vất vả, nặng nề thế nào khi đảm nhận chủ nhiệm một lớp cuối cấp. Càng hiểu nỗi vất vả của cô bao nhiêu, tôi càng quyết tâm phải giúp lớp lấy được hạng cao bấy nhiêu. Có thể đối với các lớp khác, tiết chủ nhiệm luôn là tiết nặng nề nhất, bởi tiết đó luôn khiến các bạn khác lo sợ vì bị mắng. Nhưng với lớp tôi, giờ chủ nhiệm lại được nghe những câu chuyện hay, ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi yêu những câu chuyện đó vì nó luôn giúp chúng tôi rút ra được những bài học quý giá cho riêng mình. Tôi đã từng đạt giải ba trong kì thi học sinh giỏi lớp tám. Có lẽ vì vậy mà cô kì vọng vào tôi trong kì thi năm nay. Tôi tự hứa mình phải cố gắng hơn, mình phải đậu để không khiến cô thất vọng. Nhưng tôi đã thất bại. Những tưởng cô sẽ la mắng tôi, trách móc tôi, nhưng không. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cô khuyến khích các bạn trong lớp: “ Cho dù các con thi không đậu cũng đừng buồn, vì các con còn nhiều cơ hội khác để bắt lấy.” Nhưng thật sự cô càng khuyến khích thì tôi lại càng thấy lòng ray rứt hơn. Tôi đã tự hỏi với lòng mình tôi đã cố gắng hết sức chưa, tôi đã tập trung vào môn văn chưa? Mặc dù vậy, cô vẫn không hề la rầy, trách cứ tôi một lời nào mà vẫn dịu dàng động viên, an ủi tôi. Chính điều đó sẽ là động lực cho tôi bước tiếp và cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên con đường học vấn của mình.
Lớp chúng tôi có một bạn tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng học rất giỏi. Cả nhóm chúng tôi tổ chức sinh nhật cho bạn đó nhưng trong lớp lại có bạn nói: “ Tại sao chỉ có sinh nhật bạn đó là tổ chức còn sinh nhật tụi mình thì không tổ chức?” Nghe thấy câu nói đó, cô đã nói: “ Gia cảnh bạn khó khăn, có lẽ mấy năm nay cũng chưa có được một ngày sinh nhật cho mình, tuy ở đây chỉ là một chút gì đó nhỏ thôi nhưng ít nhất cũng khiến bạn cảm thấy vui…” Nói đến đây, cô đã khóc. Nhìn giọt nước mắt của cô rơi xuống mà lòng chúng tôi chạnh lại. Chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ từ lời nói của cô thôi mà đã khiến chúng tôi hiểu được thế nào là sự sẻ chia, thế nào là ấm áp tình bạn. Giọt nước mắt ấy đã khiến chúng tôi phải nhìn lại mình. Chúng tôi được sống trong hoàn cảnh đầy đủ, may mắn hơn thì tại sao lại không chia sẻ sự may mắn đó cho người bạn của mình để họ cảm thấy lòng ấm áp hơn? Khi nhìn những giọt nước mắt ấy, tôi chợt nhận ra cô không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn là một người đồng cảm với học sinh, luôn cố gắng thấu hiểu học sinh của mình.
Văn của tôi không bóng bẩy, trau chuốt, cũng không đặc sắc như những bài văn mà các bạn đã đọc. Khi tôi viết những dòng cảm nhận này, tôi chẳng nghĩ rằng mình sẽ được giải. Tôi chỉ viết bằng tấm lòng yêu thương, kính trọng cô từ sâu thẳm trong con tim mình. Tôi không nêu tên cô ra vì tôi nghĩ các bạn cũng có thầy giáo, cô giáo dạy văn như tôi và tôi cho rằng cô cũng không thích như vậy.
Sáu tháng, chưa đầy một năm nhưng cô đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Cô như là nguồn cảm hứng cho những bài văn của tôi và nếu mái trường là ngôi nhà thứ hai thì cô chính là người mẹ thứ hai của tôi. Cô ơi, con cảm ơn cô vì những gì cô đã dành cho con, con sẽ cố gắng để thành công và “gặt được nhiều lúa vàng” trong cuộc sống.